Thế giới bí mật của những người nghiện tình dục

13/05/2018 07:42:40

Jessie 30 tuổi, có công việc tốt và hôn nhân hạnh phúc nhưng vẫn thường xuyên quan hệ lăng nhăng, 'tự sướng' 3 lần một ngày.

Cô gái đã tốt nghiệp đại học này tin rằng mình bị chứng cuồng dâm từ khi 14 tuổi và thậm chí đã lây bệnh hoa liễu cho chồng vì hay "đi hoang". Hôn nhân của cô vì thế mà tan vỡ. Bạn bè, gia đình cũng xa lánh Jessi. "Tôi luôn cảm thấy vô cùng xấu hổ nhưng lại chẳng thể kiểm soát được hành vi của mình", Jessie nói.

Các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất được ý kiến về việc liệu nghiện sex có phải là bệnh không và nếu có, làm sao để xác định và trị liệu đúng chứng này.

Trước thực tế không ít ngôi sao lăng nhăng, thậm chí lạm dụng, quấy rối tình dục đổ lỗi do mình nghiện sex, nhiều người nghi ngờ về tính xác thực của tình trạng này. Gần đây, có ba tổ chức phi lợi nhuận còn công khai chống lại tư tưởng cho rằng sex và các phim khiêu dâm có thể gây nghiện.

Lĩnh vực này rất khó nghiên cứu bởi gặp khó khăn trong việc đánh giá hưng phấn của não tại một thời điểm thông thường. Nhưng Michael Walton, một nhà nghiên cứu tại Đại học New England (Australia), khẳng định "một nhóm nhỏ có thể bị nghiện". Theo ông, chứng cuồng dâm ước tính tác động tới khoảng 3-6% dân số.

Thế giới bí mật của những người nghiện tình dục
Ảnh: The Asian Age.

Khi 15 tuổi, Jordan "lên đỉnh" 50 lần một ngày. Chuyện này nghe như thể giấc mơ của một cậu bé tuổi teen nhưng với chàng trai trẻ, nó chỉ mang đến cảm giác tuyệt vọng, tội lỗi và khiến em bỏ bê học hành.

Khi 19 tuổi, Jordan đã phải uống thuốc chống trầm cảm. Cậu tin rằng mình bị nghiện sex từ lúc 13 tuổi và đỉnh điểm là hai năm sau đó khi cậu dành 14 tiếng mỗi tuần để tự xử và xem phim khiêu dâm. "Phim đen như cocain. Tôi xem ngày càng nhiều và không thể dừng lại được", Jordan nói.

Tiến sĩ Walton cho biết chứng cuồng dâm không nhất thiết được xác định bởi tần suất mà là về hành vi đó gây cho họ cảm giác lo âu thế nào.

Chia sẻ với BBC trong một chương trình phát động nâng cao nhận thức về nghiện sex gần đây, Rebecca Barker kể chứng nghiện này đã hủy hoại cuộc sống và hôn nhân của cô từ năm 2014.

Người mẹ ở miền bắc nước Anh cho biết, sau khi sinh lần 3, cô trải qua một đợt trầm cảm và có ham muốn ngày càng cao. "Đỉnh điểm là khi tôi luôn thấy bứt rứt mỗi lần ra khỏi nhà vì trong đầu chỉ nghĩ về sex. Tình trạng tệ đến nỗi ngay cả khi 'yêu' 5 lần một ngày, tôi cũng chưa thấy đủ", cô nói.

Nhiều người mắc tình trạng tương tự như Barker chia sẻ trên News rằng hành vi cuồng dâm đã phá hỏng cuộc sống và khiến họ luôn mang cảm giác xấu hổ cùng cực.

Một người 42 tuổi tên Aaron ở Australia mô tả, anh đã tốn hàng ngàn đôla mỗi năm để mua niềm vui chăn gối nhưng chỉ nhận lại cảm giác trống rỗng. Ông bố một con kể, dù biết ngoại tình là sai trái và hối hận sau đó, anh vẫn không thể điều khiển được hành vi và có tháng qua lại với hơn 30 đối tác, gồm cả nam lẫn nữ. "Tôi không hề bị cuốn hút trước người cùng giới nhưng khi 'lên cơn', chỉ cần có người đồng ý là tôi vào cuộc, kể cả ở ngay công viên hay trong nhà vệ sinh công cộng", anh nói. Không thể chịu nổi cuộc sống chung với người chồng kiểu này, vợ anh đã ly hôn.

Khoảng 80% những người nghiện sex là nam giới và nhiều người trong số họ không coi trọng bản thân hay từng bị lạm dụng khi còn nhỏ. Một số người khác thì nói rằng họ hoang mang về thiên hướng tình dục của bản thân.

Nghiện sex nhìn chung có thể được trị liệu tại các phòng khám tư, tuy nhiên Peter Saddington, chuyên gia về hôn nhân gia đình của tổ chức từ thiện Relate, cho biết chứng này nên được hỗ trợ tương tự như các vấn đề về nghiện rượu, ma túy.

"Người nghiện rượu và ma túy có thể được đi trị liệu và đến những cơ sở hỗ trợ đặc biệt. Người nghiện sex cũng cần được quan tâm như vậy bởi nó không chỉ tác động tới một người mà còn ảnh hưởng tới các mối quan hệ, gia đình, tình trạng tài chính và sức khỏe tâm thần của họ", ông nói.

Theo Vương Linh (VnExpress.net)

Nổi bật