27 tuổi đã suy thận giai đoạn cuối, chàng trai ân hận vì mắc 1 sai lầm thường gặp ở người trẻ

07/10/2024 14:35:02

Khi mới 27 tuổi, Minh nhận tin mình bị suy thận giai đoạn cuối và sẽ phải gắn bó với máy chạy thận cả đời.

Chàng trai 27 tuổi mắc suy thận giai đoạn cuối

Đang điều trị tại khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Thanh Nhàn, Nguyễn Lợi Minh (30 tuổi, tại Nam Định) nhớ lại quãng thời gian cách đây 4 năm khi mới phát hiện suy thận mạn.

Trước ngày vào viện 2 ngày, Minh mệt nhiều, không ăn uống được. Chàng trai 27 tuổi đã tìm tới một phòng khám tư nhân và được chẩn đoán mắc Covid-19. Ngay lập tức, Minh được chuyển qua một bệnh viện điều trị Covid-19 và cách ly (thời điểm năm 2020 Covid-19 đang bùng phát tại Hà Nội).

Tuy nhiên, sau đó Minh được chẩn đoán ho lao và được tới bệnh viện phổi điều trị. Khi làm các xét nghiệm, bác sĩ nói Minh bị suy đa tạng (trong đó có suy thận) và được chuyển sang Bệnh viện Thanh Nhàn lọc máu.

"Tình trạng của tôi lúc đó khá nặng nên đã được tới Bạch Mai điều trị. Sau 2 tuần điều trị ổn định, tôi được chuyển về Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị tiếp", Minh nói.

27 tuổi đã suy thận giai đoạn cuối, chàng trai ân hận vì mắc 1 sai lầm thường gặp ở người trẻ
Ảnh minh họa: Internet

Minh tâm sự học xong Đại học kiến trúc, anh xin việc khó khăn, lương thấp không đủ trang trải nên đã quyết định đi làm shipper. Sau nhiều năm chạy shipper suốt ngày đêm, vào dịp Tết năm 2020, Minh cảm thấy mệt, buồn nôn khan, mặt hơi phù khi ngủ dậy.

"Nhiều người nói tôi béo lên à mà mặt tròn thế. Tuy nhiên, tôi cũng không để ý, cho tới tháng 2/2020 tôi mệt, không ăn được, đi khám cuối cùng nguyên nhân là suy thận giai đoạn cuối.

Khi vào viện thấy tôi xăm kín người, bác sĩ có hỏi tôi có nghiện hút không. Nhưng tôi không nghiện cũng chẳng rượu bia gì hết nên không biết nguyên nhân từ đâu", Minh buồn bã chia sẻ.

Sau này, khi bình tĩnh hơn, Minh suy nghĩ lại. Anh đã ăn uống, sinh hoạt không có giờ giấc. Minh cũng hối hận vì làm việc phá sức khoẻ nhưng không thể làm lại được.

"Tôi làm shipper nên vào dịp trước Tết, đơn rất nhiều. Tôi làm việc từ 9 giờ sáng cho tới 2 giờ đêm mới về tới nhà. Thời gian đó, tôi tranh thủ kiếm tiền để có thêm chút tiền phụ bố mẹ. Mới hai mấy tuổi mà kiếm mỗi ngày được 30-40 triệu/tháng thì không ai tin, nhưng tôi làm được như vậy. Riêng tháng Tết, tôi có thu nhập được tới 60-70 triệu", Minh nói.

Minh tâm sự gia đình mình khó khăn nên phải cố gắng kiếm được tiền. Minh không ngờ có một lúc mình lại ngã bệnh như vậy. Thời điểm Minh phải chạy thận, mẹ Minh cũng suy thận mạn phải lọc máu.

Chàng trai trẻ cho biết khi biết phải chạy thận, Minh chấp nhận điều trị, lạc quan sống.

"Tôi nghĩ có bệnh thì điều trị. Hôm nào tôi đi chạy thận sẽ nghỉ buổi sáng. 14h chiều tôi sẽ làm shipper và chỉ làm tới 19h tối và nghỉ. Giờ tôi có em trai ở cùng, cũng đỡ đần anh được nhiều việc", Minh nói.

Dấu hiệu suy thận sớm

ThS.BSCKII Nguyễn Đăng Quốc, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Thanh Nhàn chia sẻ trên báo Người đưa tin, suy thận ở giai đoạn sớm rất khó phát hiện do triệu chứng kín đáo, không rõ ràng. Có những bệnh nhân chỉ thấy hơi mệt, da xanh, phù nhẹ… Các triệu chứng đó rất mơ hồ nên bệnh nhân thường bỏ qua không đi khám.

Đặc biệt ở người trẻ, khi mắc bệnh thận vẫn có thể lao động bình thường nên càng ít để ý tới triệu chứng của bệnh. Bệnh nhân trẻ suy thận thường tình cờ phát hiện ra bệnh khi đi khám các bệnh lý khác.

Một số bệnh nhân có triệu chứng chóng mặt, hoa mắt, đi khám do nghi ngờ thiếu máu thì phát hiện ra suy thận mạn tính giai đoạn cuối. Hay như bệnh nhân bị đau đầu, buồn nôn, đi khám thì phát hiện mắc bệnh thận.

27 tuổi đã suy thận giai đoạn cuối, chàng trai ân hận vì mắc 1 sai lầm thường gặp ở người trẻ - 1
Bác sĩ Quốc đang khám cho một trường hợp bệnh nhân trẻ. Ảnh Nguoiduatin.vn

Bác sĩ Quốc cho biết nguyên nhân suy thận ở người trẻ cho tới nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ có thể góp phần thúc đẩy sớm tình trạng suy thận, bao gồm: chế độ ăn không cân đối, ăn nhiều đồ ăn nhanh hoặc thức ăn giàu năng lượng, dầu mỡ; lười vận động; thường xuyên thức đêm hoặc stress trong học tập và công việc; ăn những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm có chứa chất bảo quản, hoá chất…; mắc các bệnh rối loạn chuyển hoá nhưng không phát hiện và điều trị kịp thời.

Bác sĩ Quốc cho biết, để phòng ngừa suy thận, người trẻ cần phải có lối sống và cách ăn uống lành mạnh để hạn chế nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa; tăng cường tập thể dục thể thao và tránh căng thẳng quá mức; tránh thức khuya.

Đối với người có bệnh lý huyết áp, đái tháo đường cần phải đi khám định kỳ để kiểm soát yếu tố nguy cơ. Người dân cũng cần đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bất thường, không nên đợi có triệu chứng mới đi khám vì có thể đã muộn.

PN (SHTT)