Họ là những ai? Và họ đã làm được những gì để luôn được nhắc đến tên với một sự ngưỡng mộ đáng nể đến thế?
Không khoác lên mình những danh xưng hot boy, hot girl và cũng không “nổi” lên như một hiện tượng gắn với scandal cùng những chiêu trò nhàm chán hiện nay, họ “gây bão” cộng đồng mạng bởi chính trí tuệ, năng lực và sức ảnh hưởng vô cùng lớn đến giới trẻ.
Họ là những ai? Và họ đã làm được những gì để luôn được nhắc đến tên với một sự ngưỡng mộ đáng nể đến thế?
1. Cậu bé “thần đồng” Đỗ Nhật Nam
Có lẽ chẳng cần phải nói hay giải thích quá nhiều về cậu bé này khi mà cái tên Đỗ Nhật Nam đã luôn gắn liền với những cái tag như “cậu bé thần đồng”, “thần đồng Đỗ Nhật Nam”…
Điểm qua những thứ khiến người ta không thể không giật mình trước tài năng của cậu bé “tài không đợi tuổi” này phải kể đến những sự kiện nổi bật sau: Năm 2008 (chỉ mới 7 tuổi), Nhật Nam đã trở thành dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam. 10 tuổi, cậu đạt 8.0 IELTS (trong đó kỹ năng reading đạt điểm tuyệt đối), 11 tuổi, Nhật Nam được công nhận là người viết tự truyện nhỏ nhất Việt Nam. Chỉ trong 4 năm, cậu bé này đã 2 lần ghi tên mình vào kỷ lục Việt Nam, khiến không ít người lớn phải trầm trồ, ngưỡng mộ. Mới đây nhất, Nhật Nam còn là đại diện châu Á phát biểu tại hội nghị khoa học giáo dục TEDxKIDs với chủ đề khoa học về nụ cười. Hiện tại, Nhật Nam đang là học sinh trường Saint Paul, Texas, Mỹ.
Được mệnh danh là “thần đồng” từ khi còn rất nhỏ tuổi, thế nhưng những gì mà em làm để chứng tỏ mình không chỉ dừng lại ở bảng thành tích học tập đáng nể, khả năng vượt trội mà còn nằm ở bản lĩnh hơn người khi tự tin vượt lên mọi sức ép dư luận. Mặc cho nhiều người lớn vẫn hoài nghi về mọi thứ em có và “lời ra tiếng vào” mỗi khi em đạt được danh hiệu danh giá, thì tất cả những gì Đỗ Nhật Nam đã và đang làm chính là nỗ lực hết sức để những thành tích sau còn đáng nể hơn rất nhiều so với cái trước. Và em vẫn luôn làm được điều đó - một cậu bé không chỉ tài năng mà còn cực kỳ bản lĩnh!
2. Nguyễn Hà Đông – cha đẻ của Flappy Bird
Tuy không chính thức xuất hiện trên các App Store nữa, thế nhưng tin rằng Flappy Bird đã là một “cơn sốt” khó quên đối với giới công nghệ nói chung và những người trẻ nói riêng, tất cả cũng nhờ cha đẻ của nó – chàng trai kín tiếng Nguyễn Hà Đông.
Học code từ năm 16 tuổi, chàng lập trình viên trẻ tuổi với khả năng vượt trội và tư duy độc lập đã kiên trì với ước mơ tạo ra một game như chính bản thân mình: bận rộn, sách nhiễu và luôn chuyển động. Đạt được sự thành công ngoài mong đợi, Flappy Bird trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất tại hơn 100 quốc gia vào tháng 2/2014 và đạt trên 50 triệu lượt tải về. Nguyễn Hà Đông kiếm được số tiền ước tính lên tới 50.000 USD/ngày.
Thận trọng, kiệm lời, không dài dòng, không trình bày hay giải thích, nói ít, làm nhiều - đó là những gì người ta nhìn thấy được ở nhà lập trình game Việt tài năng. Flappy Bird có thể không còn, nhưng bài học về sự theo đuổi và chinh phục ước mơ của “cha đẻ” nó chắc chắn sẽ khiến nhiều người phải ngẫm nghĩ.
3. U19 Việt Nam – chiến đấu vì màu cờ sắc áo
Có lẽ vẫn chưa ai quên được những ngày cả đất nước nín thở cùng hướng về trái bóng trong lúc giải đấu U19 Đông Nam Á diễn ra. Đó là những ngày “chảo lửa Mỹ Đình” chưa bao giờ đỏ đến thế, là những ngày tinh thần dân tộc được đẩy lên đỉnh điểm, những ngày gần như cả nước cùng cười cùng khóc vì màu cờ sắc áo… Đó cũng là lúc cơn sốt mang tên “U19 Việt Nam” chính thức đi vào lòng người hâm mộ.
Bóng đá là một môn thể thao tập thể, vì thế, không cần bàn đến riêng đến một cá nhân nào, chính những màn trình diễn vô cùng xuất sắc cùng quyết tâm cao độ, chiến đấu vì lòng tự tôn của tất cả các cầu thủ trẻ trong đội tuyển đã làm nên một mùa bóng vô cùng đáng nhớ.
Nhìn cách các em luyện tập miệt mài dưới chế độ vô cùng khắt khe; cách các em thi đấu hết mình với lối chơi đẹp mắt, với tinh thần chiến đấu kiên cường; cách các em tự truyền lửa cho nhau và truyền niềm tin cho hàng trăm trái tim đang theo dõi mình thi đấu; cách các em đón nhận chiến thắng cũng như thất bại… Có thể nói rằng, chưa cần đến những siêu phẩm, chính quyết tâm thi đấu đến chút sức lực cuối cùng, thi đấu vì màu cờ sắc áo tổ quốc thiêng liêng của các em đã đủ để ghi một dấu ấn quá đẹp và ý nghĩa trong lòng rất nhiều người hâm mộ.
4. Chí Long - chàng sinh viên từng được gặp tổng thống Obama
Năm 2014, từ lóng "con nhà người ta" liên tục được giới trẻ Việt sử dụng, để chỉ những người vừa học giỏi, ngoan ngoãn mà bố mẹ vẫn thường lấy để làm gương. Tuy nhiên, khi anh chàng Nguyễn Chí Long được giới thiệu trên một bài viết với thành tích khủng và 2 lần được gặp tổng thống Mỹ Obama, nhiều cư dân mạng đã không ngại phong cho anh chàng là "con nhà người ta hoàn hảo nhất" bởi bảng thành tích quá xuất sắc của mình.
Xuất phát điểm là Á khoa ngành Răng Hàm Mặt trường Đại học Y Huế với 28 điểm, suốt 5 năm học Đại học, Chí Long luôn là học sinh giỏi và xuất sắc của trường với điểm trung bình từ 8 phẩy trở lên.
Gần như là một học sinh giỏi toàn diện, thế nhưng Chí Long chưa bao giờ “bỏ bê” các hoạt động xã hội. Chàng trai vô cùng năng động này thường xuyên được chọn làm thành viên đại diện tham dự các chương trình gặp gỡ, giao lưu với sinh viên, giới trẻ quốc tế ở nước ngoài. Tại đây, Chí Long từng được gặp trực tiếp các vị Lãnh đạo cấp cao như: Đệ nhất phu nhân Nhật Bản, Phu nhân thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Malaysia, Bộ Trưởng bộ Công thương Malaysia, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Asean,... Vào tháng 11 vừa qua, cậu đã trở về từ Myanmar sau chuyến gặp mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama.
|
Chí Long trong lúc được bắt tay với Tổng thống Mỹ Obama |
Sỡ hữu bảng vàng vô cùng hoàng tráng, thế nhưng sự thật thì đó chỉ là một phần rất nhỏ trong số những gì mà Chí Long đã gặt hái được. Cậu còn đoạt rất nhiều giải thưởng và thành tích khác từ đa lĩnh vực như: âm nhạc, chụp ảnh, quay phim ngắn, ca hát,...
Là người cực kì cầu toàn trong mọi thứ, thế nên Chí Long rất sợ cảm giác hài lòng với bản thân mình, vì điều đó đã từng khiến cậu vấp ngã.Cậu bạn trẻ tuổi đa tài nhưng vô cùng khiêm tốn này thực sự là một tấm gương sáng ảnh hưởng tích cực đến rất nhiều bạn trẻ bây giờ.
5. Võ Mỹ Linh – cô gái sống sót duy nhất sau cơn bão tuyết tại Himalaya và bức thư gửi Bộ Giáo dục đáng suy ngẫm
Võ Mỹ Linh (1989), nickname Va Ly, vốn đã là tác giả trẻ với 10 đầu sách (in chung) và cuối năm vừa qua, Mỹ Linh được biết đến nhiều hơn với bức thư đáng suy ngẫm gửi cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Va Ly cũng chính là cô gái người Việt may mắn sống sót sau khi bản lĩnh chống chọi với cơn bão tuyết trên dãy Himalaya. Cô thậm chí còn nhường túi ngủ cho người khác và dù chịu rét nhưng vẫn rất kiên cường.
Có thể nói Mỹ Linh chính là một trong những đại diện khá tiêu biểu cho giới trẻ bây giờ với quan niệm sống rất đẹp “dám nghĩ, dám làm, dám chinh phục”.
Sau khi suýt phải bỏ mạng trong cơn bão tuyết kinh hoàng kia, khi được hỏi rằng có sẽ leo núi lần nữa không, cô không ngần ngại trả lời “có”. “Đôi khi, để tìm được niềm tin, người ta phải lên núi ngắm một một bông hoa nở trên đá và nhận ra cuộc sống vẫn đẹp tuyệt vời. Nhưng để có một cái nhìn đẹp, một bức ảnh đẹp, đôi khi bạn phải chấp nhận trả bằng cả mạng sống. Thế nên, điều quan trọng là bạn muốn gì”, Mỹ Linh tâm sự.
Còn về bức thư được đánh giá là khá táo bạo gây ra rất nhiều luồng tranh luận gửi cho Bộ trưởng Bộ giáo dục, Mỹ Linh đã thẳng thắn lên tiếng về những điểm chưa được trong khi biên soạn sách giáo khoa Tiếng anh của nước ta bằng sự so sánh và luận điểm vô cùng khéo léo. Qua đây, cô đã chứng minh được một điều rằng: giới trẻ cũng là những người biết nhìn nhận và đánh giá cái đúng, cái sai, đừng xem thường và bỏ qua ý kiến của họ!
Dũng cảm trong cả nhận thức và hành động. Võ Mỹ Linh xứng đáng là một trong những người trẻ có lối sống đẹp tác động tích cực đến những người xung quanh.
>> Đỗ Nhật Nam lại tiếp tục đạt giải thưởng lớn trên đất Mỹ
>> 9X Việt hai lần gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama
Theo Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ