Trong những năm gần đây, việc phẫu thuật tăng chiều cao bằng cách kéo dài chân đã được nhiều cơ sở y tế thực hiện. Phương pháp phẫu thuật này nhằm phục vụ nhu cầu chính đáng của không ít người dân, đặc biệt là những người có chiều cao khiêm tốn, gây nhiều khó khăn trong công việc.
Bạn Nguyễn Thanh Hồng Anh (23 tuổi, quê ở Tuyên Quang) thực hiện ca phẫu thuật kéo dài chân từ hè năm 2015. Trước khi kéo dài chân tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hồng Anh đã phải chịu không ít những lời đàm tiếu, dèm pha, thậm chí có lúc cô sinh viên này còn có ý định từ bỏ ước mơ làm hướng dẫn viên du lịch.
Để thực hiện thành công ca phẫu thuật, người bệnh phải chịu không ít đau đớn về thể xác. |
Trước những lời đàm tiếu trên, cô sinh viên trẻ chỉ biết “ngậm đắng nuốt cay” và lao đầu vào học để chứng tỏ bản thân, kết quả là Hồng Anh liên tục được học bổng sinh viên giỏi. Thế nhưng, ngay chính trong suy nghĩ của Hồng Anh cũng luôn cảm thấy “ám ảnh” và tự ti về chiều cao 1m56.
Quyết tâm cải thiện chiều cao, cô sinh viên ngành du lịch đã tìm hiểu về phương pháp kéo dài chân. Sau khi được các bác sĩ giải thích về tỷ lệ thành công, cũng như việc chỉ kéo dài chân tối đa là 6cm vì thể trạng cơ thể không cho phép kéo dài hơn nữa, Hồng Anh đã quyết định thực hiện phẫu thuật.
“Một mùa hè nằm trong bệnh viện với những phác đồ tập luyện nghiêm ngặt, tôi đã làm được điều đó, chiều cao của tôi đã tăng được 6cm. Khi biết quyết định này của tôi, bố tôi đã nổi giận, nhưng mẹ tôi thì hiểu và ủng hộ.
Sau khi kéo dài chân, tôi phải tập đi từng bước như một đứa trẻ, chấp nhận đau khổ và không ít những giọt nước mắt đã rơi. Nhưng thay vào đó, đến giờ tôi đã có công việc tại một công ty lữ hành của Mỹ, có trụ sở tại Việt Nam và cuộc sống sau khi tôi thực hiện kéo dài chân không có gì xáo trộn”, Hồng Anh chia sẻ.
Phẫu thuật tăng chiều cao không nguy hiểm
Thực tế, trường hợp của bạn Hồng Anh trên không phải là hiếm gặp, thậm chí có những người có chiều cao tạm “lý tưởng” rồi, nhưng vì một lý do nào đó họ vẫn có mong muốn kéo dài chân.
Tại Viện Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) mỗi năm thực hiện ít nhất 10 ca kéo dài chân với mục đích tăng chiều cao, trong đó nam chiếm nhiều hơn nữ. Theo bác sĩ, sự tự ti về chiều cao ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, dẫn tới nhu cầu kéo dài chi và với đàn ông, sự mặc cảm thường rõ ràng hơn.
PGS Lê Văn Đoàn cho biết, phẫu thuật kéo dài chân không ảnh hưởng đến tuổi thọ. |
PGS.TS Lê Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, cho biết, phẫu thuật kéo dài chân là cách duy nhất kéo dài chiều cao cho người hết độ tuổi phát triển.
Kéo dài chân chỉ áp dụng đối với những người có tầm vóc thấp, lùn (nữ dưới 1,5 m, nam dưới 1,6 m) hoặc người mắc các dị tật, thương tật. Kỹ thuật này không áp dụng cho trường hợp chân cao chân thấp chênh lệch không quá 3cm. Với mức độ chênh lệch ít thì có thể điều chỉnh bằng độn thêm đế giày dép đơn giản và dễ dàng hơn.
Về độ tuổi thích hợp để thực hiện kéo dài chân là từ 20-30 tuổi, vì lúc đó phẫu thuật viên có thể xác định được chiều cao hoàn thiện. Sau 35 tuổi, xương bắt đầu lão hóa nên không thuận lợi để phẫu thuật kéo dài.
Cuối cùng chia sẻ về việc ảnh hưởng của việc kéo dài chân đối với cuộc sống, tuổi thọ, PGS Đoàn cho biết, phẫu thuật kéo dài chân không làm ảnh hưởng tới tuổi thọ của người thực hiện như nhiều người lầm tưởng.
Tuy nhiên, sau khi kéo dài, các phần mềm (gân cơ, cơ, thần kinh, mạch máu, dây chằng) chưa đáp ứng kịp với tình huống mới, do đó cần phải tập phục hồi chức năng một thời gian, nhanh hay chậm tùy theo mỗi người và mức độ kéo dài. Khi cơ xương khớp đã ổn định, đã tập luyện tốt, chi được kéo dài hoàn toàn khỏe mạnh, bệnh nhân đi lại sinh hoạt chạy nhảy bình thường.
* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi
Theo Lê Phương (Khampha.vn)