Trong ký ức của các em, ông Hứa Bửu Bá là người anh cả học rất giỏi, thường đứng đầu lớp. Trong gia đình, ông là người con ngoan, hiền lành, hết mực thương yêu các em.
Nhà đông con nhưng ông được cha mẹ cho học hành tử tế. Mỗi ngày, ông đi học ở 2 trường – sáng một trường, chiều một trường.
Nếu ông cứ thế lớn lên trong vòng tay của cha mẹ, trong tình yêu thương, đùm bọc của các em, chắc hẳn cuộc đời của ông “không đến nỗi nào” – bà Ngọc Chắc, em gái ông nói.
Nhưng một lần “cả giận mất khôn”, ông bỏ nhà ra đi khiến cuộc đời bước sang một trang khác.
Năm nay, ở tuổi 63, đã mất cánh tay phải, ông sống một mình trên rẫy, nơi không có ai xung quanh, chỉ có nắng gió của vùng đất Ninh Thuận. Ông nhận trông gà, trông cừu và trông nom 7ha đất cho người ta.
Với ông, công việc không có gì nặng nhọc nhưng nỗi cô đơn khi sống ở đây, khi làm công việc này thì không phải ai cũng chịu được.
Không có người ở, nên trên rẫy không có điện, gạo, mắm... Ông dùng điện từ 2 tấm pin năng lượng mặt trời. Lương thực có người chở đến, có gì ăn nấy. Theo chế độ của Nhà nước, ông nhận 1 triệu đồng/tháng tiền hỗ trợ người tàn tật.
Ông có gia đình mẹ nuôi, ai cũng coi ông như người trong nhà. Thi thoảng, ông về thăm anh chị em sống cách rẫy 5km nhưng nhất quyết không chịu ở chốn đông người.
Chuyện ông Bửu Bá bỏ nhà đi, cho đến giờ, những người trong nhà không biết ai chắc lý do tại sao. Người em gái Hứa Ngọc Chắc nói “hình như mẹ mất tiền, la mắng khiến anh giận”. Còn ông thì bảo “bị mẹ đánh, giận mẹ nên bỏ đi”.
Nhưng ông cũng kể, ngày nhỏ, bà nội từng xem tử vi cho ông, nói rằng “nếu con bỏ đi thì con mất cánh tay, còn nếu con không đi thì mẹ con sẽ chết trước con”.
Ông vẫn còn nhớ mãi câu nói ấy của bà nội – người đã chăm sóc và yêu thương ông suốt 7 năm đầu đời ở Sóc Trăng.
Năm 7 tuổi, cha đưa ông từ Sóc Trăng về lại Sài Gòn để đi học. Dưới ông là người em trai tên Hứa Bửu Đạt. Hai anh em thường đi bán chong chóng cùng nhau. Trong một lần đi bán, ông Đạt đi lạc.
Ông Đạt đi lạc được 2 tháng thì ông Bá bỏ nhà đi. Hơn 1 tháng sau, ông Đạt được bộ đội đưa về nhà trong sự mừng mừng tủi tủi của gia đình. Còn ông Bá vẫn biệt tích. Năm đó là năm 1975.
Cụ Hứa Bia – cha của 7 đứa con, trước năm 1975 làm việc cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Sau giải phóng, ông vẫn nán lại ngôi nhà cũ đợi con trai trở về, trong khi vợ ông - cụ bà Phan Thị Chi đưa các con về quê Sóc Trăng sinh sống. Một thời gian sau, ông cụ cũng về theo.
“Ngày anh Bá đi, má khổ lắm. Má khóc miết, đòi tự tử. Nhưng nghĩ lại còn mấy đứa con nên má gắng gượng sống” – bà Ngọc Chắc chia sẻ về mẹ mình sau biến cố anh trai bỏ nhà đi.
Nhiều năm sau, trong một lần thấy người lơ xe ở Cà Mau tên Mẫm trông giống cháu mình, bà Mụi – người cô trong gia đình hỏi chuyện thì ông Mẫm nói không nhớ gì về ký ức.
Ông Mẫm được đưa về Sóc Trăng gặp gia đình cụ Bia. Cụ Bia xác định Mẫm không phải là con trai mình. Nhưng từ đó, gia đình coi ông Mẫm như một người con nuôi. Ông Mẫm cũng coi gia đình cụ Bia như ruột thịt của mình.
Về phía ông Bá, sau khi bỏ nhà đi, ông được nhận nuôi bởi một gia đình đã có 8 người con. Thấy mẹ nuôi nghèo, ông tự nguyện về bên ngoại đi chăn bò kiếm sống, lấy tiền phụ cha mẹ nuôi các em.
Một thời gian sau, ông theo người cậu đi biển thì gặp tai nạn lao động. Chiếc máy ăn cụt cánh tay ông. Mở mắt ra, ông thấy mình đang nằm trên giường bệnh, vẫn chưa nhớ chuyện gì đã xảy ra. Người chị kể lại, ông mới nhớ mình gặp tai nạn.
Cũng từ đó, ông không bao giờ nhắc lại chuyện cánh tay cụt của mình nữa. Năm đó, ông mới 15 tuổi.
Không được cuộc đời ưu ái nhưng ông vẫn sống an yên và hiền lành như thế. Ông trân quý từng chút yêu thương của mẹ nuôi và các anh chị em trong gia đình thứ hai của mình.
Mẹ nuôi 3 lần chia đất, mua nhà cho ông nhưng ông đều từ chối, nhường lại cho các em. Mẹ nuôi mất đột ngột trong một tai nạn năm ông Bửu Bá ngoài 30 tuổi.
Ông giấu nỗi đau buồn trong lòng, khóc nhiều mà không cho các em biết. Một thời gian sau, ông dọn ra rẫy sống, để gần mộ mẹ. Ông sống đơn độc cho đến giờ.
Thực ra, có một lần cuộc đời ông tưởng như đã khác.
Ông đi chăn bò, gặp một người phụ nữ bán cơm. Bà muốn xin ông một đứa con. Ông biết ý định của bà, không ngộ nhận rằng người ta thương mình.
Hai người dọn về ở với nhau trong rẫy. Ở chung được 1 năm thì tình cảm nảy nở. Họ coi nhau như vợ chồng.
Nhưng khi đứa trẻ trong bụng bà thành hình thì gia đình bà lên, dắt con gái đi. Ông lại cô đơn một cõi cho đến 7 năm sau, bà dắt con gái về thăm ông đúng 1 lần rồi hai mẹ con lại đi mất.
Ông vẫn nhớ, “con nhỏ tuổi Tý, lanh lắm”.
Bây giờ, con gái ông cũng chừng 16-17 tuổi. Ông vẫn có niềm tin một ngày nào đó, con bé sẽ tìm gặp mình. Còn gia đình ruột thịt của ông với cha mẹ và 6 người em, từ ngày bỏ nhà đi, ông đã cố không nghĩ tới.
Cái duyên giúp ông đến với chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly là nhờ anh Nguyễn Thành Tâm, một cán bộ Vườn Quốc gia Núi Chúa, thi thoảng ghé nhà ông chơi. Anh đã liên hệ với chương trình, cung cấp thông tin của ông Bá để ông tìm lại gia đình.
Khi liên hệ với gia đình, người đầu tiên chương trình gặp là ông Hứa Bửu Đoàn – một người em trai của ông Bá. Ông Đoàn ban đầu khá lạnh nhạt khi nghe tin anh trai, sau đó ông hoảng hốt khi chương trình nhắc đến “Lùn lớn” – biệt danh của ông Bá.
Bởi ban đầu ông Đoàn cứ ngỡ người ta đùa giỡn, sau lại nghĩ người anh mà chương trình nhắc tới là ông Mẫm đã mất. Khi cái tên "Lùn lớn" được nhắc tới, anh mới biết chắc người đang được nói đến là ông Bá.
Gặp nhau trên sân khấu của Như chưa hề có cuộc chia ly, nhiều giọt nước mắt đã rơi. Để chuẩn bị cho cuộc gặp này, ông Bửu Bá đã đi nhuộm tóc, mặc một chiếc áo mới và không uống rượu gần 1 tháng.
Bà Ngọc Chắc khi ngồi dưới theo dõi phóng sự về cuộc đời anh trai mình sau khi bỏ nhà đi, đã liên tục lau nước mắt. Có lẽ ai cũng xót xa cho người anh kém may mắn.
Trên sâu khấu, bà ôm anh trai mình thật chặt, nức nở nhắc lại những kỷ niệm: “Má nhớ anh lắm. Cuối đời, má nhắc tên anh hoài. Bà nội cũng khóc nhiều lắm. Cứ mỗi Rằm tháng 8, nội lại nhắc "Lùn lớn" thích ăn bánh pía…”.
Theo Nguyễn Thảo (VietNamNet)