Nhóm nghiên cứu từ Đại học Tây Úc đã chứng minh rằng stress trong thai kỳ có thể khiến đứa bé – nếu là con trai – gặp nhiều rắc rối về mặt giới tính và sinh sản. Cụ thể, khi đứa bé lớn lên thành một người đàn ông trưởng thành, mức hormone giới tính nam testosterone của anh ta có thể thấp hơn đến 11%.
Khi trưởng thành, con trai của người mẹ bị stress trong thai kỳ sẽ bị giảm mạnh hàm lượng hormone nam testosterone và khả năng sinh sản - ảnh minh họa từ internet
Khả năng sinh sản của người đàn ông có mẹ bị stress lúc mang thai cũng giảm mạnh. Mật độ tinh trùng có thể thấp hơn đến 36% chỉ vì giai đoạn buồn bã của người mẹ cách đó 2 thập kỷ. Khả năng di động của tinh trùng cũng giảm đến 12%.
Để đi đến kết quả trên, các nhà khoa học đã tuyển chọn 643 nam giới 20 tuổi, độ tuổi cường tráng về mặt sinh lý. 63% các người mẹ của họ đã trải qua ít nhất một giai đoạn buồn bã, stress trong 18 tuần đầu tiên của thai kỳ. Gần 1/7 gặp chuyện buồn, căng thẳng 3 lần hoặc nhiều hơn trong 4 tháng rưỡi đầu. Đó có thể là cái chết của người thân, rắc rối trong quan hệ vợ chồng, rắc rối tiền bạc…
Giáo sư Roger Hart, người đứng đầu, cho biết giai đoạn đầu người mẹ mang thai chính là giai đoạn dễ bị tổn thương trong quá trình phát triển cơ quan sinh sản ở thai nhi nam. Stress có thể làm ảnh hưởng tới nội tiết của người mẹ, từ đó tác động đến bào thai. Đáng buồn là điều này có thể dẫn đến những bất lợi suốt đời. Vì vậy, các biện pháp để giúp thai phụ giảm stress, vượt qua những lo âu, buồn bã, sang chấn tâm lý là hết sức quan trọng.
Trong khi đó, các vấn đề về tinh trùng ở nam giới chiếm tới 1/3 nguyên nhân vô sinh – hiếm muộn ở các cặp vợ chồng ngày nay, theo thống kê từ Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS).
Giáo sư Hart cảnh báo thêm rằng đàn ông còn rất nhiều yếu tố nguy cơ gây vô sinh mà họ cần chú ý: thừa cân, béo phì, hút thuốc, uống nhiều rượu, huyết áp cao, cholesterol cao, đường hoặc chất béo trong máu cao….
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Human Reproduction.
Theo A.Thư (Nld.com.vn)