30 tuổi lương 100 triệu/tháng có đáng tự hào?
Câu chuyện “30 tuổi lương 100 triệu/tháng có đáng để tự hào” bắt nguồn từ tâm sự đăng trên một diễn đàn dành cho sinh viên và cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại thương.
Bạn trẻ này sinh năm 1993, đi làm được gần 6 năm (do học đại học muộn 1 năm và 1,5 năm du học thạc sĩ). Hiện tại, bạn làm việc ở Việt Nam trong ngành chuỗi cung ứng và có mức lương 100 triệu/tháng, chưa kể khoản thưởng cuối năm và thưởng thành tích.
Câu hỏi bạn trẻ này đặt ra là: Đây có phải là thành tựu đáng tự hào không?
“Mình hỏi vậy vì nghe đồn các TikToker, YouTuber trẻ kiếm vài trăm triệu/tháng. Hay các bạn làm IT có kinh nghiệm 4-5 năm lương trung bình hơn 5.000 USD/tháng, nhận việc bên ngoài có khi kiếm thêm được vài nghìn đô.
Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp cũng có thu nhập lên tới vài trăm triệu đồng. Nhìn những case (trường hợp) này mình thấy thu nhập hiện tại của mình thật nhỏ, chưa kể mình đang làm về supply chain (chuỗi cung ứng) là ngành có nguy cơ bị thay thế cao bởi tech (công nghệ) nên cứ thấy lo lo”.
Tâm sự của bạn trẻ thu hút hơn 2.000 bình luận. Phần lớn trong số đó tỏ ra ngưỡng mộ và cho rằng đây là một mức thu nhập cao, nhất là với một người chỉ mới 30 tuổi.
“Em sinh năm 1993, tức là đang 30 tuổi. Đọc post có thể thấy em đang ở giai đoạn khủng hoảng tuổi 30. Một trong những vấn đề khủng hoảng ở giai đoạn này là lung lay niềm tin về công việc, thu nhập của bản thân, và càng hoang mang hơn khi nghe các thông tin về công việc, thu nhập của người khác, ngành nghề khác.
Giải pháp là dừng nghe, so sánh mình với người khác. Đó cũng là tôn trọng bản thân mình. Tiếp tục tu rèn để mỗi năm, mỗi quý, mỗi tháng để mình trở thành phiên bản tốt hơn trước. Khoảng 2 năm nữa qua giai đoạn khủng hoảng, em sẽ thấy mình thật tuyệt”, anh Nguyễn Sơn Tùng bình luận dưới bài viết.
Mặc dù mức thu nhập này được đánh giá là hiếm có, song một số thành viên trong nhóm cũng chia sẻ rằng có những bạn trẻ giỏi giang như thế mà họ từng gặp ở nhiều ngành nghề.
Chia sẻ của “chủ status” khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy “áp lực” khi nhìn lại “tình trạng” của bạn thân. Nhiều người hài hước thừa nhận, cũng là cựu sinh viên ĐH Ngoại thương nhưng nỗi lo của họ bây giờ là tại sao chưa có chồng/vợ, hay thu nhập chỉ bằng một phần của “chủ tút”.
Một bình luận khác cũng nhận được nhiều lượt yêu thích là của anh Mạnh Cường: "Nhìn lên không bằng ai mà nhìn xuống thì không ai bằng mình. Con người ta chỉ có xu hướng nhìn lên chứ chẳng ai muốn nhìn xuống. Nhưng nên nhìn xuống để biết trân trọng cuộc sống anh ạ. Anh năm nay 30 tuổi thì em nghĩ anh cũng đủ trưởng thành để biết rằng không phải thứ gì trên mạng cũng là thật, và không phải thứ gì cũng là mãi mãi.
Như bình luận của anh Quốc Anh bên trên, lương 100 triệu thì chắc chắn anh đang ở vị trí được quyết định điều gì sẽ xảy ra trong tương lai với mình chứ không phải AI. Em nghĩ anh nên quyết định chọn một cuộc sống biết trân trọng hiện tại để cố gắng chứ không phải nhìn theo những thứ còn chả biết có phải thật hay không và được bao nhiêu người như thế”.
Định nghĩa người thành đạt khác nhau
Trên thực tế, câu chuyện người trẻ thu nhập cao hoặc đặt mục tiêu cao hiện nay không phải hiếm gặp trên các diễn đàn dành cho sinh viên các trường đại học danh tiếng ở Việt Nam. Thậm chí, câu chuyện này được nhắc nhiều đến mức khiến khái niệm “peer pressure” (áp lực đồng lứa) trở nên quen thuộc với người trẻ.
Bên cạnh những người trẻ giỏi kiếm tiền, sớm thăng tiến, không ít người vẫn đang sống cuộc đời “bình dị” với mức lương chỉ đủ tiêu dùng cho cuộc sống cá nhân hoặc cho một gia đình nhỏ.
Chia sẻ về câu chuyện này, chị Đỗ Thị Thuỳ Hương - cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, thạc sĩ ngành Kinh doanh bền vững, ĐH Otago (New Zealand), hiện làm việc cho một doanh nghiệp may mặc - cho rằng, yếu tố thu nhập chiếm bao nhiêu phần trăm trong việc đánh giá một người thành đạt còn phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người.
“Với những người mong muốn thành đạt về mặt kinh tế thì chắc hẳn mức thu nhập sẽ chiếm tỷ lệ cao, mang tính quyết định. Còn thành đạt với người đề cao sự cân bằng, hài hoà của công việc, cuộc sống, sức khoẻ, các mối quan hệ, sự đóng góp... thì tỷ lệ các yếu tố sẽ được san đều hơn”.
Với cá nhân chị, công việc mà chị muốn cống hiến phải phù hợp với giá trị cá nhân, sở thích, năng lực mình có thể đáp ứng. Đi cùng với đó là môi trường làm việc thoải mái, cơ hội được học tập và phát triển trong lĩnh vực, được trả công tương xứng với sự đóng góp.
“Các yếu tố này đều hướng đến chủ thể đảm nhiệm công việc ấy chứ không phải là so sánh với người khác. Nếu so sánh với bạn trẻ nêu trên, mình lớn hơn về tuổi đời, kinh nghiệm đi làm mà thu nhập thấp hơn. Nhưng mình yêu thích công việc mình làm và tự hào về những giá trị đóng góp được”, chị Hương cho hay.
Còn về lo ngại “bị thay thế bởi công nghệ”, chị Hương cho rằng bạn trẻ này nên phân tích vai trò hiện tại cũng như định hướng phát triển của yếu tố công nghệ trong lĩnh vực của mình. Ngoài ra, nếu tiếp tục làm việc trong lĩnh vực này, bạn trẻ có thể sẽ không đảm nhiệm mãi công việc và vị trí hiện tại. “Vậy thì cơ hội phát triển tương lai của bạn là gì, bạn cần chuẩn bị gì để đáp ứng yêu cầu về con người ngày càng cao hơn, thay vì lo ngại bị thay thế?”
Theo Nguyễn Thảo (VietNamNet)