Một số nhà khoa học cho rằng việc duy trì đàn ông trong quá trình tiến hóa là một sự "lãng phí", vì họ không có đóng góp gì khác cho quá trình sinh sản ngoài tinh trùng.
Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà sinh học trên thế giới luôn đau đầu tìm đáp án cho câu hỏi tại sao đàn ông vẫn không tuyệt chủng trong quá trình tiến hóa của loài người, khi sự đóng góp duy nhất của họ cho quá trình sinh sản chỉ là tinh trùng.
Theo các nhà khoa học, nếu xét trên góc độ tiến hóa, việc duy trì dân số toàn nữ có thể tự sinh ra toàn con gái để duy trì dòng giống, giống như thằn lằn đuôi dài Mexico, sẽ hợp lý hơn nhiều là đẻ ra con trai không có khả năng tự sinh con.
|
Đàn ông không đóng góp gì hơn cho quá trình sinh sản ngoài tinh trùng. Ảnh minh họa
|
Một số nhà khoa học cho rằng việc đẻ ra con trai là một sự “lãng phí” nếu xét theo hiệu quả sinh sản, bởi việc sinh ra thế hệ tiếp theo toàn con gái có khả năng tự sinh sản là con đường hiệu quả hơn rất nhiều trong việc tạo ra số lượng con cái đông hơn cho giống loài.
Tuy nhiên, mới đây các nhà khoa học thuộc Trường Khoa học Sinh học Đại học Đông Anglia (Anh) đã tìm ra câu trả lời cho vấn đề này, qua đó khẳng định đàn ông sẽ tiếp tục “trường tồn” với quá trình tiến hóa của nhân loại.
Giáo sư Matt Gage, người phụ trách nhóm nghiên cứu, cho biết: “Phần lớn các loài đa bào trên trái đất đều sinh sản thông qua sex, nhưng quá trình này chỉ tạo ra một nửa con cái có khả năng tự sinh sản, còn nửa còn lại là con đực không thể tự mình sinh con đẻ cái”.
Ông Gage nói tiếp: “Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng sự cạnh tranh giữa đàn ông trong quá trình sinh sản là một lợi thế rất quan trọng, bởi nó góp phần tăng cường chất lượng nguồn gen cho dân số”.
|
Giáo sư Matt Gage |
Charles Darwin là người đầu tiên đưa ra khái niệm “chọn lọc giới tính”, trong đó con đực phải cạnh tranh với nhau để giành quyền giao phối, và con cái được phép lựa chọn. Đó là lý do tại sao trong thế giới tự nhiên nhiều con đực có mã ngoài đẹp hơn con cái rất nhiều.
Để xác định tầm quan trọng của việc “chọn lọc giới tính” đối với dân số, các nhà khoa học đã duy trì nhiều tổ bọ cánh cứng bột Tribolium trong suốt 10 năm trời dưới những điều kiện được kiểm soát ngặt nghèo của phòng thí nghiệm.
Ở một số tổ, 90 con bọ Tribolium đực phải cạnh tranh quyết liệt với nhau để “lọt mắt xanh” của 10 con cái, trong khi ở các tổ khác, số bọ cái lớn hơn số bọ đực rất nhiều.
Sau 7 năm trời, tương đương với 50 thế hệ bọ Tribolium, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những con bọ trong tổ mà con đực phải cạnh tranh với nhau để giành con cái có sức khỏe tốt hơn, chống chọi bệnh tật tốt hơn và ít có nguy cơ giao phối cận huyết hơn.
|
Những tổ bọ Tribolium không có con đực bị tuyệt chủng chỉ sau 10 thế hệ. Ảnh minh họa |
Trong khi đó, những tổ bọ Tribolium có rất ít hoặc hầu như không có con đực mặc dù vẫn có khả năng tiếp tục sinh sản, nhưng chúng chỉ duy trì được nòi giống trong 10 thế hệ và sau đó tuyệt chủng.
Giáo sư Gage kết luận: “Những kết quả này cho thấy lựa chọn giới tính là rất quan trọng với sức khỏe và sức đề kháng của dân số, vì nó giúp thanh lọc những gen xấu, duy trì gen tốt cho các thế hệ tiếp theo”.
Ông giải thích rõ hơn: “Để có thể chiến thắng trong các cuộc cạnh tranh và thu hút được con cái tham gia sinh sản, con đực phải gần như giỏi hết mọi thứ, thế nên chọn lọc giới tính là một bộ lọc quan trọng và hiệu quả để duy trì và cải thiện nguồn gen tốt cho thế hệ tiếp theo”.
>> Hiểm họa ung thư vì anal sex
>> 10 điều chưa biết về việc "tự xử" của phái đẹp
Theo Trí Dũng (Dân Việt)