Nghiên cứu cho thấy sự hài lòng về tình dục đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo dựng một mối quan hệ tốt đẹp, nhưng có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến chất lượng đời sống tình dục của một cặp đôi cũng như ham muốn tình dục của cá nhân. Mỗi mối quan hệ đều có thể trải qua những giai đoạn trong đó đối tác ít quan tâm đến tình dục hơn bạn.
Đó có thể là một vấn đề ngắn hạn liên quan đến căng thẳng trong công việc hoặc các vấn đề khác khiến đối tác của bạn mất tập trung. Phổ biến hơn, một lịch trình dày đặc — từ thi cử cuối năm đến deadline dự án — cũng có thể khiến đối tác của bạn kiệt sức và không còn hứng thú với bất cứ điều gì ngoài ngủ hoặc xem TV.
Mặc dù những giai đoạn thiếu vắng tình dục kiểu này xảy ra phổ biến và thường tự hết sau khi mọi thứ ổn định, nhưng sự mất hứng thú kéo dài và không giải thích được trong quan hệ tình dục có thể gây hại cho mối quan hệ và hạnh phúc chung của cả hai.
Điều này có thể tạo nên cảm giác thất vọng, thiếu tự tin và khiến bạn lo ngại rằng mình đang tiến tới một cuộc hôn nhân không tình dục. Đây không phải là một mối lo ngại vô căn cứ; nghiên cứu cho thấy rằng số lần quan hệ tình dục của mọi người đang giảm.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Archives of Sexual Behavior, người Mỹ trưởng thành đang quan hệ tình dục ít hơn, bất kể giới tính, chủng tộc hay tình trạng hôn nhân của họ.
I. Thách thức
Không có định nghĩa về thời gian không quan hệ tình dục ‘quá lâu’. Điều này còn phụ thuộc vào độ tuổi của cặp đôi, họ đã bên nhau bao lâu và kiểu quan hệ tình dục thông thường của họ là gì.
Điều quan trọng là đừng nhầm lẫn giữa ước tính "trung bình" về tần suất quan hệ tình dục của các cặp đôi với mức bình thường của hai bạn. Mỗi cá nhân và mỗi cặp vợ chồng đều khác nhau, và ham muốn tình dục sẽ dao động tự nhiên theo thời gian. Điều quan trọng là cả hai bạn đều hài lòng với số lượng và chất lượng của tình dục mà hai bạn đang có.
Cuối cùng, nếu ‘thiếu vắng’ tình dục đang gây ra căng thẳng rõ rệt trong mối quan hệ hoặc làm suy giảm sự tự tin của một hoặc cả hai đối tác, thì hành động là cần thiết. Và điều đó có thể rất phức tạp.
Trừ khi cả hai sẵn sàng giao tiếp trung thực và cởi mở, bất kỳ cuộc thảo luận nào về ‘thiếu vắng’ tình dục cũng có thể gây ra cảm giác tội lỗi, tức giận, đổ lỗi hoặc xấu hổ thay vì đưa ra giải pháp.
Để đạt được giải pháp, dưới đây là một số bước hai bạn có thể làm để giải quyết vấn đề cùng nhau. Điều đầu tiên và quan trọng nhất là bạn không được đưa ra bất kỳ giả định nào về việc bạn đời của mình không có hứng thú với tình dục, cho dù điều đó khiến bạn khó chịu đến mức nào.
II. Nguyên nhân
Suy giảm ham muốn tình dục có xu hướng phổ biến hơn khi mọi người già đi. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng ham muốn tình dục bắt đầu giảm vào khoảng 45 tuổi và tiếp tục giảm sau đó.
Có nhiều yếu tố khác nhau có thể góp phần làm giảm hứng thú với tình dục. Vì vậy, đừng vội cho rằng đối tác của mình đang ngoại tình, là người đồng tính, hoặc đơn giản là đã mất hứng thú với bạn. Bạn cần suy xét mọi khả năng.
Hơn nữa, điều quan trọng là phải phân biệt giữa ham muốn tình dục thấp, rối loạn suy giảm ham muốn tình dục và rối loạn chức năng tình dục. Mỗi nguyên nhân này có cách xử lý khác nhau. Bằng cách hiểu được sự khác biệt, bạn có thể tiếp cận vấn đề một cách khách quan hơn và tránh được nhiều tác động từ cảm xúc.
Ham muốn tình dục thấp
Ham muốn tình dục thấp là giảm ham muốn tình dục có thể dẫn đến giảm hoạt động tình dục. Nó có thể được điều trị nếu các nguyên nhân cơ bản được xác định. Nguyên nhân gây mất hứng thú tình dục có thể có nhiều, bao gồm:
• Căng thẳng
• Trầm cảm
• Rối loạn cương dương
• Mất cân bằng hormone (ví dụ: do mãn kinh)
• Đau bộ phận sinh dục (ví dụ: do viêm âm đạo)
• Bệnh mãn tính
• Thuốc men
• Thiếu tự tin
• Vấn đề về mối quan hệ
Danh sách có thể kéo dài hơn nữa. Những thách thức về cảm xúc khác cũng có thể đóng một vai trò trong ham muốn tình dục của một người.
Rối loạn suy giảm ham muốn tình dục
Rối loạn suy giảm ham muốn tình dục (Hypoactive sexual desire disorder - HSDD) được định nghĩa là tình trạng không có tưởng tượng tình dục và ham muốn hoạt động tình dục. Đây là loại rối loạn chức năng tình dục phổ biến nhất ở phụ nữ, ảnh hưởng đến 8,9% phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 44, 12,3% trong độ tuổi từ 45 đến 64 và 7,4% trên 65.
Nghiên cứu cho thấy HSDD có liên quan đến một số kết quả tiêu cực bao gồm chất lượng cuộc sống giảm, cảm xúc tiêu cực thường xuyên hơn, ít hạnh phúc hơn và ít hài lòng hơn với đối tác.
Bất chấp những tác động tiêu cực của tình trạng này, nó vẫn chưa nhận được sự chú ý cần thiết. Hơn 50% những người đang gặp vấn đề tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ, thường vì cảm giác xấu hổ hoặc khó chịu khi bắt đầu thảo luận về tình dục.
Rối loạn chức năng tình dục
Rối loạn chức năng tình dục liên quan đến bất kỳ vấn đề nào xảy ra trong lúc quan hệ, ngăn cản cá nhân hoặc một cặp vợ chồng có được trải nghiệm tình dục thỏa mãn. Điều này có thể bao gồm các vấn đề về ham muốn, kích thích, cực khoái hoặc đau đớn.
Các dạng rối loạn chức năng tình dục ở nam giới bao gồm rối loạn cương dương, xuất tinh chậm và xuất tinh sớm. Ở phụ nữ, các loại rối loạn chức năng tình dục có thể bao gồm không đủ chất bôi trơn trong khi giao hợp, không có khả năng thư giãn các cơ âm đạo để cho phép giao hợp.
III. Giải pháp
Khi nói chuyện với vợ/chồng về các vấn đề tình dục trong mối quan hệ, bạn nên tránh nói chuyện trong phòng ngủ. Thay vào đó, hãy tìm một không gian khác ít nhạy cảm hơn, nơi hai bạn có thể trò chuyện 1 cách riêng tư và không bị quấy rầy.
Cố gắng nói chuyện một cách tế nhị và không có ý đổ lỗi. Mặc dù điều quan trọng là phải chia sẻ những lo lắng của bạn, nhưng hãy làm như vậy trong bối cảnh của mối quan hệ thay vì khẳng định rằng "anh" đang khiến "em" lo lắng.
Nếu đối tác của bạn không biết điều gì đang gây ra vấn đề nhưng thừa nhận sự tồn tại của nó, hãy đề nghị khám sức khỏe với bác sĩ. Ham muốn tình dục thấp thường là kết quả của tình trạng y tế chưa được chẩn đoán (chẳng hạn như testosterone thấp, huyết áp cao hoặc tiểu đường) hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc (chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm, thuốc tránh thai và một số loại thuốc tuyến tiền liệt).
Nếu đối tác của bạn từ chối hoặc miễn cưỡng thảo luận về vấn đề này, bạn cần phải đứng lên dẫn dắt vấn đề và đừng cá nhân hóa mọi việc. Ở đây không có ai đúng ai sai, ai thiệt ai hơn. Cả hai bạn cần phải làm chủ vấn đề với tư cách là một cặp vợ chồng. Bằng cách dẫn dắt mọi chuyện, bạn có thể đưa vấn đề ra ánh sáng và sử dụng quy trình này để củng cố mối quan hệ, thay vì làm tổn thương mối quan hệ.
Nếu đối tác của bạn có thể xác định chính xác vấn đề (chẳng hạn như căng thẳng trong công việc hoặc luôn cảm thấy mệt mỏi), hãy cùng nhau tìm ra giải pháp. Tập trung vào nguyên nhân gây ra vấn đề và tìm kiếm trợ giúp y tế nếu cần.
Kết
Điều quan trọng cần nhớ là giải quyết bất kỳ vấn đề nào trong mối quan hệ — cho dù đó là tình dục, tài chính hay tình cảm — là một quá trình. Hãy dành nhiều thời gian và sự kiên nhẫn để cản thiện vấn đề mà hai bạn đang gặp phải.
Theo Trà My (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)