Tháng 3 tới, nhóm bạn trẻ Đại học Ngân hàng TP HCM sẽ đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi được mệnh danh là "giải Nobel cho sinh viên", với phần thưởng lên tới 1 triệu USD.
Với chủ đề Khủng hoảng dân cư đô thị - một trong những vấn đề xã hội nhức nhối nhất hiện nay, The Hult Prize 2016 thu hút sự quan tâm từ đông đảo thí sinh cũng như giới truyền thông, doanh nhân và chính trị gia trên thế giới.
Những gương mặt 9X tài năng
Đại diện Việt Nam là 4 gương mặt trẻ tiêu biểu của Đại học Ngân hàng TP HCM. Sau những vòng thi với 25.000 đơn vị đăng ký trên toàn thế giới, hai cô gái và hai chàng trai xuất sắc trở thành 1 trong 50 nhóm tham gia vòng chung kết được tổ chức tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào tháng 3 tới.
|
4 gương mặt đại diện Việt Nam đến từ Đại học Ngân hàng TP HCM. |
Người điều hành đội tuyển tại đấu trường quốc tế là giảng viên khoa Tài chính - Huỳnh Lưu Đức Toàn, sinh năm 1990. Anh từng đoạt giải nhì cuộc thi Khởi nghiệp trẻ Việt Nam năm 2011, tham gia vòng khởi nghiệp tại Singapore và được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cử tham gia dự án Phát triển kinh tế cộng đồng giúp người nghèo vùng núi Bauko tại Philippines năm 2015.
Ba thành viên còn lại sinh năm 1995 là Lê Thị Kỳ Duyên, Lê Trần Tú Uyên - sinh viên khoa Kế toán và Lê Minh Duy - sinh viên khoa Ngoại ngữ, ĐH Ngân hàng.
Trở thành đại diện đất nước tham dự giải thưởng lớn, uy tín trên toàn cầu đem đến cho các cô gái, chàng trai 9X niềm tự hào lớn. “Đây là giải thưởng danh giá với sinh viên thế giới. Để trở thành người chiến thắng rất khó, bởi vậy, chúng mình luôn xác định đã tham gia phải cố gắng hết sức” - Lê Minh Duy chia sẻ.
Với mong muốn giành chiến thắng chung cuộc, cả nhóm thể hiện quyết tâm lớn qua tên gọi HODA (Help one, develop all - giúp một người để phát triển cộng đồng).
|
Cả nhóm tận dụng mọi thời gian để hoàn thành kế hoạch của mình trước khi dự giải tại Thượng Hải. |
Khát khao chinh phục giải Nobelcho sinh viên
Với đề tài được đưa ra, mô hình của nhóm sẽ giải quyết xoay quanh vấn đề ở các khu ổ chuột.
Giảng viên Đức Toàn chia sẻ, ở các vòng trước, nhóm nêu ra các ý tưởng và dự kiến tác động đến sự thay đổi cộng đồng. Trong vòng chung kết, nhóm tiếp tục triển khai, giải quyết triệt để vấn đề của khu dân cư đông đúc tại đô thị như ăn uống, giáo dục, hệ thống vệ sinh, năng lượng, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính và hệ thống truyền thông thông tin.
Theo đó, công việc cụ thể là cải tạo nguồn nước bằng sáng kiến mới, rẻ, sử dụng công nghệ hỗ trợ kinh tế cho người trong khu ổ chuột, trồng sản phẩm nấm thân thiện với môi trường để tiết kiệm diện tích, giáo dục cho người dân trí thấp.
Hiện tại, nhóm HODA gấp rút hoàn thiện mô hình thực tế để sang Thượng Hải dự thi. Do kinh phí làm sản phẩm và mô hình thật tốn kém, bên cạnh sự hỗ trợ của trường, các bạn trẻ còn phải lên kế hoạch vận động tài trợ từ các đơn vị, tập đoàn và ngân hàng lớn.
Để thực hiện được điều này, cả nhóm chú trọng việc phân chia nhân sự hợp lý. Với những kinh nghiệm riêng như Kỳ Duyên từng đi trao đổi văn hóa ở Trung Quốc, Tú Uyên có nhiều giải thưởng nghiên cứu khoa học, Minh Duy có tài hùng biện tiếng Anh, mỗi thành viên đều là các mảnh ghép bổ sung và hỗ trợ cho nhau trong quá trình hoạt động.
Chia sẻ về nhóm, thầy Toàn cho biết, mọi người làm việc khá ăn ý nên hầu như không xảy ra bất đồng quan điểm. “Điều duy nhất khiến các bạn tranh luận có lẽ là do ai cũng giành làm nhiều hơn. Bởi ý thức mọi người đều cao, ý chí chiến đấu lớn, nên nhóm trưởng phải chia việc cho hợp lý và phân bổ nguồn lực hiệu quả nhất” - nam giảng viên cho hay.
Gặp nhiều vất vả trong việc triển khai đề tài, song khó khăn lớn nhất của họ là vấn đề thời gian. Cuộc thi rơi vào những ngày Tết nên tất cả quyết định sẽ dành toàn bộ quãng thời gian nghỉ lễ để chuẩn bị và hoàn thiện bài báo cáo thuyết trình.
Tính đến nay, dự án đã nhận được sự giúp đỡ cố vấn của các PGS, GS trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, nông nghiệp, công nghệ thông tin và kiến trúc.
"Chúng mình mong sẽ có tinh thần, sức khỏe ổn định trong suốt quá trình tham gia thi. Kết quả cao nhất là tất cả những gì cả nhóm đang mong chờ và hướng tới" - đại diện nhóm HODA chia sẻ.
The Hult Prize Foundation là quỹ khởi nghiệp dành cho các doanh nhân trẻ đến từ những trường ĐH trên toàn thế giới.
Cuộc thi The Hult Prize do cựu tổng thống Mỹ - Bill Clinton và Clinton Global Initiative khởi xướng, được tổ chức và hỗ trợ bởi Trường Hult International Business.
Cuộc thi tổ chức thường niên nhằm khởi tạo các ý tưởng khởi nghiệp để giải quyết các vấn đề nghiêm trọng thế giới đang phải đối mặt. Với số tiền dành cho đội chiến thắng là 1 triệu USD, cùng lợi thế nhận được sự cố vấn từ cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, The Hult Prize còn được mệnh danh là “giải Nobel cho sinh viên”.
The Hult Prize thu hút trên 20.000 người tham gia mỗi năm. Các nhóm dự thi đến từ hơn 600 cơ sở giáo dục, trong đó có nhiều trường ĐH danh tiếng như Stanford, Harvard, INSEAD, Hult International Business School, NYU, Columbia, Hitotsubashi, KAUST… Năm nay, 5 giải chung kết khu vực sẽ diễn ra tại 5 thành phố: Boston, San Francisco, London, Dubai và Thượng Hải. Ban giám khảo sẽ chọn một đội chiến thắng từ mỗi thành phố. Từ đó, 1 trong số 5 đội chiến thắng ở mỗi khu vực sẽ được cân nhắc, lựa chọn để nhận giải thưởng 1 triệu USD. Sau cuộc thi chung kết thế giới, đội chiến thắng sẽ khởi động doanh nghiệp xã hội mới của họ bằng số tiền thưởng nhận được.
|
Theo Nhật Ánh (Zing.vn)
Ảnh: NVCC