Hiện nay, trong môi trường học đường đang dấy lên những lo ngại về tình trạng học trò “liều khi yêu”. Nhiều em bên ngoài rất ngoan, chịu khó học tập, bố mẹ, thầy cô đều không tin có thể xảy ra chuyện “động trời”, ít ai hình dung nổi những câu chuyện ở phía sau cánh cửa phòng khép lại. Ở tuổi học sinh, các em không được trang bị kiến thức giới tính một cách có hệ thống, khoa học. Đây vẫn được xem là chuyện “tế nhị” không nên đề cập với trẻ con. Hổng kiến thức đó từ bé, lớn hơn, các em lại thờ ơ, bị động với việc tìm hiểu, trang bị kiến thức nên nhiều người trẻ rơi vào trạng thái lơ ngơ khi yêu với những hậu quả đáng sợ. Các em quen nhau, không cần biết tương lai, hứa hẹn gì là sẵn sàng làm “chuyện người lớn”. Thiếu kiến thức nền tảng về giới tính, về sức khỏe sinh sản nhưng nhiều người trẻ lại thích thể hiện mình bằng... yêu buông thả, yêu bạo. Không ít bạn trẻ đã thản nhiên tuyên bố yêu mà không lên giường không phải là yêu, đến 20 tuổi mà còn trinh thì “có vấn đề”...
Theo số liệu nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội, tại một số trường ở nội và ngoại thành Hà Nội, đến hết lớp 9, có khoảng 10% học sinh từng quan hệ tình dục, tính đến hết lớp 12, con số này là 39%. Thậm chí, 10% học sinh THPT cho biết, từng quan hệ với từ 3 người trở lên.
Có thể thấy tỷ lệ trẻ vị thành niên quan hệ tình dục của chúng ta không cao nhưng nguy cơ cao và trong số các em có quan hệ sớm để lại hậu quả hết sức nặng nề. Điều đó cho thấy, nhiều bạn trẻ rất ngu ngơ nhưng rất liều lĩnh. “Yêu” nhưng thiếu kiến thức, kỹ năng an toàn nên gánh hậu quả dẫn đến tình trạng mang thai ngoài ý muốn và phải phá thai gây ảnh hưởng không ít đến khả năng sinh con sau này.
Tâm trạng chung của phụ huynh khi biết con yêu sớm là rất lo lắng, bởi theo họ, con yêu sớm sẽ sao nhãng chuyện học hành, nguy cơ quan hệ tình dục dẫn đến nhiều hệ luỵ không thể lường được. Giải pháp chủ yếu đưa ra trong hoàn cảnh này là cấm đoán, đe nẹt, tìm cách kiểm soát để con mình không tiếp xúc với “nửa kia”. Tuy nhiên, dù đã tìm mọi cách nhưng nhiều phụ huynh cũng đành bất lực trước thái độ ương bướng của trẻ, phải gọi điện cầu cứu chuyên gia tư vấn. Có người không giấu nổi cơn giận đã la mắng con thậm tệ, rồi đưa ra bằng chứng để kết tội. Hậu quả là con sợ hãi, xấu hổ, cảm thấy bị xúc phạm nên đã bỏ đi khỏi nhà.
Trong hầu hết các cuộc khảo sát về tình yêu của trẻ vị thành niên, các phụ huynh luôn cho rằng yêu sớm là hư và khó chấp nhận được. Khi được hỏi “tại sao lại cấm đoán?”, phụ huynh cho rằng, trẻ chưa đủ chín chắn để xây dựng cho mình một tình yêu đích thực, tình cảm lúc này chỉ là cảm xúc bồng bột, rất dễ gây ra hậu quả xấu. Vì thế, họ càng khó cởi mở với những rung động đầu đời của con cái.
Thực ra, việc giáo dục về tình dục cho học sinh đang là một thách thức chưa vượt qua được. Nhiều năm qua đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi giữa một bên cho rằng không “vẽ đường cho hươu chạy” và một bên cho rằng thà vẽ đường cho hươu chạy đúng còn hơn để hươu chạy lung tung. Người lớn thiếu nền tảng giá trị, niềm tin chung về vấn đề tình dục nên người trẻ cũng bị “rối loạn”. Tình trạng này dẫn đến nhiều em suy nghĩ không cần phải giữ gìn, mặc kệ... Những người có trách nhiệm về kiến thức giới tính tuổi học đường cần nhìn nhận thẳng thắn, có cấm các em quan hệ tình dục sớm được hay không? Nếu giữ và cấm không được thì cần chỉ cho các em cách bảo vệ bản thân tốt nhất như các cách phòng tránh thai, phòng các bệnh lây qua đường tình dục, hay xử lý các tình huống khẩn cấp... Trong mọi trường hợp, các em cần có kiến thức giới tính cơ bản như đã quan hệ thì có nguy cơ có thai, các dấu hiệu có thai để phát hiện sớm..., tránh tình trạng phải mang thai ngoài ý muốn và phá thai khi tuổi thai đã cao, rất nguy hiểm.
Khi thấy con yêu sớm và phát triển cảm xúc, tâm lý bình thường thì phụ huynh không phải quá lo lắng. Thay vì cấm đoán một cách bạo liệt, hãy đến bên con một cách nhẹ nhàng như một người bạn tin cậy để giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn. Khi tình yêu là nhu cầu bản năng, khó để cấm đoán thì cách ứng xử của cha mẹ phải hết sức khéo léo, nó giống như chuyện ta không ngăn được dòng chảy của con sông nhưng biết nắn dòng chảy đi theo một hướng khác êm đềm hơn.
Theo BS. Đặng Lan (Sức Khỏe & Đời Sống)