Chất isoflavones - một dạng phytoestrogen trong đậu nành điều hòa chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, giúp cân bằng lượng oestrogen tự nhiên trong cơ thể, giảm các cơn đau, chảy máu nhiều hay các triệu chứng khác của viêm niêm mạc tử cung, ung thư vú.
Đậu nành cũng giúp cơ thể điều chỉnh lượng oestrogen khi lượng hormon này giảm dần hay những thay đổi bất thường gây ra nhiều triệu chứng của thời kỳ mãn kinh. Sữa chua làm từ đậu nành là món ăn dễ chế biến, mời các bạn tham khảo.
Đậu nành loại ngon 200g ngâm nước ấm 20-30oC trong 6-8 giờ, sau đó đãi sạch vỏ, dùng máy xay nhuyễn cùng với 1 lít nước, lọc bỏ bã. Đường trắng 70g (lượng đường tùy khẩu vị mỗi người). Sữa đặc 1 chén nhỏ hoà tan với một chút nước.
Cách làm:
Hoà nước đậu, đường trắng và sữa đặc với nhau, rồi đun sôi khoảng 5 phút thì nhấc xuống. Khi sữa nguội còn 30-40oC thì cho men lactobacillus 20g (mua ở cửa hàng bán phụ gia thực phẩm, nếu không có thì dùng sữa chua để cho chua thêm 1 ngày rồi hãy dùng) đánh thật nhuyễn vào. Đổ sữa vào cốc sạch, rồi xếp vào 1 chiếc nồi to, rót 1 ít nước nóng khoảng 50oC vào nồi sao cho ngập 2/3 cốc sữa là được rồi đậy vung kín lại để nguyên như thế. 3 - 4 giờ sau sữa đông đặc thì lấy ra cho vào tủ lạnh. 1 giờ sau là ăn được. Có thể bảo quản sữa trong tủ lạnh 1-2 ngày.
Bột đậu 80g, đường trắng 50-70g, men (lacctobacillus) 20g, sữa đặc 1 chén nhỏ hoà tan với một chút nước, nước sạch 1 lít.
Cách làm: hòa tan bột đậu nành sống trong nước ấm 30-35oC rồi lọc qua vải phin mỏng. Sau đó tiếp tục làm như trên.
Sữa chua đậu nành có màu trắng, đông mịn, đều từ đáy cốc lên mặt sữa, vị hơi chua, béo ngậy. Đây là món ăn dễ hấp thu, giúp giữ thế cân bằng của các vi khuẩn ở ruột, thích hợp với trẻ em, người già và những người bị rối loạn tiêu hóa.
Theo Bs Vũ Khanh Mai (Sức Khỏe & Đời Sống)