Đánh gừng - Cách phòng chống ho, chữa cảm lạnh cực hiệu quả ai cũng có thể áp dụng
Miền Bắc bước vào giai đoạn rét đậm rét hại mới, khiến hệ miễn dịch dễ dàng bị suy yếu, phát sinh nhiều chứng bệnh về đường hô hấp. Ngay cả với người lớn khỏe mạnh bình thường cũng không loại trừ những chứng bệnh ốm vặt như ho, cảm lạnh vào những ngày rét sâu. Vậy thế nào đơn giản nhất nhưng vẫn phòng chống cho cả gia đình bạn?
Lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) cho biết, đánh gừng có thể ngăn chặn những chứng bệnh thường gặp này, giúp cả người lớn lẫn trẻ nhỏ đều dễ dàng trải qua những ngày đông rét buốt.
Để đánh gừng phòng chống ho, chữa cảm lạnh, bạn cần:
Nguyên liệu
- 2 củ gừng ta bằng 2 ngón tay.
- Muối hạt cỡ một hạt lạc.
Cách làm
- Gừng ta đem rửa sạch, cạo vỏ, giã nát.
- Thêm muối vào gừng rồi bóp đều.
- Bọc hỗn hợp vào khăn vải.
Cách dùng
Dùng hỗn hợp gừng muối để đánh vào các chỗ sau mỗi đường 30 lần:
- Phía sau dọc lưng từ trên xuống theo 3 đường: 1 đường gồ gân lưng ở 2 bên sống lưng (kinh bàng quang) và đường giữa cột sống lưng.
- 2 bên thắt lưng từ phía bụng vào giữa sống lưng.
- phía trước dọc từ cổ qua rốn xuống bụng dưới chỗ cạp quần.
- Lưu ý: Riêng với trẻ nhỏ thì không cần dùng muối, chỉ cần giã gừng vắt lấy nước rồi dùng ngón tay miết, không nên dùng khăn xô vì có thể làm xước da trẻ.
- Sau khi đánh xong mỗi vùng cần lấy máy sấy hơ nóng cho khô.
Đánh gừng giúp phòng chống ho, cảm lạnh đồng thời chữa cả sốt, đau nhức xương khớp...
Theo lương y Bùi Hồng Minh, trong Đông y, gừng là một gia vị rẻ tiền nhưng cũng là thuốc quý. Mùa đông càng không thể không dùng gừng. Chỉ với vài lát gừng, cơ thể bạn như được hồi sinh, thêm khỏe mạnh hơn vào mùa đông.
"Trong Đông y, gừng tươi có vị cay, tính ấm, thơm. Đông y dùng gừng tươi để chữa cảm mạo, phong hàn, ngạt mũi, nhức đầu, đau đầu, nôn mửa, kích thích tiêu hóa, đầy bụng, trướng bụng, giải độc từ cua cá, chim thú nếu có độc, các loại thịt (trừ thịt lợn vì gừng kỵ thịt lợn) khi ăn vào cơ thể", chuyên gia chỉ rõ.
Do đó, đánh gừng hoàn toàn có căn cứ để giữ ấm cơ thể, loại bỏ tính hàn, phòng chống bệnh thường gặp vào mùa đông như ho, cảm lạnh, đặc biệt để dùng để giải cảm vô cùng hiệu quả. Trong đó, chuyên gia nhấn mạnh cần cạo lớp vỏ gừng đi trước khi giã nát vì vỏ gừng có tính lạnh, không tốt để giải cảm.
Đánh gừng cần đánh tập trung vào vùng lưng, bởi lẽ ở đây là nơi tập trung nhiều huyệt đạo quan trọng trong cơ thể. Để giúp cơ thể tránh nhiễm lạnh cần thiết phải kích thích các huyệt đạo ở đây, nhằm đẩy lạnh ra khỏi cơ thể.
Vào mùa đông, đi ngoài đường gió lạnh rồi trở về nhà, cơ thể rất dễ bị nhiễm lạnh, nhất là người già và trẻ nhỏ thì không ra ngoài vẫn có nguy cơ bị do sức đề kháng yếu. Lúc này, đánh gừng là giải pháp tốt nhất ngăn chặn những cơn ho, cảm lạnh tấn công, gây ra các biến chứng bệnh đường hô hấp nguy hiểm hoặc cảm cúm. Đây là giải pháp phòng chống bệnh mùa đông đơn giản nhưng lại đem lại hiệu quả bất ngờ.
Chưa hết, chuyên gia "bật mí" thêm, bài thuốc đánh gừng cũng áp dụng để hạ sốt cho trẻ nhỏ, người lớn bị sốt. Cách làm này đơn giản, không tốn kém lại không hại khí huyết, giúp cơ thể nhanh bình phục.
Đối với người là dân văn phòng hay những ai thường bị đau vai cổ gáy, đau lưng có thể áp dụng bài thuốc đánh gừng. Hoặc người bị thấp khớp, người bị đau nhức cơ thể do trái gió trở trời, bị cảm cúm... cũng đều có thể áp dụng bài thuốc đánh gừng giải cảm, loại bỏ hàn khí ra khỏi cơ thể, từ đó cơ thể luôn được giữ ấm, trở nên khỏe khoắn, hết bệnh tật. Do đó, vào những ngày rét sâu, người đau mỏi, ê ẩm, xương khớp nhức đau, mọi người nên thủ sẵn trong nhà ít gừng tươi để loại bỏ hàn khí theo cách đơn giản này.
Ngoài phương pháp đánh gừng, chúng ta cũng có thể dùng gừng để làm thành các món đồ uống phòng chữa cảm lạnh, cảm cúm cũng rất tốt như nước gừng mật ong, nước gừng chanh, nước gừng quế... cũng đem lại công dụng phòng chống nhiễm lạnh cho cơ thể rất tốt.
Theo Tiểu Nguyễn (Trí Thức Trẻ)