Di tích lịch sử văn hóa là tài sản vô giá, kết tinh những giá trị lao động, sáng tạo của cha ông để lại và thường gắn với đặc trưng văn hóa mỗi địa phương. Việc giữ gìn, bảo tồn các di tích lịch sử là trách nhiệm không chỉ của riêng ai.
Thế nhưng, một bộ phận giới trẻ ngày nay vì đua đòi nổi tiếng và sự trầm trồ của người khác mà sử dụng đặc quyền để đi ngược với những điều mà chúng ta được dạy dỗ từ nhỏ, gây ra sự phẫn nộ lớn cho cộng đồng.
Câu chuyện của cô nàng hot girl Lộ Tiểu Ngọc tạo dáng bên chiếc SUV Mercedes-Benz bóng loáng trước quảng trường Thái Hòa Môn trong nhiều ngày nay đã bị lên án mạnh mẽ.
Được biết từ năm 2013, Giám đốc Bảo tàng Cố cung Trung Quốc Đan Tế Tường đã ký đặc lệnh cấm lái xe hơi vào Tử Cấm Thành để tránh tình trạng di tích bị "nghiền nát". Ngay cả cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande và bạn gái, trong một lần đến thăm di tích còn không được hưởng đặc quyền, phải đi bộ vào tham quan nhưng cô gái trẻ này lại dễ dàng "phạm luật".
Ngay khi những hình ảnh trên được chia sẻ, không ít người cũng đã vào tài khoản Weibo của Bảo tàng Cố cung chất vấn về vụ việc trên.
Về phía Lộ Tiểu Ngọc, trước làn sóng tẩy chay và công kích mạnh mẽ, cô giải thích rằng địa điểm mà mình lái chiếc Mercedes vào là bãi đậu xe của Tử Cấm Thành và không có chuyện xâm phạm di tích như nhiều người đã nói. Chủ sở hữu của chiếc xe cũng nói với Thời báo Bắc Kinh rằng Lộ Tiểu Ngọc được mời tham dự một sự kiện tại Cố cung và một số khách mời được phép lái xe vào bên trong di tích.
Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc lại khui ra việc Lộ Tiểu Ngọc lái xe vào di tích vào thứ hai, vốn đóng cửa không tiếp công chúng, chính đại diện bảo tàng cũng đã thừa nhận điều này.
Đại diện nhận trách nhiệm do sự tắc trách nghiêm trọng của các nhân viên công tác và gửi lời xin lỗi công khai và cam kết sẽ không để tình trạng trên tái diễn một lần nào nữa.
Lộ Tiểu Ngọc nhanh chóng xóa tài khoản Weibo ngay khi lời nói dối bị vạch trần. Sự việc này đã khiến công chúng lập tức liên tưởng đến việc người giàu có được hưởng đặc quyền đặc ân ở Trung Quốc, khi mà Chủ tịch Tập Cận Bình đang cố gắng thuyết phục công chúng rằng ông đang loại bỏ tham nhũng và giảm khoảng cách giữa giàu và nghèo.
Năm 2018, một báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiết lộ rằng khoảng cách "bất bình đẳng" đang lại mở rộng ở Trung Quốc. Báo cáo IMF có đoạn: "Trung Quốc đã chuyển mình từ một nước tương đối bất bình đẳng về kinh tế vào năm 1990 sang thành một trong những nước bất bình đẳng nhất trên thế giới. Bất bình đẳng về thu nhập ở Trung Quốc ngày nay, được đo bằng hệ số Gini, nằm trong tốp cao nhất thế giới".
Dung (Nguoiduatin.vn)