Với những phụ nữ sau đẻ đường dưới, có tình trạng âm đạo giãn rộng, khiến giảm ít nhiều cảm xúc ngọt ngào trong quan hệ chăn gối, thì phẫu thuật thu gọn âm đạo là một giải pháp tốt để cải thiện và làm đẹp vùng kín, đồng thời giúp giữ hạnh phúc trong đời sống vợ chồng.
Trường hợp nào nên, không nên phẫu thuật
Các trường hợp sau nên làm phẫu thuật thu nhỏ âm đạo: Ống âm đạo rộng do chửa đẻ nhiều lần, liên tiếp; ống âm đạo rộng bẩm sinh ảnh hưởng tới quan hệ vợ chồng; sai lệch cấu trúc do phục hồi sau chửa đẻ, phẫu thuật vùng tầng sinh môn, sa tử cung; tổn thương âm đạo do chấn thương, tai nạn...
Ngược lại các trường hợp sau không nên phẫu thuật thu nhỏ âm đạo: Phụ nữ mang thai; đang trong kỳ kinh nguyệt; bị nhiễm khuẩn, nấm bộ phận sinh dục; mắc các bệnh mạn tính: lao, đái tháo đường, bệnh tim mạch...; bất thường về tâm lý.
Các phẫu thuật âm đạo được áp dụng
Trong phẫu thuật thu nhỏ âm đạo thường có các loại phẫu thuật sau: Labiaplasty (tạo hình môi bé) là một phẫu thuật sẽ làm giảm hoặc thay đổi hình dáng các môi bé. Vaginoplasty (tạo hình thu nhỏ âm đạo) đôi khi còn được gọi phục hồi âm đạo hoặc 'thắt chặt của âm đạo' là một phẫu thuật cải thiện độ rộng âm đạo tạo ra một âm đạo săn chắc và độ co thắt tốt.
Phục hồi màng trinh (Hymen restoration) hay tạo hình màng trinh (hymenoplasty) là sửa chữa, tái tạo lại màng trinh như thời còn con gái. Đây là một vấn đề nhạy cảm nhất trong tất cả các vấn đề nhạy cảm, nó tùy thuộc vào quan điểm, văn hóa, xã hội, tôn giáo.
Cần làm gì khi phẫu thuật?
Những việc cần làm trước khi phẫu thuật: Bạn phải được khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa, là người sẽ trực tiếp phẫu thuật cho bạn để đánh giá thể trạng chung, tình trạng của âm đạo và âm hộ, các bệnh lý kèm theo. Bạn sẽ được tiến hành làm một số xét nghiệm thường quy trước mổ và sẽ được khám bởi bác sĩ gây mê. Bạn không sử dụng các thuốc chứa aspirin trước phẫu thuật 10 ngày, nhịn ăn 6 giờ trước phẫu thuật. Thời điểm phẫu thuật lí tưởng là sau sạch kinh nguyệt 3-5 ngày và bệnh nhân được đặt thuốc ngay sau sạch kinh.
Quá trình thực hiện: Phẫu thuật thu nhỏ tầng sinh môn là một phẫu thuật khá phức tạp đỏi hỏi bác sĩ phẫu thuật phải có kinh nghiệm, hiểu biết về giải phẫu thẩm mỹ vùng âm đạo, do đó để kết quả được tốt nhất khi bạn được trực tiếp bác sĩ sản khoa hay bác sĩ tạo hình thẩm mỹ tiến hành, nhưng tốt nhất vẫn là bác sĩ tạo hình thẩm mỹ, vì vấn đề này rất quan trọng ở tính thẩm mỹ. Mặc dù đây là vùng nhạy cảm, dễ gây đau nhưng thủ thuật này chỉ cần gây tê tại chỗ. Bạn chỉ đau một chút khi gây tê, sau đó bạn hoàn toàn cảm thấy thoải mái trong khi bác sĩ phẫu thuật. Việc gây mê là không cần thiết. Thời gian thực hiện phẫu thuật kéo dài 30- 45 phút, tùy thuộc vào mức độ giãn, rộng âm đạo.
Sau phẫu thuật 10- 15 phút bạn có thể ra về, đi lại sinh hoạt bình thường mà không phải mất thời gian cho việc nghỉ dưỡng. Quy trình thực hiện đơn giản và nhẹ nhàng.
Chăm sóc sau phẫu thuật: Chú ý giữ vệ sinh tuyệt đối vùng cắt, khâu đề phòng nhiễm khuẩn; cần rửa sạch vết khâu bằng nước muối sinh lý, betadin sinh dục mỗi ngày; uống thuốc kháng sinh, giảm đau, chống phù nề theo đúng hướng dẫn của bác sĩ; cắt chỉ sau phẫu thuật 7 ngày; Kiêng sinh hoạt vợ chồng trong vòng 1 tháng kể từ ngày phẫu thuật; Tránh hoạt động mạnh trong 1-2 tuần đầu; sau phẫu thuật 4-8 tuần bạn có thể sinh hoạt vợ chồng lại bình thường.
Sau phẫu thuật âm đạo được thu hẹp gần như khi còn trẻ, nhưng vẫn có thể giãn, nở tốt trong quan hệ. Phẫu thuật thu hẹp bao gồm cắt bỏ niêm mạc âm đạo, niêm mạc tầng sinh môn thừa. Các sẹo xấu vùng này cũng được loại bỏ đồng thời. Tạo hình lại cơ vòng âm đạo.
Ngoài ra, tình trạng phì đại môi bé có thể cũng được sửa cùng lúc, để đưa toàn bộ diện mạo về giai đoạn 20-25 tuổi.
Các biến chứng có thể gặp
Trong thực tế, phần lớn những trường hợp phẫu thuật thu nhỏ âm đạo thực hiện đúng nguyên tắc sẽ suôn sẻ mà không gặp phải vấn đề gì, diễn biến sau phẫu thuật đơn giản và bệnh nhân rất hài lòng với kết quả. Tuy vậy, cũng như tất cả các phẫu thuật, phẫu thuật thu nhỏ âm đạo cũng có thể gặp một số biến chứng liên quan đến gây mê và các biến chứng liên quan đến phẫu thuật như: chảy máu, nhiễm trùng… Tuy nhiên các biến chứng này rất hiếm gặp.
Theo BS. Bạch Minh Tiến (Sức Khỏe & Đời Sống)