Phụ nữ Việt Nam thường sở hữu nét đẹp của người con gái Á đông, nhẹ nhàng, thuần khiết. Vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam trải qua bao đời đều khiến người người ngưỡng mộ và thậm chí rạng danh trên đấu trường nhan sắc thế giới.. Đặc biệt là những người con của đất Thủ đô, họ luôn mang trong mình những bản sắc rất riêng như tinh tế trong ứng xử, khéo léo trong giao tiếp và thanh lịch trong mọi hoạt động của cuộc sống.
Một trong số những giai nhân nức tiếng Hà thành những năm 50 của thế kỷ trước là bà Phạm Thị Bạch Thược, cái tên được mọi người yêu mến bởi vẻ đẹp nền nã, đầy cốt cách của mình. Bà từng là hoa khôi trường Đại học Y dược (Nay là 2 trường ĐH Y Hà Nội và ĐH Dược Hà Nội) năm 1955.
Những tấm ảnh thời sinh viên của bà đã được giữ lại và lưu truyền đến tận bây giờ. Những khoảnh khắc trắng đen từ thời xưa đã được nhiếp ảnh gia Vien. H. Quang phục chế màu lại và qua bàn tay của anh, chúng ta có thể cảm nhận được rõ nét hơn về vẻ đẹp của một mỹ nhân đương thời.
Phạm Thị Bạch Thược sinh năm 1935 trong một gia đình tri thức tại Hà Nội, cha bà là nhà giáo Phạm Hữu Ninh, người sáng lập ra trường tư thục đầu tiên của người Việt mang tên Thăng Long mà nay là trường tiểu học Thăng Long.
Bà Bạch Thược là con út và bà có tới 3 người chị nữa. Vì là con gái út nên bà được cha chú trọng giáo dục kỹ càng hơn các chị của mình. Tên của bà được đặt theo một loài hoa quý vừa đẹp, có hương thơm vừa có thể dùng để chữa bệnh. Có lẽ vì mang tên của loài hoa này mà cuộc đời bà gắn liền với ngành Dược học.
Ngoài học giỏi, xinh đẹp, bà lại có rất nhiều năng khiếu văn nghệ trong đó có diễn kịch. Trong nhiều lần hóa thân thành các nhân vật nữ ở các tác phẩm, vẻ đẹp của bà lại càng khiến cho người khác phải mê mẩn. Nhận xét về vẻ đẹp của bà Bạch Thược, nhiếp ảnh gia Vien. H. Quang chia sẻ: "Ở bà là cái đẹp nền nã, sắc sảo đặc trưng của con gái Hà thành. Nhưng ẩn sau những nét đó là một cá tính rất mạnh. Trán phẳng và cao, sống mũi cao chứng tỏ rất thông minh và tự tin. Mắt sáng, to, sắc lại càng tôn cái thông minh lên, nhưng là cái thông minh sắc sảo và chính trực!"
Năm 21 tuổi, bà trở thành sinh viên năm nhất Đại học Y dược khoa và theo truyền thống gia đình, bà có một tinh thần yêu nước rất mãnh liệt. Bà từng nổi tiếng với bức ảnh nữ sinh cầm cờ diễu hành tại sân vận động Hàng Đẫy nhân dịp mừng ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954.
Bà Bạch Thược tốt nghiệp Đại học Dược năm 1959 và công tác tại trường Cán bộ Y tế Trung ương trước khi được gửi đi tu nghiệp về Bào chế học tại Rumania. Sau đó, sự nghiệp của bà luôn dành cho nghiên cứu và bào chế thuốc men cho đến khi nghỉ hưu. Bà cũng có mối tình ly kỳ, được nhiều người biết đến với chàng bác sĩ quân y Vũ Sơn thời trẻ và bây giờ cũng là chồng của bà.
Nguồn: Vien. H. Quang
Lộc (Nguoiduatin.vn)