Một nữ sinh viên năm nhất mới đây đăng tải trên mạng xã hội tình huống mà theo cô là gây khó chịu trong lần hẹn hò đầu tiên. Theo miêu tả của cô gái, chàng trai hiện là sinh viên năm 4, ngoại hình ổn, đang vừa học vừa làm và tự chi trả được việc ăn học ở Hà Nội.
Anh này sẽ là một nhân vật hoàn hảo trong mắt cô gái nếu không tiếc những đồng tiền lẻ. Cô này nhớ rõ mỗi lần đi ăn uống, xem phim, chàng trai không ngại đứng chờ đến khi nhân viên gửi lại 1, 2 nghìn tiền thừa. Thậm chí khi phim sắp chiếu, anh này vẫn cố yêu cầu nhân viên trả lại tiền lẻ.
Điều này khiến cô gái bực bội ra mặt. Theo cô, một vài đồng tiền lẻ không phải chuyện quá lớn, thời gian "sân si" chúng nên để làm việc khác.
"Người ta (các nhân viên) có công ăn việc làm, có người trả lương cho người ta rồi, anh lấy mấy đồng lẻ ấy sau này cho người vô gia cư với ăn xin. Cũng là cho nhưng cho như vậy có phải hay hơn không?", chàng trai nói với cô gái.
Tuy vậy, do bất đồng quan điểm, cô này quyết định không liên lạc thêm với chàng trai.
Có lẽ đây cũng không phải câu chuyện hiếm gặp trong cuộc sống thường ngày. Chẳng thế mà câu chuyện thu hút gần 3.000 bình luận của dân mạng. Nhiều người cho rằng tính tiết kiệm của chàng trai không có gì sai, việc lấy lại tiền thừa là trân trọng công sức lao động của bản thân.
"Tiền lẻ không phải là tiền à? Người vô gia cư và ăn xin còng lưng ngoài đường cả ngày mới có được đồng tiền lẻ đó bạn ạ. Tiền người ta làm ra, không tự dưng mà cho không kẻ khác. Bạn mới là sinh viên mà đã mắc bệnh sĩ diện hão. Cái gì cũng biết, mỗi tội không biết điều", một tài khoản lên tiếng.
"Khi nào bạn ở trong tình cảnh không mang tiền ra ngoài, trong ví chỉ còn 6 nghìn tiền lẻ và thiếu một nghìn để đủ đi buýt thì sẽ biết tiền lẻ quý thế nào nhé. Bạn khó chịu một cách vô lý rồi đấy!", thành viên Văn Đức bình luận.
"Nói chung là tùy quan điểm mỗi người. Có người bỏ qua 1, 2 nghìn tiền lẻ thừa để công việc được trôi chảy thì cũng có cái tiện. Việc lấy lại tiền thừa hay không là do bản thân người dùng quyết định. Điểm đáng trách ở đây là bạn nữ lại nhìn vào hành động đó để phán xét bạn trai", nickname Truong Hoang viết.
Nguyên văn chia sẻ của cô gái:
"Đàn ông con trai, muốn tán gái trước hết bỏ thói quen sân si 1, 2 đồng tiền lẻ đi nhé.
Em năm nhất, có một anh năm 4 tán em. Nói sơ qua thì ngoại hình anh ấy cũng ổn, cao ráo, không béo không gầy. Về học thức, anh này năm cuối nhưng vừa làm vừa học, cũng tự kiếm được tiền để chi trả cho việc ăn học ở trên này (Hà Nội). Anh ấy mới làm quen với em một tháng trước và hôm chủ nhật vừa rồi là lần đầu tiên 2 đứa đi chơi với nhau...
Đầu tiên 2 đứa đi ăn cơm. Em sẽ bỏ qua đoạn ăn cơm để đến đoạn thanh toán luôn. Lúc thanh toán hết 178 nghìn, em thấy anh ấy đưa 180 nghìn. Em nghĩ thôi 2 nghìn chẳng lấy làm gì vì bạn nhân viên nói không có tiền lẻ. Vậy mà anh ấy đứng đấy, chờ trả 2 nghìn bằng được, còn bảo:
- Bạn nhanh giúp mình nhé, mình đi có việc bây giờ
Em nghĩ bận thế thì cho người ta 2 nghìn rồi đi cho xong.
Sau khi lấy tiền thừa, 2 đứa lại đi uống trà sữa. Mình em mua uống thôi, hết 49 nghìn. Anh ấy đưa 50 nghìn, bạn nhân viên kêu không có tiền lẻ trả lại. Em nghĩ là thôi chuẩn bị lên rạp chiếu phim vì sát giờ rồi. Vậy mà anh ấy còn hỏi:
- Bạn có 5 nghìn không, mình có 4 nghìn nữa này
Anh ấy rút liền trong ví 2 tờ 2 nghìn đưa thêm, người ta đành trả lại anh 5 nghìn. Anh ấy vẫn trách:
- Các bạn bán như này thì nên chuẩn bị tiền lẻ để trả khách chứ
Đã muộn rồi, cả 2 phi thẳng đến rạp chiếu phim, mua vé xong mua bỏng. Hình như lại thừa 2 nghìn tiếp mà nhân viên vội làm nên quên trả. Em mới bảo:
- Thôi anh, vào luôn rạp xem cho nhanh
Vậy mà anh ấy vẫn cố với ra:
- Bạn ơi, mình còn thừa 2 nghìn nữa
Bạn nhân viên lúc ấy mới xin lỗi và gửi lại anh ấy 2 nghìn.
Người ta có câu "Quá tam ba bận", 3 lần trong một ngày thấy khó chịu vì một việc ấy, làm em đi chơi cũng mất cả vui. Đến lúc anh ấy đưa em về tới phòng, em nói thẳng luôn:
- Anh bỏ cái tính sân si mấy đồng tiền lẻ đi, người ta làm được mấy đâu. Cho người ta 1, 2 nghìn thì đáng gì mà anh cứ sân si. Thời gian đòi 1, 2 nghìn đó anh đi làm nhiều việc khác có phải hay hơn không?
Anh ấy bảo:
- Người ta có công ăn việc làm, có người trả lương cho người ta rồi. Anh lấy mấy đồng lẻ ấy sau này cho người vô gia cư với ăn xin. Cũng là cho nhưng cho như vậy có phải hay hơn không?
Em không thèm nói chuyện với anh ấy vì cứ thích lý sự cùn. Có ai thấy khó chịu như em không? Dân kinh tế mà không biết làm kinh tế gì cả. Thời gian ấy đầu tư làm việc khác, bỏ qua mấy đồng tiền lẻ có phải em với anh ấy vui hơn rồi không?
Bây giờ em không tiếp chuyện anh ấy nữa".
Theo Duy Nam (Soha/Thời Đại)