Để trở thành thí sinh Đường lên đỉnh Olympia, học sinh cấp 3 phải trải qua vòng thi cấp trường hoặc sở hữu thành tích học nổi trổi bậc nhất để nhà trường yên tâm cử đi thi. Vậy nên dù không giành ngôi vô địch thì những thí sinh năm nào vẫn nhận được sự quan tâm và có được thành công riêng trong sự nghiệp.
Thực tế, nhiều thí sinh sau khi bước ra từ chương trình đã thành công và trở thành tấm gương cho giới trẻ như Vũ Duy Khánh (mùa 6) là Trưởng phòng cấp cao An ninh mạng tạo ra ứng dụng Bluezone, Á quân Thân Ngọc Tĩnh hiện là Trưởng phòng đầu tư ở TP.HCM...
Một trong những Á quân nổi bật nhất phải kể đến Nguyễn Hồng Đức (mùa thứ 6). Anh chàng thi cùng năm với Quán quân Lê Vũ Hoàng. Xuất hiện trên sóng VTV, cả hai đều chia sẻ những thành công trong sự nghiệp khi Vũ Hoàng có khối tài sản lên đến 1 triệu USD thì Hồng Đức hiện đang làm Quản lý vận hành cao cấp cho Eero - Amazone Devices.
Hồng Đức là cựu học sinh trường THPT Nhân Chính (Thanh Xuân). Trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia mùa thứ 6, anh chàng trải qua 3 vòng thi Tuần - Tháng - Quý với số điểm ấn tượng 260 - 260 - 260. Bước vào trận chung kết, Hồng Đức chỉ chịu dừng bước trước Quán quân Vũ Hoàng.
Thời đi học, Hồng Đức từng chia sẻ mình học... hơi bị dở, chỉ giỏi chơi điện tử tuy nhiên đến năm lớp 12, nhờ nhận được giải Ba học sinh giỏi Vật lý TP Hà Nội nên đã được tin tưởng cử đi thi. Không phụ lòng thầy cô, anh chàng đã xuất sắc mang về cầu truyền hình danh giá cho trường.
Sau chương trình, Hồng Đức trở thành trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, và cũng theo chân đàn anh nhận được học bổng Kỹ sư (chuyên ngành Viễn thông và Công nghệ Internet) tại ĐH Kỹ thuật Swinburne. Anh chàng tiếp tục nhận được học bổng Thạc sĩ của Intel Việt Nam và đang phát triển sự nghiệp tại quê nhà.
Xuất hiện trên sóng VTV, Hồng Đức chia sẻ quan điểm về việc Quán quân và Á quân Olympia không trở về nước làm việc.
"Đặt vào thời điểm chúng mình tốt nghiệp những năm 2010, thời điểm mạng xã hội như LinkedIn, Facebook chưa phổ biến, thì chúng mình mới chỉ ra trường, tương lai không biết làm gì. Nhiều người ở lại nước ngoài rất tự nhiên vì chúng mình được đào tạo môi trường nói tiếng Anh, làm thế nào đăng ký vào các công ty đang có ngành nghề của mình.
Lúc đó mình đối mặt với câu hỏi lớn: Về nước rồi sẽ làm gì? Bởi lúc đó mình tốt nghiệp ngành Viễn thông thì khi đó chỉ biết 4 công ty lớn, không biết mình sẽ làm cái gì tiếp theo. Nên mình mong các công ty có thể truyền bá thông tin tốt hơn đến nước ngoài rằng mọi người khi ra trường sẽ hiểu thực sự môi trường ở Việt Nam rất năng động và nhiều cơ hội cho du học sinh.
Các công ty như Amazone, Apple tìm nhân viên ở Việt Nam rất nhiều nhưng không có, thậm chí còn phải tranh người của nhau. Nên mình mong các bạn hiểu rằng ở Việt Nam đang nhiều công việc thế nào để các bạn có thể an tâm trở về nước làm việc".
Theo Vân Trang (Trí Thức Trẻ)