"Ảo" và vô cảm ăn mòn người trẻ

20/11/2015 11:44:39

Đứng bên ngoài cuộc sống, bình thản tới đáng sợ trước những gì đang diễn ra trước mắt mình nhưng lại rung động dạt dào trước những gì xem qua mạng - thực tế đó đang trở thành vấn đề đáng báo động về lối sống "nhạt", ảo, vô cảm của một bộ phận người trẻ hiện đại.

Đứng bên ngoài cuộc sống, bình thản tới đáng sợ trước những gì đang diễn ra trước mắt mình nhưng lại rung động dạt dào trước những gì xem qua mạng - thực tế đó đang trở thành vấn đề đáng báo động về lối sống "nhạt", ảo, vô cảm của một bộ phận người trẻ hiện đại.

Cổng trường THPT tại Hà Nội giờ tan trường. Hai nữ sinh lao vào nhau đầy thô bạo, kẻ túm tóc, người giật áo, những cú đá thẳng mặt không thương tiếc, những câu lăng mạ được văng ra trước sự chỉ trỏ, bàn tán sôi nổi.

Chỉ sau đó ít phút, hàng loạt video clip chất lượng cao ghi hình cận cảnh từng pha hành động được tung lên mạng internet với những cái "tít" giật gân: "Rợn người cảnh đánh nhau như phim hành động của nữ sinh trường X". Tuyệt nhiên trong đó, không xuất hiện bóng dáng của một nam thanh, nữ tú nào can ngăn, bênh vực, ngăn chặn những hành động bạo lực.

Mặc bạn mình đánh nhau, ngồi cổ vũ, quay clip thích hơn (Ảnh minh họa)

Có lẽ, đó đã không còn là câu chuyện hiếm khi sự vô cảm đã ngự trị, lấn sâu trong suy nghĩ, biến thành hành động của một bộ phận người trẻ hiện đại.

Nguyễn Thanh Tùng, sinh viên trường Đại học Thủy lợi (Hà Nội) chia sẻ: "Từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn xảy ra, tôi thấy việc đám đông hiếu kì túm tụm quanh nạn nhân để quay phim, chụp ảnh đã là chuyện cơm bữa. Rất ít bàn tay trong số đó chìa ra giúp đỡ người bị nạn, chỉ đơn giản là việc đỡ họ dậy trong khi chờ xe cấp cứu đến. Chỉ có những ánh đèn flash lóe lên đầy lạnh lùng, vô cảm".

Đối với Thanh Tâm (ngõ Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội), cảm giác "dị ứng" nhất là phải nhìn thấy những bài đăng mang đậm tính thời sự đường phố của những "phóng viên" facebook, kèm theo đó là những hình ảnh ghi lại vụ tai nạn ở góc phố này, con đường kia, với cảnh nạn nhân vẫn đầy đau đớn trước ánh mắt tò mò, đầy hiếu kì của người đi đường.

Tâm chia sẻ: "Thay vì việc ghi lại clip để trưng lên cho cộng đồng biết, hút hàng trăm lượt yêu thích, bình luận, tại sao họ không chọn cách cất điện thoại đi để giúp đỡ người bị nạn. Vô cảm như vậy nhưng khi đăng lên lại có giọng điệu đầy xót xa, thương cảm, như vậy chẳng phải là giả dối lắm sao?"

"Có ai từng đặt câu hỏi, phía sau bức ảnh người bị nạn thương tâm kia, người chụp giúp đỡ họ hay nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ chụp ảnh của mình rồi bình thản đi qua? Bao nhiêu người trong "phong trào" thương cảm trên facebook kia xuất phát từ tình thương thật sự?

Sống bằng hành động chân thành

Đã từng chứng kiến cô bạn thân hăng hái "like", chia sẻ hàng loạt bài đăng trên mạng xã hội, Tú Anh (26 tuổi, Hà Nội) kể: "Mình thấy cô ấy thường xuyên cập nhật trên trang cá nhân những chia sẻ về hoàn cảnh éo le của em bé bị bệnh tim ở nơi này, cháu bé mồ côi ở chỗ khác với những dòng cảm xúc đầy xót thương như: "Mọi người hãy giúp bé nhé, thương quá" hay "Làm ơn hãy chung tay giúp đỡ bé đi các bạn"...

Đó là sự ảo tưởng về sự hoàn hảo

Trên mạng là vậy nhưng ít ai ngờ, cô gái giàu lòng nhân hậu ấy lại có những ứng xử hoàn toàn trái ngược trong cuộc đời thực. Nhận xét vậy bởi Tú Anh đã không dưới 1 lần chứng kiến cô bạn của mình buông lời mắng mỏ thậm tệ, thậm chí có những hành xử thô lỗ khi những người đi bán hàng rong tiến đến quán nước mời bạn mua hộp kẹo, gói tăm.

Tú Anh chia sẻ: "Mình nghĩ, mạng xã hội chỉ là thế giới ảo, cuộc sống ở đời thực mới thể hiện đúng bản chất của một con người. Không tốt với những người thân xung quanh mình, thiếu nhân ái với những mảnh đời éo le mà hàng ngày mắt thấy, tai nghe thì những lời "trót lưỡi đầu môi', những dòng trạng thái kia dù có dạt dào đến mấy cũng chỉ là... đạo đức giả".


Cũng chung suy nghĩ ấy, Thành Công, sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ hiện nay quá lệ thuộc vào công nghệ và thế giới ảo, khiến bản thân có sự lệch lạc trong suy nghĩ và nhận thức.

"Thậm chí có nhiều bạn coi việc có nhiều người yêu thích, bình luận trên các bài đăng của mình là thú vui, chứng tỏ các bạn thông minh, nhân hậu, giàu tình thương...

Nó không chỉ khiến các bạn sống thờ ơ, vô cảm hơn với những mất mát, thiệt thòi của những người xung quanh mà còn đang tiêu phí thời gian vào những trò vô bổ. Hãy cất điện thoại đi, để hòa mình vào cuộc sống thực tế, các hoạt động vì cộng đồng, để chia sẻ và được sẻ chia", Công bày tỏ.

>> Game online bủa vây sinh viên: Sớm có trung tâm cai nghiện game
>> Ký túc xá, giảng đường thành "đấu trường" game

Theo Ngọc Linh (Tuổi Trẻ Thủ Đô)

Nổi bật