Mới đây trên mạng xã hội, bài đăng ghi lại câu chuyện của anh chàng 31 tuổi trong một lần đưa bố đi viện bất ngờ được cư dân mạng chia sẻ rầm rộ.
Theo đó, chủ bài đăng chia sẻ bố gặp tai nạn dẫn đến gãy xương ngón tay và phải nhập viên. Nhưng trớ trêu thay, anh không đủ tiền để lo viện phí cho bố, thậm chí còn phải dựa vào từng đồng tiền nhàu nát của ông. Khoảnh khắc này khiến anh chàng vô cùng đau lòng cho bố, nhưng đồng thời cũng giúp anh hiểu ra được nhiều điều.
Anh chàng viết: "Mình 31 tuổi, chưa vợ, đi làm lương 21 triệu, ở tỉnh lẻ. Mức lương vậy không thấp thậm chí khá cao so với mọi người ở quê mình, nhưng tháng nào mình cũng tiêu hết tiền, dù ăn uống bố mẹ nuôi, nhà ở chung với bố mẹ. Bố mẹ cũng làm nông thôi, nhà vẫn nhà cấp 4, nắng thì nóng, mưa thì dột.
Hôm nay đang đi làm thì bố mình gọi điện báo bị tai nạn gãy xương ngón tay phải vào viện. Mang tiếng lớn đầu đưa bố đi viện nhưng trong ví chỉ có 126k, lúc bố phải nhập viện, mình cũng chỉ đứng im chờ bố lấy ví đóng từng đồng viện phí. Những đồng tiền cũ nhàu nát, gom góp bán từng mớ rau, đồng hành của bố mẹ. Cuối cùng vẫn thiếu mất 700k tiền ứng, bố quay ra hỏi mình, mình chỉ biết lắc đầu... Lúc đó mình thương bố và thấy trách bản thân bất tài thật sự.
Trước nay nhà không xảy ra chuyện gì, nên mình cứ có bao nhiêu thì đi ăn chơi bạn bè, độ xe, du lịch, mua máy chơi game, chẳng hề nghĩ phải có tiền tích luỹ để đến khi khó khăn cần đến... Giờ mới thấy hối hận quá mọi người ạ! Giá như mình biết quý trọng đồng tiền sớm hơn".
Ngay khi hình ảnh và câu chuyện này được chia sẻ lên mạng xã hội thì đã thu hút nhiều chú ý. Phía dưới bài đăng, hầu hết comment đều chê trách anh chàng vì đã hơn 30 tuổi nhưng vẫn sống dựa tài chính của gia đình mà còn không báo hiếu được cha mẹ. Một số người khác thì bày tỏ sự đồng cảm và khuyên anh nên thay đổi, biết cách chi tiêu và kiếm tiền nhiều hơn để không chỉ giúp cuộc sống của bản thân mà bố mẹ ngày càng tốt.
Một số bình luận bên dưới bài đăng:
- "Chưa vợ con, ở nhà bố mẹ nuôi cơm, làm lương 21triệu/tháng, đã vậy 31 tuổi đi làm ngần ấy năm mà vài trăm nghìn không có thì thật sự phải nói là quá tệ. Mình chả biết nói gì hơn. Thôi may là bạn nhận ra, vẫn chưa muộn".
- "Thật không thể hiểu nổi bạn. Mình ở Hà Nội, lương chỉ bằng 1 nửa bạn nhưng vẫn cố gắng để dành 1 khoản, gom góp sắm điều hòa, máy giặt, nóng lạnh,... cho nhà ở quê để bố mẹ có cuộc sống tiện nghi nhất. Làm con chắc ai cũng mong muốn báo hiếu bố mẹ, dù ít hay nhiều".
- "Đến khi bố bạn đi viện, bạn nhận ra bản thân mình sai thì vẫn còn chấp nhận được. Biết sai thì sửa, không gì là muộn màng, chỉ sợ bạn không nhận ra được thôi. Sau này còn có thêm vợ con nữa thì chẳng thể nào lo cho bố mẹ chủ đáo hơn nữa được. Tháng kiếm 21 triệu thì bạn nên chi tiêu cho cá nhân 3 triệu/tháng. Còn lại biếu bố mẹ 6 triệu/tháng. Còn lại bạn gửi tiết kiệm tích lũy sửa nhà cho bố mẹ bạn à. 21 triệu/tháng đối với mình là cao đó bạn. Mình ở tại TP.Cần Thơ mà còn cao huống gì bạn nói bạn ở quê".
Làm sao để có tiền báo hiếu bố mẹ hàng tháng?
Giống như chàng trai, không ít người đi làm nhiều năm nhưng không để dư được đồng nào báo hiếu bố mẹ. Nguyên nhân có thể đến từ việc họ có thu nhập chưa cao, gặp nhiều biến cố cần dùng đến tiền hoặc do cách quản lý tài chính còn kém. Nếu đang có nguồn thu nhập ổn định, không gặp khó khăn về tiền bạc thì dưới đây là những gợi ý giúp bạn quản lý tài chính tốt hơn để có thể báo hiếu bố mẹ đều đặn và bền vững.
1/ Áp dụng quy tắc quản lý tài chính hợp lý
Một trong những phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất trong quản lý tài chính cá nhân là quy tắc 50/30/20. Theo nguyên tắc này:
50% thu nhập dành cho các nhu cầu thiết yếu như tiền nhà, ăn uống, đi lại, hóa đơn điện nước. 30% dành cho chi tiêu cá nhân như giải trí, mua sắm, du lịch. 20% còn lại dùng cho tiết kiệm và đầu tư.
Tuy nhiên, để có thể hỗ trợ cha mẹ hàng tháng, bạn có thể điều chỉnh quy tắc này thành 50/20/20/10, trong đó 10% thu nhập sẽ được dành riêng cho bố mẹ. Ví dụ, nếu thu nhập hàng tháng của bạn là 15 triệu đồng, ít nhất 1,5 triệu đồng nên được trích ngay sau khi nhận lương để gửi về cho bố mẹ.
Để đảm bảo tính kỷ luật, hãy tách riêng số tiền này vào một tài khoản khác hoặc đặt chế độ chuyển khoản tự động mỗi tháng. Việc trích tiền ngay từ đầu sẽ giúp bạn tránh tình trạng chi tiêu hết rồi mới nghĩ đến việc gửi tiền về nhà, từ đó tạo thành một thói quen tài chính bền vững.
2. Kiểm soát chi tiêu, tránh lãng phí
Nhiều người thường chi tiêu mà không để ý những khoản nhỏ nhưng tích lũy lại sẽ thành một con số lớn. Chỉ cần điều chỉnh một chút thói quen chi tiêu hàng ngày, bạn đã có thể tiết kiệm một khoản đáng kể để báo hiếu bố mẹ.
Một số mẹo giúp bạn tối ưu tài chính bao gồm:
- Hạn chế mua sắm không có kế hoạch: Áp dụng quy tắc “30 ngày” – nếu bạn muốn mua một món đồ không thiết yếu, hãy đợi 30 ngày, nếu sau thời gian đó bạn vẫn cảm thấy cần, hãy mua. Cách này giúp bạn tránh chi tiêu theo cảm xúc.
- Giảm bớt các chi phí giải trí không cần thiết: Nếu bạn đang đăng ký nhiều dịch vụ cần trả phí, hãy xem xét cắt giảm bớt một hoặc hai dịch vụ, có thể giúp tiết kiệm 200.000 - 300.000 đồng/tháng.
- Kiểm soát chi tiêu cho ăn uống, cà phê: Một ly trà sữa có giá khoảng 50.000 đồng, nếu bạn uống 10 lần/tháng, bạn đã tiêu hết 500.000 đồng. Nếu giảm một nửa số lần uống, bạn sẽ tiết kiệm được 250.000 đồng/tháng – một khoản có thể dành để báo hiếu cha mẹ.
- Tận dụng các chương trình khuyến mãi, ưu đãi: Nếu bạn thường xuyên mua sắm online hoặc đi ăn ngoài, hãy tận dụng các mã giảm giá hoặc chương trình khuyến mãi để tiết kiệm chi phí.
Theo Nguyệt (Thanh Niên Việt)