Nhiều phương pháp tránh thai
Nội tiết tố: thuốc tránh thai nội tiết tố đường uống (oral contraceptives - OCs) như thuốc ngừa thai phối hợp estrogen - progesterone hoặc thuốc ngừa thai progesterone đơn thuần. Tránh thai nội tiết không phải đường uống như: thuốc tiêm, miếng dán hoặc vòng âm đạo.
Dụng cụ tử cung có hoặc không có chứa nội tiết tố: trong 3 - 6 tháng đầu sử dụng, có thể có ra máu rỉ giọt, ra kinh nhiều hơn và đau bụng hơn. Một nghiên cứu vào năm 2011 so sánh ảnh hưởng của dụng cụ tử cung có chứa nội tiết tố levonorgestrel-releasing intrauterine system (LNG-IUS) với việc chỉ sử dụng progesterone đường toàn thân ở những phụ nữ đang dùng liệu pháp estrogen thay thế cho thấy LNG-IUS cho hiệu quả giảm tỉ lệ tăng sinh nội mạc tử cung và thuyên giảm các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh một cách hiệu quả hơn.
Phương pháp barrier (màng ngăn + thuốc diệt tinh trùng, thuốc diệt tinh trùng, bao cao su nam và nữ): nhiều khuyến cáo rằng sử dụng thường xuyên và đúng cách phương pháp barrier có thể tăng 95 - 98% hiệu quả ngừa thai.
Kế hoạch gia đình (phương pháp nhịp sinh học) không được khuyến cáo cho phụ nữ tiền mãn kinh vì chu kỳ kinh nguyệt không đều làm cho dự đoán rụng trứng khó khăn. Ngừa thai khẩn cấp cũng có thể dùng khi một biện pháp sử dụng thấy không an toàn, tuy nhiên, nó không được khuyến cáo sử dụng thường xuyên. Luôn ghi nhớ rằng chỉ có một biện pháp tránh thai ngừa được bệnh HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục là bao cao su.
Năm 2008 - 2009, dữ liệu được cung cấp từ cục thống kê quốc gia khi khảo sát phụ nữ 40 - 49 tuổi sử dụng ít nhất một phương pháp ngừa thai, cho kết quả 4 phương pháp được sử dụng nhiều nhất là: triệt sản, viên uống tránh thai, bao cao su nam và dụng cụ tử cung. Nhiều khuyến cáo cho rằng nên sử dụng kết hợp tránh thai bằng nội tiết, bao gồm: thuốc viên uống tránh thai kết hợp với miếng dán tránh thai và vòng đặt âm đạo (combined hormonal contraception - CHC).
Lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai nội tiết
Thuốc uống tránh thai nội tiết có thể có một số lợi ích ngoài tác dụng ngừa thai và thường dùng đường uống.
Ngoài một số lợi ích mạng lại, thuốc tránh thai nội tiết ở phụ nữ tiền mãn kinh có liên quan đến nguy cơ gia tăng cục máu đông và nguy cơ đau tim, đột quỵ, ung thư vú. Năm 2002, một nghiên cứu lớn được công bố tại Hoa Kỳ về nguy cơ ung thư vú xảy ra khi dùng thuốc tránh thai kết hợp đường uống ở phụ nữ quanh tuổi mãn kinh cho thấy không có mối liên quan giữa việc sử dụng thuốc và nguy cơ ung thư cho đến 64 tuổi. Mặc dù vậy, nhiều nghiên cứu nhỏ hơn lại cho thấy có mối liên quan nên vấn đề này vẫn còn đang tranh cãi.
Phụ nữ tiền mãn kinh không nên sử dụng biện pháp tránh thai chứa estrogen, nếu đang hút thuốc lá hoặc có tiền sử có khối u phụ thuộc estrogen, bệnh tim, tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc cục máu đông. Tránh thai nội tiết an toàn cho những phụ nữ trên 35 tuổi mà không có hút thuốc lá.
Thuốc tránh thai nội tiết có thể che lấp các dấu hiệu của thời kỳ mãn kinh như kinh nguyệt không đều, nên khó nhận biết được thời điểm khi mãn kinh.
Sử dụng bất kỳ loại thuốc tránh thai kết hợp estrogen - progesterone sẽ dẫn đến hậu quả ra máu kinh nguyệt rỉ rả, ngay cả sau khi mãn kinh.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng nên ngừng sử dụng thuốc tránh thai nội tiết ở phụ nữ lúc 51 tuổi (tuổi mãn kinh trung bình) hoặc một số nhà lâm sàng khác đề nghị ở tuổi 55. Tuy nhiên, chiến lược này không phải lúc nào cũng thích hợp, vì không phải phụ nữ nào cũng mãn kinh ở cùng thời điểm và vẫn cần phải kiểm soát việc có thai.
Lợi ích ngoài tác dụng ngừa thai của thuốc tránh thai nội tiết
- Kinh nguyệt điều hòa hơn.
- Lượng máu kinh giảm hơn (làm giảm tỉ lệ thiếu máu do thiếu sắt).
- Giảm đau bụng trong lúc hành kinh hơn.
- Giảm nguy cơ ung thư buồng trứng và ung thư tử cung: trong nhiều nghiên cứu cho thấy rằng khi sử dụng thuốc tránh thai nội tiết, nguy cơ chết vì ung thư buồng trứng hoặc ung thư nội mạc tử cung giảm đi rõ rệt, nghiên cứu cũng kết luận rằng khi sử dụng thuốc tránh thai nội tiết ở tuổi tiền mãn kinh, sẽ giảm tỉ lệ mắc u nang buồng trứng, khối u buồng trứng và có tác dụng bảo vệ suốt 15 năm hoặc hơn sau khi ngừng thuốc.
- Giảm cơn nóng bừng: nhiều nghiên cứu nhỏ đã cho thấy rằng phụ nữ > 45 tuổi cảm thấy hài lòng khi sử dụng OCs vì có tác dụng giảm hẳn cơn nóng bừng lên đến 90%.
- Duy trì mật độ chắc khỏe của xương: đã có nhiều khuyến cáo cho thấy sử dụng OCs giúp giảm sự thoái hóa của xương, giúp bảo quản mật độ khoáng của xương (bone mineral density - BMD) ở phụ nữ quanh tuổi mãn kinh. Một nghiên cứu gần đây tại Thụy Điển cho thấy sử dụng OCs ở những phụ nữ sau 40 tuổi sẽ giảm nguy cơ gãy xương hông lên đến 30% so với phụ nữ không dùng thuốc. Trong một phân tích gộp từ 13 nghiên cứu về sử dụng OCs liều thấp và BMD, 9 kết quả cho thấy có hiệu quả tích cực của OCs trên BMD và 4 kết quả không có mối liên quan, không có nghiên cứu nào cho thấy giảm BMD với việc sử dụng OCs. Tác dụng của estrogen trên xương có liên quan đến liều lượng sử dụng, liều tối ưu là 25 - 35mcg ethinyl estradiol hoặc tương đương.
- Cải thiện vấn đề mụn trứng cá (thường bùng phát xung quanh thời kỳ mãn kinh).
Liều dùng của thuốc tránh thai chứa progesterone đơn thuần ở phụ nữ > 40 tuổi: đường uống với progesterone dạng micronized là 200mg lúc ngủ, trong 12 ngày hoặc medroxyprogesterone acetate 5 - 10mg/ngày hoặc norethindrone acetate5mg cho ngày 10 - 14 mỗi tháng.
Liều estrogen: bắt đầu với miếng dán thường là 100mcg/ngày hoặc estradiol đường uống thường là 2mg/ngày. Liều này tương đương với 1,25mg estrogen liên hợp hay khoảng 10mcg ethinyl estradiol.
Theo Bs Nguyễn Thị Thủy (Sức Khỏe & Đời Sống)
(Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh)