Sau khi đã hoàn thành mục tiêu độc lập tài chính, công việc của Livingston là viết về tài chính cá nhân cho blog có tên The Money Habit của bản thân, đi dạo cùng chú chó nhỏ trong khi vẫn giữ chi tiêu của vợ chồng cô ở mức 65.000 đôla/năm.
Nghỉ hưu sớm, Livingston dành thời gian để viết blog - Ảnh: JP Livingston. |
Là thành phố đắt đỏ thứ hai thế giới, các chi phí ở New York đều cao ngất. Tuy nhiên, Livingston cho rằng bạn vẫn có thể thưởng thức cuộc sống ở đây mà không lo phá sản. Và đây là cách cô đã làm:
1. Xác định khoản chi phí lớn nhất và cắt giảm chúng
Một người Mỹ bình thường sẽ tốn nhiều tiền nhất cho ba khoản: Nhà ở, đi lại và thực phẩm. Tối thiểu hóa các chi phí này giúp Livingston tiết kiệm được 70% thu nhập.
Dù mức lương cao đủ để Livingston sống trong một căn hộ cao cấp nhưng cô quyết định cùng bạn thuê chung một căn hộ ở tầng 3 và phải đi thang bộ với giá 1.050 USD/tháng - một mức giá hợp lý với tiêu chuẩn của New York.
"Tôi mới chỉ vừa tốt nghiệp đại học và đã quen sống trong những căn phòng không có tiện nghi sang trọng. Tôi biết nhiều bạn bè của mình còn thuê nhà chỉ tốn 400-600 USD/tháng". Khi lương tăng, Livingston vẫn tiếp tục sống trong một không gian khiêm tốn. Hiện giờ. vợ chồng cô đang sống trong căn hộ một phòng ngủ rộng 28m2 với chi phí 2.400 USD/tháng dù có nhiều triệu đôla trong tài khoản.
Nhờ cắt giảm khoản chi tiêu lớn nhất đầu tiên, Livingston có thể tiết kiệm và đầu tư nhiều hơn bạn bè đồng nghiệp của mình hàng trăm đôla mỗi tháng.
2. Mua đồ cũ
Mức độ chuyển chỗ ở của người dân New York rất cao khiến thành phố này trở thành nơi lý tưởng cho việc mua bán đồ cũ, đặc biệt qua các chợ trực tuyến. Thường các món đồ được sử dụng không quá một năm, chỉ vì có quá nhiều người chuyển đến hay rời đi khỏi thành phố. Có rất nhiều người chỉ sống ở đây vài năm rồi đi nơi khác.
Livingston thường xuyên mua đồ nội thất thông qua Craigslist, giá không đến 50% so với mức niêm yết ban đầu. "Ngoài ra, bạn cũng có thể dễ dàng sửa sai, nếu lỡ mua phải một món đồ gì đó nhưng sau đó lại không có nhu cầu sử dụng, tôi có thể bán đi với một mức giá hợp lý", cô chia sẻ.
3. Tận dụng lợi thế nhiều hàng quán của thành phố
New York có mật độ dày đặc các quán bar, tiệm ăn, quán cà phê mà một người có thể dùng cả đời để đi thăm cũng không hết. Người ta có thể được thưởng thức nhiều phong cách ẩm thực khác nhau trên thế giới với những mức giá cũng rất khác nhau.
Nếu ngôi nhà bạn quá nhỏ để có thể tiếp đón nhiều người, bạn không nhất thiết phải đến những nơi bán một ly cocktail với giá 16 USD để trò chuyện với bạn bè. Livingston tìm thấy nhiều nơi rẻ hơn mà vẫn rất vui vẻ và sang trọng để có thể mở rộng các mối quan hệ xã hội của mình. Có rất nhiều quán cà phê với đồ uống, thức ăn giá chỉ 3-5 USD để cô có thể tụ họp cùng các bạn của mình.
4. Tính món hàng định mua theo giá trị giờ làm việc
"Nếu muốn tiết kiệm, bạn đừng chỉ nhìn vào giá được niêm yết trên món hàng, hãy tính xem nó tương đương với bao nhiêu giờ làm việc của bạn". Đây chính là chiến lược mà Livingston đã học được từ cuốn sách Your money or your life của Joe Dominguez.
Ví dụ, nếu mỗi giờ bạn kiếm được 20 USD, nếu muốn mua một chiếc iPhone mới giá 700 USD, bạn cần phải làm việc 35 giờ không nghỉ. Một tối đi chơi tiêu hết 100 USD đã lấy mất của bạn 5 giờ làm việc. Một chiếc áo 40 USD có giá trị bằng 2 giờ làm. Hãy tự hỏi mình, món hàng đó liệu có xứng đáng?
Livingston nhấn mạnh rằng không chỉ là tiết kiệm tiền mà tiền cần được đem đầu tư và để gia tăng. "Nếu bạn vượt qua được một điểm nào đó, tức là nghĩ về những thứ bạn không chỉ tiết kiệm được mỗi ngày mà còn có số tiền đó để làm việc cho bạn, bạn sẽ hoàn toàn thay đổi cách sử dụng tiền", cô khuyên.
Cắt giảm cà phê mỗi ngày không chỉ giúp bạn tiết kiệm được 5 USD ngay lúc đó mà bạn còn tiết kiệm được 1.825 USD/năm và nó có thể sinh lãi trong tài khoản đầu tư. Giữ khoản tiền đó trong 10 năm, cộng khoảng 8% lợi tức, bạn sẽ có hơn 33.000 USD.
Theo H.Anh (VnExpress.net)