Tối 11/11, ĐT Việt Nam đã có trận đấu thứ 5 tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 với đối thủ Nhật Bản. Đây là trận đầu tiên SVĐ Mỹ Đình đón khán giả trở lại cổ vũ trực tiếp trên khán đài sau thời gian dài ảnh hưởng vì dịch bệnh. Bên cạnh dàn WAGs đình đám như Khánh Linh - bà xã Bùi Tiến Dũng, Gia Hân - bạn gái Hoàng Đức, Doãn Hải My - bạn gái Đoàn Văn Hậu..., trong số các "bóng hồng" trên khán đài ngày hôm qua còn có 2 gương mặt cực kỳ quen thuộc với giới trẻ, đó chính là hot girl Trâm Anh và hot girl Lê Phương Anh.
Không rõ cặp gái xinh này có mối quan hệ gì với nhau, nhưng ngay từ giây phút xuất hiện đầu tiên, cả hai đã đánh mất thiện cảm khi không hề đeo khẩu trang dù SVĐ có quy định phải tuân thủ nghiêm ngặt 5K do tình hình dịch bệnh vẫn đang căng thẳng.
Đáng chú ý hơn, netizen còn phát hiện ra Trâm Anh và Phương Anh mặc áo, cầm bảng hashtag ngang nhiên PR cho M88 - 1 sàn cờ bạc và cá cược bóng đá bất hợp pháp.
Cho những ai chưa biết, M88 là một trang web trực tuyến có máy chủ đặt tại Philippines, các đối tượng người nước ngoài đăng ký hoạt động công khai tại nhiều nước trên thế giới.
Khi truy cập M88, các đối tượng được hướng dẫn mở tài khoản và đăng ký dịch vụ InternetBanking, cách thức chuyển tiền đến các đại diện của M88 và cách thức truy cập, cá độ các trận bóng đá, chơi bài, chơi xúc xắc...
Trên thực tế, M88 đã nhiều lần bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý, thậm chí đường link chính thức của sàn cờ bạc này còn bị chặn ở Việt Nam, phải hoạt động chui. Tuy nhiên, vì máy chủ của sàn này được đặt ở nước ngoài nên việc xử lý triệt để cũng gặp không ít khó khăn.
Việc 2 hot girl nổi tiếng công khai PR cho sàn cờ bạc và cá độ bất hợp pháp này có thể bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Hiện, cả Trâm Anh và Phương Anh đều chưa có động thái phản hồi về vấn đề này.
Theo luật, hành vi quảng cáo cho trang cá cược trái phép bị cấm tại Việt Nam. Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo với mức phạt tiền từ 1-90 triệu đồng.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các hành vi vi phạm nêu trên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự, cụ thể tại Điều 197 Bộ luật hình sự 2015.
Trong trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Bộ luật hình sự 2015 về tội quảng cáo gian dối về dịch vụ, người vi phạm còn có thể đối mặt với án phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm và phạt tiền đến 50 triệu đồng. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015; Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội đánh bạc:
Điều 321. Tội đánh bạc
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điểm b, khoản 2, điều 1 Nghị quyết 01/2010/NQ-HD hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật hình sự:
b) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc nào bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc đối với lần đánh bạc đó;
JJJ (Nguoiduatin.vn)