2 người nước ngoài tử vong trong biệt thự ở Hội An: Hé lộ 'thủ phạm' nguy hiểm

07/02/2025 21:44:15

Sau khi uống rượu pha chế tại một cửa hàng, 2 du khách nước ngoài đã bị trúng độc và tử vong.

Theo thông tin đăng tải trên Báo Tuổi trẻ, ngày 7/2, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Nam đã thi hành các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Lê Tấn Gia (46 tuổi, trú phường Cẩm Nam, TP Hội An) để điều tra về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm sau vụ hai du khách nước ngoài chết do ngộ độc methanol.

Trước đó, vào lúc 15h30 ngày 24/12/2024, Lê Tấn Gia – nhân viên pha chế của một nhà hàng - đã sử dụng cồn y tế 70 độ pha với nước lọc, vỏ chanh, đường cát trắng để tạo thành hai chai rượu Limoncello (rượu mùi) và giao cho hai du khách nước ngoài.

Sau khi uống, cả hai bị trúng độc methanol nghiêm trọng, đây cũng là "thủ phạm" khiến 2 du khách tử vong.

2 người nước ngoài tử vong trong biệt thự ở Hội An: Hé lộ 'thủ phạm' nguy hiểm
Ảnh minh họa.

Methanol nguy hiểm thế nào?

Chia sẻ về mức độ nguy hiểm của methanol, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, methanol thường ở dạng lỏng trong suốt, không màu. Ở các nước phát triển, các sản phẩm methanol dùng trong gia dụng thường được cho thêm chất tạo màu để có màu xanh nước biển, giúp dễ nhận biết.

Methanol được dùng làm dung môi tẩy sơn, trong sơn, dung môi công nghiệp, chất tẩy rửa, làm sạch, làm nhiên liệu thay thế cho động cơ, làm nguyên liệu để sản xuất nhiều loại hóa chất, sản phẩm khác nhau.

“Methanol là hóa chất rất độc, không được uống. Methanol cũng có tác dụng sát trùng rất kém, không được dùng làm cồn sát trùng vì có thể gây nhiễm độc khi bôi trực tiếp trên da”, bác sĩ Trung Nguyên cho hay.

Ngộ độc methanol cấp tính có thể gây ra những biểu hiện như mờ mắt, giảm thị lực, mù, đau đầu, buồn nôn, nôn, rối loạn ý thức, hôn mê, co giật, tổn thương não, nhiễm toan chuyển hóa, sốc, tổn thương đa tạng và có thể gây tử vong.

Các trường hợp ngộ độc methanol mạn tính sẽ có triệu chứng: đau đầu, chóng mặt, choáng váng, mất ngủ, viêm kết mạc, nhìn mờ, mù.

Trường hợp bệnh nhân được cứu sống sau ngộ độc methanol thường để lại những di chứng như: mù mắt, giảm thị lực, hôn mê, rối loạn vận động,…

Theo TS.BS Nguyên, các biểu hiện ngộ độc methanol thường xuất hiện muộn nên người dân cần chủ động đi khám khi có nghi ngờ. Người lao động tiếp xúc với methanol cần được khám sức khỏe thường xuyên, trong đó bắt buộc khám đánh giá kỹ về mắt và thần kinh trung ương.

Phòng ngừa ngộ độc methanol

Để phòng tránh ngộ độc methanol, vị chuyên gia chống độc nêu quan điểm cần phải có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hóa chất cồn công nghiệp methanol, tránh để methanol rơi vào tay kẻ xấu, tạo ra các sản phẩm giả, không an toàn.

Ngoài ra, chúng ta cần phải tăng cường công tác quản lý về an toàn lao động. Các sản phẩm chứa methanol cần phải có nhãn mác cảnh báo rõ ràng về tên gọi, thành phần cụ thể, tác hại với sức khỏe, biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn khi sử dụng và cách sơ - cấp cứu.

Người dân cũng cần cảnh giác với tất cả các loại cồn, trong đó có cả cồn sát trùng, các sản phẩm được cho là ethanol hoặc gắn nhãn mác là ethanol, các loại rượu hoặc sản phẩm cồn ethanol, vì các sản phẩm này rất có nguy cơ bị làm giả và có chứa methanol, bác sĩ Nguyên nói.

Theo Ngọc Minh (nguoiduatin.vn)

Nổi bật