Cực như học y
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet. |
Thu Lan kể, hầu như, lịch học kín cả ngày, thời gian dành cho việc khác rất ít: sáng từ 7h đến 11h đi bệnh viện; chiều từ 1h30 đến 5h30 đi học; đến tối phải trực từ 7h đến 11h. Chưa hết, để nâng cao kiến thức cũng như tay nghề, cô còn đăng kí học thêm và xin đi làm ở các cơ sở khám chữa bệnh. Ngoài ra, cứ hai tuần hoặc bốn tuần, thầy cô tổ chức thi lâm sàng một lần. Mỗi lần như vậy, sinh viên phải mất một buổi sáng, bốc thăm bệnh nhân làm bệnh án tại chỗ; chưa kể, sáng ngày hôm sau, tiếp tục hỏi thi. “Ban đầu mệt lắm, sau quen dần thì đỡ hơn”, Lan nói.
Được biết, ngành học của Thu Lan học chữa bệnh Đông-Tây y kết hợp, tuy nhiên, môn học chuyên ngành vẫn thiên về Đông y. Lan chia sẻ, so với học Tây y, cô và các bạn không học những môn “ghê” như giải phẫu xác người…Bác sĩ đông y hành nghề dựa vào các “ngón” châm cứu, bấm huyệt, bắt mạch hay bốc thuốc…
Lan kể, ban đầu học châm cứu, sinh viên chưa được phép châm cứu lên người bệnh mà phải tập trên mô hình. Để thực hành thêm, mọi người phải tự thử lên cơ thể hoặc bạn học. “Nếu châm đúng huyệt sẽ không cảm thấy đau, hiệu quả chữa bệnh tốt. Nhưng, nếu đau, chắc chắn đã châm sai. Tự mình thực hành trên cơ thể mình có thể tự cảm nhận về cảm giác, từ đó điều chỉnh cho đúng. Bọn mình cũng quen rồi, không sợ bị châm như lúc đầu”, Lan cho biết.
Cô cho biết thêm, đối với sinh viên, châm cứu nhầm thường xuyên xảy ra, chủ yếu do nhớ nhầm huyệt hoặc rung tay. Ngoài đau, việc nhầm như thế không để lại hậu quả bởi chỗ đau trên người bệnh nhân đều là huyệt, trừ những vùng trọng yếu chống chỉ định, đều có thể châm được.
Tuy nhiên, một số bệnh nhân do cơ địa yếu, dễ xảy ra tụt huyết áp dẫn đến ngất. Những trường hợp đó chỉ cần sơ cứu kịp thời, đồng thời chuyển sang điều trị bằng thuốc.
Bản thân Thu Lan từng chứng kiến trường hợp bị ngất xỉu do châm cứu. Đợt trước, ở khoa có sinh viên nước ngoài sang giao lưu, học tập. Họ thích thú với châm cứu, nhờ sinh viên khoa châm giùm rồi chụp ảnh đăng Facebook. Nhưng khoảng năm phút sau, người được châm mặt tái mét, đổ mồ hồi, sau đó ngất xỉu. Ngay lập tức, người đó được sơ cứu bằng cách rút kim ra, bấm nhân trung. Khi người đó bắt đầu có nhận thức trở lại thì cho uống nước gừng. “Chủ yếu, người học y phải phản ứng nhanh trong các tình huống bất ngờ”, Thu Lan nói.
Theo Lan, ngày trước, cô từng “dụ dỗ” bạn bè cho thử nghiệm tay nghề. Cô kể: “Những đứa bạo dạn cho thử ngay, một số đứa khác nhìn thấy kim châm là sợ rồi, phải năn nỉ mãi mới đồng ý” – Lan kể - “Khi đó chưa rành như bây giờ, xác định huyệt chưa chuẩn, châm bị lệch, toàn trúng mạch máu, sưng từng cục li ti. Bây giờ, mấy đứa bạn vẫn đến nhờ châm cứu chữa bệnh giùm”.
Bên cạnh châm cứu, bấm huyệt và xoa bóp là môn học cần nắm rõ vị trí các huyệt trên cơ thể. Lan chia sẻ, học bấm huyệt, xoa bóp rất mất sức. Cô cần phải dồn sức tác động vào huyệt mới có hiệu quả cao. “Một buổi làm cho vài bệnh nhân đã thấy mệt rã rời. Việc này, con trai làm việc hiệu quả hơn”, Lan nói.
“Tất cả những bài học lý thuyết, thực hành… đều nhằm chuẩn bị tốt nhất khi đi thực tập ở bệnh viên, bắt đầu tiếp xúc với bệnh nhân” Lan cho biết. Bệnh nhân đầu tiên của cô là một cụ ông bị đau khớp gối. Lúc mới nhận bệnh nhân, Lan phụ trách giường bệnh của cụ cùng với chị khóa trên. Sau mấy ngày đi theo học hỏi, Lan được trực tiếp điều trị cho bệnh nhân. “Mấy bữa đầu, một mình mình làm hết mọi việc, từ bắt mạch, châm cứu đến bấm huyệt. Mệt đứt hơi, vừa mừng, vừa hồi hộp, lo lắng sẽ xảy ra sai sót. May mà cụ ông dễ tính, thỉnh thoảng động viên, cộng thêm chị khóa trên ở bên cạnh cũng hướng dẫn các bước. Sau thời gian chữa trị, cụ nói đỡ hơn, mình thấy hạnh phúc lắm”, cô chia sẻ.
Học trong trường chưa đủ
Ngoài việc học tại trường và bệnh viện, vào những buổi chiều không đi học và cuối tuần, Lan còn chủ động xin đi làm không công hoặc tình nguyện tại các cơ sở khám chữa bệnh, với mong muốn học hỏi thêm kinh nghiệm thực tế. Tại đây, Lan cùng các tình nguyện viên khác chỉ làm các công việc đơn giản như thăm hỏi, khám chữa bệnh và giúp đỡ những việc lặt vặt.
Tuy làm vất vả, nhưng Lan cho biết, cô học hỏi được nhiều kĩ năng mà học lý thuyết nói chưa rõ ràng. Đồng thời cô cũng có thể trau dồi các thủ thuật cho thành thạo. “Mỗi lần đi làm, mình có cơ hội làm các nghiệm pháp trên bệnh nhân xem phản ứng đúng như trong sách không, từ đó, tìm điểm khác nhau; mình tập nghe nhịp tim đập của bệnh này khác bệnh kia ra sao; có thể phân biệt các loại thuốc; rèn luyện khả năng châm cứu; hoặc học cách tiếp xúc với bệnh nhân sao cho khai thác hiệu quả thông tin, nhờ đó sẽ chẩn đoán chính xác hơn…”, Thu Lan kể.
Cô chia sẻ, trước đây, xin vào làm tình nguyện ở các cơ sở y tế rất dễ, nhưng ngày càng nhiều sinh viên vào làm, nên nhiều khi “cung không đủ cầu”. Cô còn đùa: “Bây giờ, đến đi tình nguyện cũng phải cạnh tranh”.
Ngoài ra, cô cũng đi bốc thuốc giúp ở tiệm thuốc bắc. Trong chương trình học, sinh viên buộc phải nắm vững các vị thuốc, nếu nhìn qua hình ảnh hoặc trông chờ vào sự hướng dẫn của thầy cô, Thu Lan nhận thấy rất khó để tiến bộ. Lan cho biết, có nhiều vị thuốc bắc, hơn nữa nhiều vị lại giống nhau, chỉ những vị nào thường xuyên sử dụng mới nhớ được.
Đến bây giờ, Lan chỉ mới bộc thuốc theo đơn có sẵn, chưa dám tự kê đơn. “Thường, mỗi bệnh sẽ có một đơn mẫu, gồm những vị thuốc chính. Nhưng thể trạng của từng người và triệu chứng phụ khác nhau, kèm theo độ nặng nhẹ của bệnh, người kê thuốc phải thêm hoặc bớt các vị cho hiệu quả đạt tốt nhất. Bản thân mình vẫn chưa đạt đến trình độ đó”, Lan chia sẻ.
Lan cũng nói thêm, việc luôn luôn trau dồi kiến thức, cũng như nâng cao kĩ năng, không những chữa trị tốt cho bệnh nhân, mà còn hỗ trợ xin việc sau khi ra trường hoặc cho kì thi bác sĩ nội trú.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Theo Tú Oanh (Tamguong.vn)