"Bóng cười" và hệ lụy không thể xem thường: Nguy cơ thật của loại bóng gây ảo

23/02/2017 11:37:00

Với một số quán cà phê ở Hà Nội, “bóng cười” được xem như một mặt hàng không thể thiếu để câu khách thích khám phá cảm giác “ảo”. Tuy nhiên, những hệ lụy đằng sau nó khiến “bóng cười” đang trở thành một mối lo trong cộng đồng.

Với một số quán cà phê ở Hà Nội, “bóng cười” được xem như một mặt hàng không thể thiếu để câu khách thích khám phá cảm giác “ảo”. Tuy nhiên, những hệ lụy đằng sau nó khiến “bóng cười” đang trở thành một mối lo trong cộng đồng.
Thanh thiếu niên lạm dụng bóng cười gây ảnh hưởng đến sức khỏe

Không có bóng cười, vắng khách ngay

Có mặt tại một quán cà phê trên địa bàn phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội, chúng tôi nhìn thấy ngay ngoài cửa là 3 đến 4 bình khí N20 (Nitrous oxide) để bán “bóng cười”. Nhìn hình thức thì y hệt bóng bay nhưng có lẽ chính vì thứ “đồ chơi” mang cảm giác lạ này mà khách đến quán đông hơn, chủ yếu là thanh - thiếu niên. 

Chắc hẳn khách lạ lần đầu tiên đến đây sẽ có cảm giác như lạc trong thế giới những thanh niên đang say xỉn. Sự khác biệt giữa người bình thường với người sử dụng “bóng cười” thể hiện rõ trong cách nói chuyện, trong cặp mắt lim dim, đờ đẫn và những tiếng cười man dại. 

“Họ đang phê bóng” - cô nhân viên quán cà phê trả lời khi tôi hỏi. “Bóng cười chứa gì mà khiến họ như thế?”, “Tôi không rõ nhưng chỉ biết là rất độc hại”. Nữ nhân viên cho biết, khách ở đây tiêu thụ đến  hàng trăm quả một buổi tối, với giá 60 nghìn đồng quả to, 30 nghìn đồng quả bé… Cuộc đối thoại của chúng tôi chưa dứt, cô nhân viên có khách vào gọi 30 quả để mang lên xe ô tô đỗ bên đường. Những chùm bóng bay lần lượt đưa cho khách và những âm thanh man dại bắt đầu xuất hiện to dần trên chiếc xe 7 chỗ phóng vút vào con phố nhỏ, cắt ngang dòng xe cộ đông đúc trên phố Nguyễn Văn Cừ. 

Tương tự cảnh tượng này, tại góc phố cổ của quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ lâu cũng đã xuất hiện “bóng cười” và cũng bày bán tràn lan, thu hút nhiều thanh - thiếu niên sử dụng. 

Chúng tôi ngồi ở một góc quán nơi dễ quan sát nhất, nhận thấy trong một buổi tối thời gian từ 18h đến 22h, một thanh niên phải sử dụng ít nhất 6 quả loại 60 nghìn đồng. Nguyễn Huy Anh, học sinh một trường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cho biết: “Hít cái này mang lại cảm giác khó tả lắm, chú thử mà xem, chú nhìn cháu đây này”. Vừa nói chưa hết câu, Huy Anh ngậm miệng vào vòi quả bóng một cách điệu nghệ, rồi từ từ nét mặt cậu ta đờ đẫn bởi thứ ảo giác mang tên “bóng cười”.

Bóng cười bán tràn lan tại một số quán cà phê tại Hà Nội

Từ ngả nghiêng, lờ đờ đến... ngơ ngơ

Khi hít “bóng cười”, người chơi mô tả là có cảm giác tê tê, sau đó sảng khoái, phấn khích, cười ngả nghiêng gần như không thể kiểm soát được, sau đó hoàn toàn chìm đắm trong ảo giác, những đê mê về mọi thứ xung quanh. Được biết ở một số nước châu Âu, chất này là chất kích thích được bán hợp pháp tại các “hộp đêm”. 

“Trông tưởng như bình thường, nhưng chơi và hít hơi “bóng cười” lại ẩn chứa nhiều mối nguy hại”, bác sỹ Phạm Minh Hiếu, Bệnh viện E - Trung ương cảnh báo.  Các bác sĩ trên thế giới cũng từng khuyến cáo rằng, việc hít “bóng cười” hay khí cười ảnh hưởng trực tiếp tới tim mạch, hệ thần kinh mà hậu quả xấu nhất nếu lạm dụng là dẫn tới trầm cảm hoặc thiệt mạng. Vào năm 2010, nữ diễn viên Mỹ Demi Moore sau khi hít loại “bóng cười” này trong những buổi tiệc đã phải nhập viện với triệu chứng co giật, run rẩy. Cuối năm 2012, một sinh viên trường Đại học Illinois là Benjamin Collen, 19 tuổi, đã tử vong vì bị ngạt khí N2O, cũng vì hít “bóng cười”.

“Tùy theo cơ địa của từng người sẽ gây ra hiện tượng lờ đờ, ngơ ngơ, làm cho thần kinh ngoại biên cũng như thần kinh thực vật giảm hoạt động, bị trơ hoặc mệt mỏi, rất có thể nguy hại đến tính mạng. Đấy là những hậu quả của việc lạm dụng “bóng cười” hay không thể kiểm soát được nồng độ khí mà người ta bơm vào quả bóng cho người dùng”- PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên Khoa Hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội cảnh báo.

Điều nguy hại nữa là nếu lạm dụng chất gây ảo giác này lâu ngày sẽ rất dễ dẫn đến sử dụng thuốc gây nghiện thật sự, nhất là ma túy. Bởi vì, khi đã quen cảm giác "phê" với ảo giác, các bạn trẻ rất dễ tìm đến thứ tạo cảm giác "phê" mạnh hơn như bồ đà, thuốc lắc, "hàng đá"...

Bóng cười gây ảo giác rất nặng, ảnh hưởng đến thần kinh, trí nhớ. Thanh thiếu niên đang trong quá trình phát triển chưa ổn định, thần kinh còn chưa phát triển hết nên lạm dụng loại này rất nguy hiểm.
 

(Còn tiếp)

Theo Đức Trí (An Ninh Thủ Đô)

Nổi bật