Hãy cùng chúng tôi trò chuyện với anh bạn "điên rồ" này để nghe anh chia sẻ nhiều hơn những suy nghĩ của bản thân về quyết định đó.
Mai Đức Cường tại Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP.HCM. |
Chào Cường, từ bỏ môi trường đại học để dấn thân vào công việc của một người lính cứu nạn hẳn là điều không mấy đơn giản. Vậy cơ duyên nào đã đưa bạn đến với quyết định này?
Trước đây Cường từng theo học ngành du lịch ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Cũng như các bạn sinh viên khác, Cường cũng có những hoài bão và dự định với mơ ước đầu đời của mình. Tuy nhiên, đến năm thứ 2 đại học thì gia đình Cường gặp phải nhiều khó khăn, buộc mình phải đắn đo giữa tiếp tục hay dừng lại việc học để giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
Lúc đầu Cường cũng không nghĩ mình sẽ theo đuổi nghề cứu hộ, tuy nhiên ngay từ nhỏ Cường đã rất mê màu áo xanh người lính. Đó là một hình tượng đẹp giữa cuộc sống đời thường. Và bản thân Cường cũng muốn được cống hiến một phần gì đó cho xã hội. Vì vậy trong lúc đắn đo giữa những lựa chọn, Cường đã quyết định ngưng việc học tại trường để theo đuổi nghề cứu hộ. Cũng có thể nói rằng lựa chọn đó bắt nguồn từ đam mê, chấp nhận mất mát một thứ gì đó để thực hiện hoài bão của mình. Và khi còn trẻ chúng ta có quyền cháy với đam mê của riêng mình.
Ngay từ nhỏ Cường đã có niềm đam mê với màu áo lính. |
Ở Việt Nam, đại học từ lâu vẫn luôn là một trong những cánh cửa mở ra tương lai tươi sáng cho người trẻ, vậy việc bạn quyết định rời ghế giảng đường để theo nghiệp lính có vấp phải sự phản đối của gia đình?
Khi Cường chia sẻ quyết định dừng việc học với gia đình, ba mẹ mình rất sốc. Thậm chí họ còn không muốn nhìn mặt mình trong thời gian dài. Nhưng bằng những nỗ lực thực hiện ước mơ, Cường dần dần tìm cách thuyết phục ba mẹ bằng những việc làm thực tế. Nhìn thấy những gì mà Cường đã làm được cho xã hội, ba mẹ cũng phần nào đó không còn lo lắng hay giận mình nữa. (cười)
Quyết định của cậu vấp phải sự phản đối từ gia đình. |
Thời gian đầu học tập tại trung tâm đào tạo chắc chắn sẽ gặp phải những khó khăn, có bao giờ Cường cảm thấy chán nản và muốn từ bỏ?
Thời gian đầu học tại trung tâm mình gặp phải khá nhiều khó khăn. Phải làm quen với điều lệnh, quy định của ngành từ tiếng nói đến dáng đi, phải học tập dưới trời nắng lẫn trời mưa những điều mà trước kia Cường chưa từng trải qua. Nhiều hôm trời nắng như thiêu như đốt phải tập luyện cảm giác rất mệt và nản. Nhưng nhớ lại sự tin tưởng của ba mẹ đặt vào mình và những ước mơ còn dang dở Cường lại có thêm động lực để vượt qua những giai đoạn khó khăn ấy.
Công việc nào cũng có những thú vị riêng của nó. Nghề cứu hộ, cứu nạn với Cường không đơn thuần là một nghề nghiệp mà còn là một trọng trách rất cao quý. Hạnh phúc với những người lính như Cường đó là có thể giải cứu được người bị nạn thoát khỏi vùng nguy hiểm. Cái niềm vui đó không thể nào diễn tả được. Nó như sợi dây đưa mọi người đến gần nhau hơn không phân biệt màu da, giọng nói.
Nhưng không phải lúc nào mình cố gắng cũng có thể cứu được người bị nạn. Có những trường hợp khi đến hiện trường, thì phát hiện nạn nhân đã chết, nỗi đau ấy cứ dày vò, ám ảnh tất cả các thành viên trong đội. Nhìn vào những sự việc đau thương ấy, Cường và đồng đội lại phải nỗ lực rèn luyện, cố gắng để không xảy ra những trường hợp tương tự trong tương lai.
Một ngày của người lính cứu nạn sẽ diễn ra như thế nào? Và khi có sự việc xảy ra, công việc cụ thể Cường sẽ phải làm là gì?
Một ngày của lính à! (cười) Khá là thú vị! Tụi Cường dậy thật sớm để tập thể dục buổi sáng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh doanh trại. Sau đó học tập rèn luyện kĩ năng, đọc báo, học tập rèn luyện thể lực, chơi thể thao, sinh hoạt tiểu đội... Và luôn trong tâm thái sẵn sàng hành động khi có thông báo cứu nạn.
Khi có sự việc xảy ra trên thực tế, Cường sẽ nhận tin cứu hộ sau đó xuất xe đồng thời liên hệ địa phương nơi xảy ra vụ việc. Đến nơi thì sẽ triển khai đội hình để ứng cứu, nếu trường hợp nạn nhân đã chết thì sẽ bàn giao thi thể người bị nạn cho địa phương và lập biên bản cứu hộ.
Phải luôn trong tâm thế sẵn sàng 24/24 có mặt ứng cứu người bị nạn, bạn có còn nhiều thời gian dành cho bản thân hay gia đình?
Quả thực khi làm công việc này, Cường không có thời gian cho gia đình hay cho bản thân. Tuy nhiên Cường nghĩ là gia đình sẽ thông cảm cho tính chất công việc mình. Nhìn thấy những sự việc đau lòng xảy ra, Cường cảm nhận rằng những thiệt thòi nhỏ nhoi của mình không là gì đối với mất mát mà người dân đang phải chịu. Vậy nên hy sinh một chút lợi ích cá nhân để cho xã hội bớt đi những âu lo, muộn phiền cũng là điều nên làm mà.
Công việc hầu như chiếm trọn thời gian của anh chàng. |
Gia đình thì chắc sẽ thông cảm cho công việc của bạn, nhưng Cường có lo lắng rằng người yêu của bạn sẽ phàn nàn về việc này không?
Chuyện tình cảm đến một độ tuổi nhất định cũng phải có. Đương nhiên mình cũng buồn vì không thể dành nhiều thời gian cho người yêu của mình. Nhưng trách nhiệm của một người lính đôi khi không cho phép mình xao nhãng hay để tình cảm cá nhân xen vào. Dù thế nào lợi ích tập thể phải đặt lên hàng đầu. Chắc có lẽ vì vậy mà mình vẫn chưa có ai. (Cười)
Làm những công việc thầm lặng, hi sinh rất nhiều cho mọi người, nhưng tuổi nghề lại khá ngắn, có bao giờ bạn nghĩ lại rằng nếu không từ bỏ đại học thì bây giờ đã có một công việc đỡ vất vả hơn, có tương lai hơn?
Công việc cứu nạn cứu hộ đôi khi không mang đến cho mình nhiều lợi ích về vật chất, cùng những hào nhoáng về danh vọng. Nhưng nhìn thấy nụ cười, những giọt nước mắt hạnh phúc khi cứu được một người bị nạn, mình và động đội vẫn muốn âm thầm cống hiến cho đến khi không còn đủ sức lực nữa thì thôi.
Đối với cá nhân Cường. Khi còn trẻ phải sống làm sao cho thật ý nghĩa. Mình từng nghe một người nói rằng: "Cái chết thật êm đềm nếu khi chết mình làm được một điều gì đó thật ý nghĩa".
Với Cường còn trẻ thì phải cố gắng làm những điều ý nghĩa. |
Cảm ơn Cường về những chia sẻ ngày hôm nay. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe để luôn hoàn thành tốt công tác của mình!
Theo Toàn Nguyễn (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)
Ảnh: Hoàng Việt