Không ít chị em phụ nữ có thói quen “tân trang” vùng kín bởi nghĩ rằng làm vậy sẽ giúp “cô bé” sạch sẽ và thoáng khí hơn. Tuy nhiên, liệu rằng phụ nữ có nên cạo lông ở vùng kín không? Để giải đáp thắc mắc này cũng như giúp chị em an tâm hơn khi chăm sóc cơ thể, hãy tìm hiểu những thông tin dưới đây.
Lông mọc ở vùng kín có tác dụng gì?
Khi đến tuổi dậy thì, vùng kín không riêng gì ở con gái mà còn ở cánh đàn ông sẽ bắt đầu mọc lông. Đây là biểu hiện tự nhiên như sự phát triển đều đặn của cơ thể. Thực tế, không ít người vẫn lo ngại rằng lông mu mọc quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng xấu. Tuy nhiên, lông mu xuất hiện đem lại khá nhiều lợi ích khác nhau.
Đầu tiên, lông mu giúp bảo vệ và che chở cho vùng kín tránh khỏi những tổn thương do vi khuẩn hay một số mầm bệnh gây ra. Bởi vùng kín thường xuyên ẩm ướt nên là nơi cư trú và sinh sống lý tưởng của các mầm bệnh. Vì vậy, lông mu được ví như lớp vỏ bao bọc, che chở cho vùng kín tránh khỏi những căn bệnh không mong muốn.
Thực tế có nhiều hoạt động như chạy bộ, đi xe đạp luôn gây những ma sát nhất định lên vùng kín. Để hạn chế sự cọ sát, va chạm và gây ra những trầy xước dẫn đến nhiễm trùng thì lông mu chính là giải pháp ngăn chặn hữu hiệu nhất.
Ngoài ra, lông mu còn giúp giữ nhiệt hiệu quả, tạo nên sự hấp dẫn trong việc quan hệ tình dục và sức quyến rũ trên cơ thể,…
Phụ nữ có nên cạo lông vùng kín không?
Với các lợi ích trên thì quyết định để lại lông vùng kín là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, nếu lớp lông này quá rậm thì có thể cạo hoặc tỉa bớt để đảm bảo vệ sinh hơn.
Nhưng thường thì việc cạo bỏ lông vùng kín chị em sẽ thực hiện tại nhà. Nếu không cẩn thận sẽ dẫn tới bị thương, viêm nhiễm cao. Đồng thời, nếu cạo lông bằng dao lam hay bằng kéo thì chỉ sau một thời gian ngắn, lông sẽ mọc lại, mọc nhiều hơn và gây ra ngứa ngáy khó chịu. Chính vì lẽ này, nếu có thể hãy giữ lại lông mu hoặc tới các cơ sở uy tín để các chuyên gia triệt lông an toàn hơn.
Có nên cạo lông vùng kín trước khi sinh và khi mang thai?
Việc dọn dẹp “cô bé” trước khi sinh nở tỏ ra khá cần thiết để quá trình đón em bé chào đời diễn ra dễ dàng hơn. Bởi nó giữ vệ sinh cho bé, loại bỏ được các nguy cơ nhiễm trùng nếu mẹ cắt tầng sinh môn, giúp việc rạch và khâu tầng sinh môn dễ dàng hơn.
Còn trước đó, có nên cạo lông vùng kín khi mang thai hay không? Khi mang thai, lông vùng kín sẽ trở nên rậm rạp hơn, các tuyến mồ hôi và chất nhầy cũng tăng cường hoạt động. Đây chính là biểu hiện bình thường của cơ thể. Nhưng thực sự không nên cạo lông vùng kín khi mang thai. Bởi có thể khiến chân lông bị tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây ngứa vùng kín, bị mọc mụn đỏ, mụn mủ. Do đó, để đảm bảo an toàn, tốt nhất chỉ nên vệ sinh vùng kín sạch sẽ mỗi ngày để hạn chế viêm nhiễm.
Như vậy, qua bài viết này, chị em đã hiểu được có nên cạo bớt lông vùng kín hay không và nên cạo sạch lông vùng kín trong trường hợp nào? Để vừa an toàn, tránh viêm nhiễm cũng như tính thẩm mỹ hơn, hãy nhờ sự can thiệp của chuyên gia nếu như muốn “cải thiện” lông mu của mình.
Theo Bích Thành (Phunusuckhoe.vn)