Đến khám tại khoa Nam học, Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, anh Bình tâm sự với bác sĩ rằng cuộc sống vợ chồng anh vốn suôn sẻ, “chuyện ấy” cũng rất hòa hợp. Cách đây hai tháng, chuyện gối chăn đã trở thành thảm họa với cả hai vợ chồng. Mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp cho đến khúc cuối thì gặp trục trặc. "Tôi muốn kết thúc nhưng không được. Nếu muốn xuất tinh thì tôi phải kéo dài thời gian đến mức cả hai đều mệt mỏi”, anh Bình chia sẻ. Tình trạng này xảy ra sau một lần anh bị té ngã do tai nạn giao thông.
Cùng gặp khó khăn trong "phút cuối", anh Trung (46 tuổi) cũng đến bệnh viện khám do tình trạng xuất tinh muộn. Bệnh nhân cho biết, mỗi lần quan hệ anh đều có được khoái cảm và có cảm giác xuất tinh, song không thể thực hiện được. Chính vì tình trạng bệnh kéo dài, “chuyện ấy” của vợ chồng anh đâm ra bế tắc, mệt mỏi, lâu dần thành lãnh cảm.
Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, xuất tinh chậm là một loại bệnh. Đây là một trong những triệu chứng của rối loạn xuất tinh, không phổ biến như chứng xuất tinh sớm nhưng cũng không hiếm.
Rối loạn xuất tinh ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tình dục và hạnh phúc gia đình. Người chậm xuất tinh thường không có khả năng thực hiện theo ý muốn. Rối loạn này dẫn đến việc muốn xuất tinh phải mất nhiều thời gian hơn nhiều so với mong muốn khiến nam giới mệt nhoài mà vẫn chưa thể "kết thúc". Vài trường hợp thậm chí còn không thể xuất tinh dù đã đạt cảm giác cực khoái.
Không nguy hiểm tới tính mạng, song xuất tinh chậm kéo dài gây ức chế thần kinh, áp lực tâm lý cho phái mạnh, mệt mỏi về thể xác lẫn tinh thần. Người vợ phải chịu đựng, đau đớn, dần dần sinh lãnh cảm. Xuất tinh chậm, thậm chí không xuất tinh cũng ảnh hưởng tới khả năng có con của vợ chồng.
Nguyên nhân gây bệnh có thể là tâm lý hay bệnh lý. Về tâm lý có thể do tự ti bản thân, cảm giác sợ có thai hay giảm hưng phấn tình dục. Về bệnh lý do một số bệnh nội khoa, thuốc hoặc phẫu thuật ảnh hưởng đến trung tâm thần kinh điều khiển phản xạ xuất tinh hay tác động lên thần kinh giao cảm chi phối túi tinh và cổ bàng quang, tác động lên thần kinh vận động chi phối sàn chậu và dương vật, gây xuất tinh muộn, không xuất tinh và không đạt cực khoái. Ngoài ra, lối sống không tốt như nghiện rượu, hút thuốc lá, ma túy… đều có thể dẫn đến rối loạn này.
"Người bị chấn thương cột sống, phẫu thuật tiền liệt tuyến, bệnh tiểu đường, bệnh đa xơ cứng và chấn thương đến vùng xương chậu hoặc tổn thương thần kinh… dễ mắc bệnh. Nguyên nhân khác thường khiến bệnh nhân chậm xuất tinh là do tác dụng phụ của một số thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc dùng để điều trị xuất tinh sớm", bác sĩ Lợi nói.
Người bệnh cần đến bác sĩ nam khoa để được thăm khám tìm nguyên nhân và điều trị. Về mặt tâm lý, người bệnh không quá lo lắng, giữ tinh thần thoải mái khi ân ái. Cả hai cần được động viên, chia sẻ cởi mở với nhau, đối mặt với thực trạng để tìm những biện pháp hợp lý cho cả đôi bên thì mới hy vọng thành công.
Theo Linh Nga (VnExpress.net)