Cách đây 6 năm, cô nàng Lâm Bích Nghi (sinh năm 1992) đã từng chinh phục thành công những người tuyển dụng khó tính của hãng Emirates để được đến Dubai và bắt đầu hành trình trở thành tiếp viên hàng không quốc tế. Nếu bạn chưa biết thì Emirates là hãng hàng không đắt giá nhất hành tinh có trụ sở tại Dubai, tiếp viên của hãng có thể nhận được mức lương lên đến gần 1 tỷ/năm cùng rất nhiều những đãi ngộ hấp dẫn.
Tuy nhiên chỉ chưa đầy 6 tháng sau, Nghi đã từ bỏ công việc tưởng chừng như rất hào nhoáng và lý tưởng này để về Việt Nam. Hiện tại, cô đang là quản lý của một thương hiệu bánh tại TP.HCM, làm người dẫn chương trình và là giảng viên thỉnh giảng của ĐH Văn Lang.
Gần nửa năm làm việc ở hãng hàng không đắt giá nhất hành tinh không phải là thời gian dài nhưng đã cho Nghi những trải nghiệm vô cùng quý giá. Với cô, tiếp viên hàng không không phải là công việc chỉ toàn màu hồng mà có rất nhiều khó khăn, thử thách và cả những góc tối. Nghi cũng chưa bao giờ cảm thấy hối hận vì lựa chọn từ bỏ một công việc trong mơ để có những trải nghiệm mới mẻ và thú vị không kém cho tuổi trẻ của mình.
4 vòng thi, 2 tháng training "căng cực"
Sau khi tốt nghiệp ĐH Hoa Sen ngành Quản trị Du lịch Khách sạn Nhà hàng, Nghi muốn thử sức với công việc tiếp viên hàng không nên đã nộp hồ sơ vào hãng Emirates. Để đến được Dubai, cô đã phải trải qua 4 vòng thi vô cùng căng thẳng với nhiều thử thách. Nghi nhận thấy Emirates không quá chú trọng vào việc kiểm tra tài năng hay ngoại hình mà các bài thi đều yêu cầu các thí sinh bộc lộ khả năng giao tiếp, kĩ năng làm việc nhóm và tư duy trong việc xử lý tình huống.
Trong vòng 1 với khoảng 300 ứng cử viên, họ được chia nhóm 3 người để cùng thảo luận và thuyết trình nhanh về công dụng khác của một đồ vật bất kì. Nhóm của Nghi nhận được hình ảnh đôi giày cao gót. Cô vui vẻ trả lời rằng phụ nữ có thể dùng guốc/ giày làm vũ khí để tự vệ khi bị tấn công bất ngờ bởi những tên biến thái và vượt qua được thử thách này.
Hơn nửa thí sinh bị loại, số còn lại tiếp tục với bài kiểm tra trình độ tiếng Anh trên giấy. Sau đó, khoảng 70 ứng cử viên có điểm kiểm tra cao nhất tiếp tục được chia nhóm để thảo luận và trả lời cho một thử thách “khoai” hơn nhiều.
Tình huống đặt ra là vì sự cố hệ thống, chiếc du thuyền của bạn chỉ còn 2 chỗ trống nhưng danh sách khách hàng đang chờ còn đến 5-6 người, trong đó có quan chức cao cấp, ca sĩ ngôi sao, phóng viên tạp chí du lịch và một cụ già được con mua tặng chuyến đi này. “Đáp án cho tình huống này không quan trọng, quan trọng là bạn phải có lí lẽ thật tốt để thuyết phục các thành viên trong nhóm đồng ý với quan điểm của mình và lấy nó làm câu trả lời chung cho cả nhóm” - Cô chia sẻ. Nghi đã lựa chọn cụ già vì cho rằng chuyến đi này thực sự có ý nghĩa với cụ và phóng viên tạp chí du lịch với lập luận rằng độc giả của tạp chí du lịch là đối tượng khách hàng tiềm năng nhất cho hãng tàu.
Cuối cùng, Nghi phải trải qua một vòng phỏng vấn trực tiếp với rất nhiều những câu hỏi để bộc lộ cá tính và con người thật, những quan điểm và suy nghĩ về nhiều vấn đề và tình huống khác nhau. Sau đó, các ứng cử viên ra về và chờ đợi kết quả được thông báo qua điện thoại - còn được gọi là “cuộc gọi vàng - the golden call".
Dù đã 6 năm trôi qua song Nghi vẫn nhớ như in cảm giác vỡ oà và hãnh diện khi nhận được cuộc gọi từ Emirates thông báo cô đã chính thức trở thành tiếp viên của hãng. Thế là cô gái Việt bắt đầu hành trình đến Dubai để chinh phục bầu trời.
Trước khi được bay chính thức, Nghi phải trải qua rất nhiều các khoá training về tất cả các kiến thức, kĩ năng trong ngành hàng không trong vòng 2 tháng với lịch học dày đặc. Cô phải học về an toàn bay của hai loại máy bay là Airbus A380 và Boeing 777, kĩ năng sơ cấp cứu, kĩ năng phục vụ, kĩ năng chăm sóc hình ảnh cá nhân bao gồm makeup, skin care. Những tình huống khẩn cấp như cháy nổ hay hộ sinh trên máy bay Nghi đều được học một cách chân thực và trực quan thông qua các căn phòng mô phỏng lại một phần của máy bay trong thực tế. Sau khi hoàn thành các bài thi và vượt qua được thời gian training, Nghi mới chính thức có được chuyến bay đầu tiên.
Những chuyến bay "hú hồn", không thiếu đồng nghiệp siêu "mean"
Nhờ công việc này, Nghi đã có cơ hội đến rất nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Úc, New Zealand, Ghana... Mức lương của cô ở Emirates trong thời điểm này cũng rất lý tưởng - rơi vào khoảng $2000/tháng (tầm 50 triệu đồng) chưa tính công tác phí. Ngoài ra, các tiếp viên được cung cấp nhà ở và phương tiện đi lại miễn phí.
Tuy nhiên, công việc này không chỉ có những trải nghiệm thú vị hay mức thu nhập đáng mơ ước mà kèm theo đó là rất nhiều những khó khăn và thử thách.
Nghi từng trải nghiệm một chuyến bay có độ rung lắc mức độ cao do thời tiết xấu và nếu không xử lý nhanh thì tiếp viên có thể té ngã hoặc tệ nhất là bị hất văng lên nóc máy bay và bị chấn thương. Các tiếp viên sau đó đã phải ngồi ngay xuống ghế hành khách, thắt dây an toàn để bay qua khu vực này rồi mới tiếp tục làm việc.
"Trong chuyến bay đầu tiên mình đã có trải nghiệm ‘hú hồn’. Vì là chuyến bay đầu tiên nên khi cất cánh và hạ cánh thì mình sẽ được ngồi trong buồng lái cùng với cơ trưởng và cơ phó. Lúc đó, mình nghe thấy cơ trưởng yêu cầu tiếp viên trưởng vào buồng lái. Trên máy bay, nếu cơ trưởng yêu cầu điều này nghĩa là chuyến bay đang gặp một sự cố khá nghiêm trọng. Lần đó là do ở Dubai đang có bão cát nên máy bay không thể đáp đúng kế hoạch. Nếu bão cát diễn ra quá lâu thì máy bay không thể cứ bay vòng vòng vì có thể sẽ thiếu nhiên liệu. Vậy nên, cơ trưởng phải tính đến việc đáp ở một sân bay khác nhưng việc này cũng rất phức tạp. Cuối cùng, may mắn là bão cát đã tan và máy bay có thể đáp an toàn." - Nghi kể lại.
Là hãng hàng không 5 sao nên những dịch vụ của Emirates cũng rất cầu kì và phức tạp. Ngoài ra, việc phải phục vụ rất nhiều hành khách đến từ các quốc gia với văn hoá và tôn giáo khác nhau cũng khiến các tiếp viên hàng không phải cực kì kĩ càng và cẩn thận trong khâu phục vụ. Ví dụ người theo đạo Hindu giáo ăn món gì, cầu nguyện thế nào, người đạo Hồi không ăn món gì… Với những chuyến bay dài, các tiếp viên phải sắp xếp ca ngủ để chia nhau làm việc và nghỉ ngơi. Nếu không may bị chia ca ngủ sớm, bạn sẽ rất khó để chợp mắt và sau đó có khoảng mười mấy tiếng quay cuồng mệt nhoài với việc phục vụ hành khách.
Việc phân biệt chủng tộc giữa các tiếp viên hàng không đến từ rất nhiều quốc gia và châu lục là điều có tồn tại, dù không quá rõ ràng nhưng cũng khiến Nghi nhiều lần cảm thấy vô cùng tủi thân.
“Có lần cả phi hành đoàn bay đến 1 quốc gia rồi phải ở lại qua đêm. Vì hãng có tận 22.000 tiếp viên nên mọi người đều là lần đầu gặp gỡ. Khi ngồi xe từ sân về khách sạn, các bạn tiếp viên người châu Âu rôm rả bàn nhau xem sẽ đi ăn món gì, đi đâu chơi. Mình ngồi giữa nhưng họ xem mình như không khí vậy, họ cố tình cho Nghi nghe nhưng không hề đả động đến mình. Mình đoán là vì mình là người châu Á” - Cô tâm sự.
Nghi cũng thẳng thắn chia sẻ rằng việc “tình một đêm” giữa những phi công với tiếp viên hay giữa các tiếp viên với nhau là điều có xảy ra khi họ ở lại tại một quốc gia nào đó sau chuyến bay. Tuy nhiên, cô không đánh giá mà cho rằng đó là lựa chọn, là phong cách sống riêng của từng người.
Đi làm là phải vui, kiếm tiền mua nhà được thì tốt nhưng ở thuê cũng chẳng vấn đề gì
Dù phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách song Nghi cũng khẳng định ở Emirates có một môi trường làm việc vô cùng tuyệt vời và hứa hẹn. Dẫu vậy sau gần 6 tháng làm việc, Nghi vẫn quyết định xin nghỉ và trở về Việt Nam vì lí do cá nhân. Cô không muốn nhắc nhiều về chuyện đã qua nhưng Nghi khẳng định mình chưa bao giờ hối hận vì lựa chọn nghỉ việc.
“Tiếp viên hàng không thực sự là một công việc không đòi hỏi bạn phải dùng quá nhiều chất xám. Dù nhiệm vụ của tiếp viên hàng không bao gồm cả việc đảm bảo an toàn bay nhưng trên hầu hết những chuyến bay suôn sẻ, công việc của bạn chủ yếu vẫn là phục vụ hành khách. Mình có những người bạn sau nhiều năm làm tiếp viên hàng không thì nghỉ việc và rất khó khăn trong việc tìm một công việc tốt khác ở mặt đất. Nghi nghĩ mình đã có những trải nghiệm quý báu nhưng mình vẫn muốn thử thách bản thân ở nhiều lĩnh vực khác hơn”.
Sau khi về Việt Nam, Nghi đã trải qua rất nhiều công việc. Cô từng làm việc ở trường John Robert Powers, chuyên viên đào tạo và truyền thông nội bộ tại Vincom Retail (tập đoàn Vingroup) và Đại Việt Group trước khi thử thách bản thân với công việc quản lý nhà hàng kiêm MC và giảng viên thỉnh giảng hiện tại. Mức lương có tốt đến đâu cũng không thể giữ được chân Nghi nếu cô cảm thấy mình đã trải nghiệm đủ và muốn tìm một môi trường mới với nhiều kiến thức và nguồn cảm hứng mới để học hỏi và thử thách bản thân hơn.
“Bạn bè thường bảo sao mình không kiên nhẫn làm việc ở đâu đó để tìm cơ hội thăng tiến, có sự ổn định và mức lương cao hơn rồi tính chuyện mua nhà, mua xe… Nhưng đối với Nghi, trong công việc, niềm vui là thứ quan trọng nhất. Chỉ cần mỗi ngày vui vẻ với công việc, với cuộc sống là mình thấy đủ rồi. Nhu cầu mình đơn giản nên tiền không phải là cái đích đến. Chỉ cần đủ lo cho bản thân mình về sức khoẻ, ăn mặc, hàng tháng có thể hỗ trợ ba mẹ một phần, một chút làm đẹp và giải trí là mình thấy đủ và hạnh phúc tại thời điểm hiện tại. Đi làm mua được nhà thì tốt, không thì ở với ba mẹ hoặc ở thuê cũng không có vấn đề gì cả.” - Nghi chia sẻ.
Nhiều người sợ phải bắt đầu lại từ đầu với một công việc mới, một môi trường mới nhưng riêng Nghi thì không. Cô luôn giữ tinh thần ham học hỏi, sự cởi mở để có thật nhiều trải nghiệm và không ngừng hoàn thiện bản thân mình.
Ảnh: NVCC
Theo Nguyễn Nấm (Pháp Luật và Bạn Đọc)