Thanh đã có quyết định táo tạo khi bỏ học ngành Y để theo nghề xăm mình |
Làm quen với nghề xăm từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, Thanh sớm nhận ra mình đã "phải lòng" bộ môn nghệ thuật này nên quyết định nghỉ học, theo đuổi công việc thợ xăm, tính đến nay cũng đã được 4 năm.
Nói về quyết định có phần táo bạo của mình, Thanh chia sẻ rằng ngay khi bản thân đề cập chuyện này với gia đình đã nhận phản ứng vô cùng dữ dội từ gia đình.
Bởi ai cũng quan niệm, việc học Y sẽ mở ra một tương lai sáng lạng, có thu nhập ổn định và "dễ thở" hơn trong cuộc sống. Trong khi đó làm nghề xăm vừa bấp bênh, lại phải hứng chịu nhiều sự dị nghị và ánh nhìn không thiện cảm của mọi người xung quanh.
Anh đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của gia đình và không hề có ai ủng hộ công việc mà anh mong muốn theo đuổi. |
Ba mẹ Thanh là những người không hề thích nghệ thuật xăm mình. Khi Thanh thông báo quyết định của mình, ba giận dữ nói rằng: "Nếu không theo nghề Y mà theo cái nghề xăm thì mày đi khỏi nhà, và đừng bao giờ kêu tao bằng ba".
Trước đó, Thanh cũng từng hai lần xăm mình, và cả hai lần đều nhận những cơn tức giận từ mẹ. "Khi mình thực hiện hình xăm đầu tiên là một ngôi sao nhỏ trên mu bàn tay vào năm lớp 11, mẹ đánh mình nhiều lắm. Rồi mẹ lấy bàn là, mở thật nóng, nắm tay mình và đòi in lên cho mất ngôi sao.
Lúc đó cầm bàn là mà mẹ rơi nước mắt, rồi hai mẹ con khóc. Mình xin lỗi mẹ và được mẹ tha thứ, không in bàn là lên tay nữa.
Đến khi đi học Y, mình lại quyết định xăm hai hàng chữ ý nghĩa về cha mẹ. Cuối tuần về mua một con gà quay để nịnh mẹ, ai ngờ mẹ thấy, mẹ đánh cho một trận thừa sống thiếu chết. Mẹ vứt con gà ra đường và đuổi đi, lần đó mình không dám về nhà 2 tháng".
Có thể nói, sự phản ứng dữ dội của ba mẹ và không ai trong gia đình ủng hộ khiến chàng trai gặp nhiều khó khăn, đấu tranh tư tưởng rất nhiều trước khi chính thức quyết định bỏ việc học Y, theo con đường xăm mình.
Chính niềm đam mê với nghệ thuật xăm mình đã giúp Thanh gắn bó với công việc này được 4 năm, gây dựng được sự nghiệp thành công tại quê nhà. |
Nghệ thuật xăm là đam mê lâu dài chứ không phải là cuộc chơi ngắn hạn
"Mình đã dành tiền cả tháng trời để mua được một chiếc máy xăm và vài chai mực xăm rồi tập tành ngày đi học, đêm đi xăm dạo. Thời gian đầu vất vả vô cùng, có khi xăm cả đêm nhưng chỉ nhận được vài trăm ngàn, không đủ chi tiêu.
Sau đó mình về quê tự kiếm tiền, nghiên cứu và học hỏi anh em trong nghề rồi mua đồ xăm và thành lập tiệm xăm tại Long An, đồng thời mở lớp dạy xăm cho những bạn có cùng đam mê".
Trong quá trình xăm hình, vấn đề vệ sinh an toàn luôn được Thanh đặt lên hàng đầu. Với những kiến thức tiếp thu được khi học Y, Thanh hiểu rằng với nghề xăm, nguy cơ nhiễm bệnh rất cao nếu sử dụng các dụng cụ không được đảm bảo.
Vì vậy, trước khi thực hiện xăm hình, anh luôn khử trùng các dụng cụ xăm sạch sẽ. Các máy xăm, kim xăm, mực xăm, giấy ken…được nhập từ những nguồn uy tín, được bảo trì, bảo dưỡng và khử trùng thường xuyên.
Đây là hình ảnh khá đặc biệt trong bộ ảnh cưới của Thanh khi anh đưa công việc của mình trở thành một concept trong bộ ảnh cưới. |
"Ngoài ra, cứ đến tháng 7 âm lịch hàng năm, mình tụ họp cùng các anh em trong nghề thực hiện chương trình xăm từ thiện.
Các anh em thợ xăm sẽ tụ tập tại tiệm xăm và thực hiện xăm hình trong ba ngày. Toàn bộ số tiền xăm được trong ba ngày đó sẽ được dùng mua quà bánh, mì tôm, gạo… từ thiện cho trẻ em nghèo, người già neo đơn hoặc những gia đình có hoàn cảnh khó khăn".
Bất chấp sự phản đối của gia đình, sẵn sàng từ bỏ việc học Y để theo đuổi đam mê với nghệ thuật xăm, sau nhiều năm học tập và làm nghề.
Giờ đây, Thanh đã có được những thành công nhất định trong nghề và làm chủ hai tiệm xăm lớn tại Long An, đào tạo hơn 30 học viên và thu nhập 50 triệu đồng mỗi tháng.
Có thể đối với nhiều người xăm nghệ thuật chỉ dành cho "dân chơi", nhưng chưa bao giờ Thanh hối hận vì quyết định của mình, bởi với anh đó là con đường mình đã chọn, là một công việc nghiêm túc chứ không phải một cuộc chơi.
Theo Mã Nhân (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)