Đặc biệt, theo một khảo sát của Khoa Nam học, BV. Bình Dân, đến 68,2% bệnh nhân nhầm lẫn thuốc kích dục là thuốc điều trị rối loạn cương.
Theo suy nghĩ, anh Nguyễn V. T (36 tuổi, Quận Tân Bình) cho rằng chỉ những người đàn ông lớn tuổi mới có thể bị rối loạn cương dương, hay còn gọi là ED, mà không phải người đàn ông trẻ như anh. Anh đã có vợ và một con trai nhỏ.
Tuy nhiên, năm ngoái, anh T. đã cảm thấy có gì đó không ổn: “Tôi cho rằng thực tế cả hai chúng tôi đều vừa làm cha mẹ vừa bận rộn đi làm. Cuộc sống nhiều thứ lo âu, công việc căng thẳng. Cho đến khi chúng tôi cố gắng sinh đứa con thứ hai và tôi bắt đầu tự hỏi, chuyện gì đang xảy ra với tôi?”
Thông thường, đây là những người đàn ông có vẻ ngoài khỏe mạnh: họ mảnh khảnh, họ tập thể dục, họ trẻ, và bạn nghĩ: Tại sao những người này gặp khó khăn về tình dục? Đó có thể là hậu quả của việc uống quá nhiều rượu bia, căng thẳng trường diễn hoặc mệt mỏi, không thể có được hoặc duy trì sự cương cứng sẽ xảy ra với hầu hết đàn ông tại một số thời điểm trong cuộc sống của họ; nhưng ngày càng nhiều nam giới ở độ tuổi 30 cũng hoảng loạn khi gặp vấn đề rối loạn tình dục này. Tình trạng này đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sự tự tin của nam giới cũng như tác động tiêu cực đến người bạn đời của họ, làm mất hạnh phúc.
Rối loạn chức năng cương dương, hay ED, là tình trạng nam giới khó thể đạt được và duy trì sự cương cứng của dương vật đủ để quan hệ tình dục trọn vẹn, thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi. Thế giới ghi nhận hơn 150 triệu nam giới trên toàn thế giới gặp phải tình trạng rối loạn cương và dự đoán sẽ có gấp đôi số lượng này đến năm 2025.
Theo thống kê của BV. Bình Dân, vào năm 2018 có 85.000 bệnh nhân khám và điều trị các vấn đề về nam khoa, tỉ lệ rối loạn cương lên đến 11,6%, gia tăng một cách mạnh mẽ, cao gấp nhiều lần so với các năm trước đó. PGS.TS.BS. Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng - Phó Giám đốc BV. Bình Dân cho biết, bình quân mỗi năm tại bệnh viện này có khoảng 9.000 lượt bệnh nhân đến thăm khám và điều trị bệnh rối loạn cương.
Nhiều bệnh nhân khó tiếp cận điều trị rối loạn cương bởi tâm lý mặc cảm, tự ti, quan niệm sai lầm khi cho rằng rối loạn cương là vấn đề của tuổi già, thích dùng bác sĩ google hơn là tin tưởng vào bác sĩ chuyên ngành nam khoa...
Theo BS. Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, ngoài sự thiếu tự tin, mặc cảm, những bệnh nhân này cũng thiếu niềm tin vào kết quả điều trị. Phần lớn các bệnh nhân bị rối loạn cương thiếu tin tưởng vào bác sĩ.
Thống kê cho thấy, có khoảng 71% bệnh nhân lo lắng bác sĩ không nắm được vấn đề sức khỏe nam giới và có khoảng 68% bệnh nhân nghĩ bác sĩ không thoải mái hay bối rối khi bệnh nhân cần tham vấn về vấn đề nam khoa. Trong lúc đó, bác sĩ điều trị bệnh này cũng chưa thực sự sẵn sàng.
Bệnh nhân bị rối loạn cương nên mạnh dạn nhận diện các vấn đề rối loạn tình dục mà mình đang gặp phải để đến gặp các bác sĩ chuyên khoa Nam học, thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng lành mạnh, không thuốc lá, vận động thường xuyên và đều đặn, giữ cân nặng bình thường theo chỉ số cơ thể chuẩn (BMI).
Theo BS. Mai Bá Tiến Dũng, hiện nay, bệnh rối loạn cương ngoài điều trị nội khoa bằng nhóm thuốc ức chế men phosphodiesterase 5 (PDE5i), còn có phương pháp hút chân không, sóng xung kích, đặt thể hang nhân tạo...
“Phần lớn những bệnh nhân bị rối loạn cương thường đi kèm với các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, cao huyết áp, tim mạch… Do đó, khoảng 30% bệnh nhân điều trị nội khoa không đáp ứng, đặc biệt trên những người bệnh khó điều trị như nhóm người bệnh mắc đái tháo đường (Jas Kalsi, 2013). Vì vậy, các bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị bằng các phương pháp khác như hút chân không, sóng xung kích, đặt thể hang nhân tạo...,” BS. Tiến Dũng cho biết thêm.
- BV. Bình Dân vừa thực hiện phẫu thuật đặt thể hang nhân tạo cho 2 trường hợp không còn khả năng cương, có bệnh nhân bị rối loạn cương hơn cả chục năm. Trường hợp 1 là bệnh nhân nam 52 tuổi, ở TP.HCM bị rối loạn cương 15 năm, đã điều trị bằng các thuốc đông y, tây y nhưng không có đáp ứng. Bệnh nhân từng phẫu thuật điều trị tinh hoàn ẩn năm 2017. Bệnh nhân thứ hai mới 36 tuổi chưa lập gia đình ở Hưng Yên, bị rối loạn cương, dương vật trong tình trạng không thể cương cứng, sau một tai nạn giao thông làm vỡ vùng chậu, chấn thương niệu đạo… vào năm 18 tuổi.
-Hai ca này đã được thực hiện ngay trong hội thảo “Điều trị rối loạn cương: Lựa chọn nội khoa hay phẫu thuật” ngày 28/7/2019. Hội thảo do BV. Bình Dân phối hợp với ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch phối hợp tổ chức.
-Nhiều chuyên gia nam khoa, niệu khoa Việt Nam đã tham dự với các chuyên gia đến từ Hội Y học Giới tính châu Á - Thái Bình Dương, Úc... Nhiều báo cáo nghiên cứu chuyên sâu về điều trị rối loạn cương đã được trình bày như: Thách thức trong điều trị rối loạn cương; Đặt thể hang nhân tạo điều trị rối loạn cương; Cập nhật kiến thức về hướng dẫn điều trị tiểu không kiểm soát ở nam giới.
-Sự cương cứng là kết quả của việc tăng lưu lượng máu vào dương vật. Khi một người đàn ông trở nên hưng phấn, các cơ trong dương vật thư giãn. Sự thư giãn này cho phép tăng lưu lượng máu qua các động mạch dương vật. Máu này lấp đầy hai buồng bên trong dương vật được gọi là thể hang. Khi các khoang chứa đầy máu, dương vật bắt đầu cương cứng. Sự cương cứng kết thúc khi các cơ co lại và máu tích tụ có thể chảy ra qua các tĩnh mạch dương vật.
w ED có thể xảy ra do các vấn đề xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình cương cứng. Ví dụ, các động mạch dương vật có thể bị tổn thương quá mức khiến không thể mở đúng cách và cho phép máu vào.
w ED dai dẳng hoặc tái phát thường là một vấn đề của tuổi trung niên hoặc ở người cao tuổi, nhưng nhiều bằng chứng cho thấy ED ảnh hưởng đến ngày càng nhiều nam giới trẻ tuổi. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Tình dục (Journal of Sexual Medicine) đã ghi nhận rằng:
- Có đến 1 trong 4 người đàn ông dưới 40 tuổi có thể bị ED và tìm kiếm sự giúp đỡ. Gần một nửa trong số đó bị ED nặng.
- Đối với một số người đàn ông, ED là cảnh báo cho các bệnh tim mạch trong tương lai. Theo ghi nhận của các chuyên gia ở Phòng khám Sức khỏe Tim mạch và Sức khỏe Y tế Yale, Mỹ, ước tính ED là yếu tố nguy cơ tim mạch ở 10% đến 20% bệnh nhân không có các yếu tố nguy cơ khác đối với bệnh tim.
- Những bệnh nhân ED đến bác sĩ sớm sẽ được chẩn đoán sớm và được điều trị hiệu quả; đồng thời, những bệnh nhân ED nếu biết được họ bị nguy cơ mắc bệnh tim mạch sẽ có cơ hội phòng ngừa.
Theo An Quý (Sức Khỏe & Đời Sống)