Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang có một chuyến công tác đặc biệt! Trên đoạn đường tiễn biệt, có rất nhiều người dân Việt vượt nghìn dặm xa mong gặp người lần cuối. Họ đến từ mọi nẻo đất nước, xa lạ nhưng cùng chung một tình cảm hướng về bác.
Không từ ngữ nào diễn tả hết nỗi xúc động, cảm giác gắn kết kỳ lạ ấy. Hình ảnh dòng người kiên nhẫn nhích từng bước chân một, lặng lẽ dưới mưa vào tối 25/7 và rạng sáng 26/7 chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khắc sâu vào trí nhớ nhiều người Việt.
Trong suốt 3 tiếng đồng hồ đứng giữa hàng trăm người, tôi cảm nhận rõ rệt hơn bao giờ hết thứ tình cảm mà người ta vẫn nhắc đến: Sự gắn kết dân tộc.
Nó được thể hiện ở những góc độ rất khác mà tôi chưa từng nghĩ đến. Không cần phải là hành động to tát, không một tiếng hô hào, không một ai bảo ai - mọi thứ cứ tự nhiên và không thể che giấu như khi bạn thật lòng yêu ai đó: Sự đặc biệt cũng khó kìm nén lại.
Khoảng 19h ngày 25/7, tôi đứng trước một ngôi nhà trên phố Lò Đúc, chờ vào viếng bác. Hình ảnh khiến tôi ấn tượng là anh chủ quán sim số đẹp bê 2 bình nước 20 lít cùng 2 chiếc cốc ra đặt trên vỉa hè. Dòng chữ to đùng in trên một tấm bảng: Nước uống miễn phí. Cậu nhóc con trai anh luẩn quẩn quanh chân bố, tò mò uống thử thứ nước từ chiếc bình đặt trước nhà.
Cậu bé chưa đủ nhận thức để hiểu tận tường vì sao lại có nhiều người xếp hàng trước nhà mình, tại sao bố lại mang nước từ trong nhà ra vỉa hè để mời họ, tại sao có những người xa lạ dừng lại uống ngụm nước rồi đi tiếp. Dòng người ấy gần như bất tận.
Nhưng tin rằng, ngay khi cậu đặt câu hỏi, người bố sẽ sẵn sàng kể cho cậu nghe về bác Nguyễn Phú Trọng và tình cảm mà những người dân Việt dành cho bác… trong hôm nay và rất nhiều năm sau nữa.
Hành động của bố cậu có thể sẽ trở thành một điều gì đó tác động đến cách mà cậu ứng đãi với mọi thứ xung quanh khi lớn lên: Không cần biết mọi người là ai, chỉ cần mọi người giống tôi - có một tình yêu với những vị đáng kính của đất nước này, thì chúng ta là người nhà. Tin rằng, khi được nuôi dạy bởi một ông bố tốt bụng, cậu nhóc sẽ trở thành 1 chàng trai tử tế và giàu lòng biết ơn.
Trong 3 tiếng đồng hồ xếp hàng, xung quanh tôi còn có rất nhiều người trẻ. Họ là sinh viên vừa tan học, là dân công sở vừa tan làm liền đi viếng bác Nguyễn Phú Trọng.
Phần lớn trong số đó chỉ từng thấy bác qua báo đài, tivi nhưng khi nhắc về bác, họ không giấu được nỗi buồn, sự tiếc thương trong ánh mắt. Sự có mặt của nhiều người trẻ trong dòng người tiễn đưa vị Tổng Bí thư đáng kính khiến các cô bác lớn tuổi xung quanh tấm tắc khen:
“Nhiều thanh niên đi thế này là rất phấn khởi nhá! Hóa ra thế hệ trẻ ngày nay cũng biết để ý, không thờ ơ như tôi tưởng”; “Phải nói là lớp trẻ quá tuyệt vời. Tôi không ngờ thế hệ tiếp theo lại hiểu chuyện như vậy. Có lẽ bác nhìn thấy sẽ ấm lòng lắm đây!”.
Đoạn đường phía trước hướng vào Nhà Tang lễ hãy còn xa, xung quanh thời tiết hầm hập oi nóng, nhưng nghe những lời nói ấy, tôi thấy lòng mình dịu lại và tràn đầy tự hào.
Xung quanh tôi, nhiều câu chuyện vẫn được chia sẻ.
Một cô gái xúc động kể lại quá trình đi viếng Tổng Bí thư của mình. Cô đã có mặt tại Nhà Tang lễ Quốc gia từ 14h và được thông báo 18h người dân mới được vào viếng nên 17h30 bắt đầu xếp hàng. Bây giờ là 22h, tức là đã 8 tiếng trôi qua.
“Trong lòng mình cảm thấy bình yên. Nếu không vào viếng bác được, thì mình vẫn thấy trọn vẹn những cảm xúc trong lòng. Hành trình của bác khiến mình có niềm tin và thêm nỗ lực hơn trong công việc, cuộc sống của chính mình”, cô nói.
Bình yên có lẽ là cảm xúc chung của những người đang gác hết mọi việc để đứng đây. Họ cũng như tôi, không cần ai biết đến những việc làm nhỏ bé của mình, chỉ cần thật tâm hướng về bác thì mọi hành động đều đáng giá.
Nhưng không chỉ có người Việt yêu mến bác, có rất nhiều người trẻ quốc tế xuất hiện trong dòng người đi viếng. Trong đó, tôi may mắn gặp được Maysaa - một bạn trẻ người Lào.
Cô là du học sinh sang Việt Nam học tập, lặn lội đi xe máy từ Quảng Ninh lên Hà Nội viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mặc chiếc áo đen cùng chiếc váy truyền thống dân tộc mình, bạn kể về những tình cảm của Tổng Bí thư dành cho nhân dân Lào và ngược lại, sự tôn kính và tình cảm mà nhân dân Lào dành cho vị lãnh đạo Việt Nam:
“Với cá nhân mình, mình luôn ghi nhớ 2 câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương; nếu là chim hãy là chim bồ câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim cương; nếu là người hãy là người cộng sản" và "Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những việc làm ti tiện đớn hèn vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan trọng với người dân Việt Nam và với người dân Lào cũng vậy.
Tháng 11/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sang thăm Lào và thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào công trình Nhà Quốc hội. Đó là một trong những biểu tượng cao quý cho tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt của 2 nước Việt - Lào.
Bác và Việt Nam đã hỗ trợ Lào rất nhiều nên khi được tin, mọi người rất xúc động và buồn. Đó cũng là lý do mà Lào tổ chức Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 2 ngày như ở Việt Nam”.
Xen lẫn giữa những câu chuyện, là những âm thanh như:
- Có ai cần bìa carton để quạt không?
- Nước miễn phí đây, mọi người cứ uống nhớ!
- Cửa hàng chúng cháu có ít bánh và nước. Mọi người cứ dùng đi ạ!
- Bánh này cầm lấy chia cho các bạn ăn đi kẻo đói! Tan làm xong ra thẳng đây đúng không?
- Chú ơi! Chú lấy quạt mà quạt đi ạ. Cháu thấy lưng áo chú ướt đẫm mồ hôi rồi.
… tự nhiên, tôi thấy mình thật may mắn.
May mắn vì được đứng ở đây trong giây phút sẽ trở thành lịch sử. May mắn vì đã đủ trưởng thành để cảm nhận được tình người sâu nặng là đáng quý đến thế nào. May mắn vì được lắng nghe và nhìn ngắm những điều phi thường nhỏ bé ở xung quanh.
Trong tôi bỗng trào dâng 1 cảm xúc: Nếu có kiếp sau, mong vẫn là người Việt Nam!
Theo Huyền Trang - Hoàng Sơn (Nguoiduatin.vn)