Các bác sĩ Nam khoa cho biết, dù đối tượng can thiệp là đàn ông, nhưng không ít ca, bác sĩ phải "điều trị" luôn cho những bà vợ, bạn tình của các quí ông. Bởi nhiều trường hợp trước mặt bác sĩ, người nhà, vợ lại vô tình… “bán đứng” chồng mình, khiến các quí ông vốn đang yếu lại càng thêm... yếu!
Nam (28 tuổi, Hà Nội) là một anh chàng đẹp trai, cao to, con nhà nề nếp. Dù là thanh niên thế hệ mới, nhưng Nam rất truyền thống, nhất định không “ăn cơm trước kẻng”, giữ cho mình và vợ đến ngày cưới. Chuyện sẽ không sao, nếu 9 tháng sau ngày cưới, Quỳnh - vợ Nam vẫn còn… “zin”, cũng bởi Nam có vấn đề “chỗ ấy”. Nam sợ đến mức trốn vợ, bi quan và nghĩ đến chuyện xa nhau. Nhưng Quỳnh lại không chấp nhận chuyện đó được, không thể lấy chồng mà vẫn còn “nguyên”, rồi còn con cái nữa chứ. Nghĩ là làm, Quỳnh gọi cả mẹ chồng, chị chồng dắt Nam đi khám nam khoa.
Vào phòng khám, khi thấy bác sĩ hỏi han, Nam lý nhí: “Em hơi yêu yếu anh ạ!”. Rồi khi chồng còn đang vò đầu tìm thêm từ để diễn tả khổ cảnh của mình thì Quỳnh nhảy bổ vào cướp lời ngay: “Yêu yếu là thế nào, yếu quá ấy chứ! Em làm hết cách rồi, kiểu gì cũng thử qua hết rồi mà vẫn hỏng bét”. Giọng Quỳnh không giấu được sự thất vọng, bức xúc. Anh chồng trẻ ngớ người, đỏ mặt, tắt lịm lời muốn nói, mặt cúi gằm.
Các chuyên gia chia sẻ, trong "chuyện ấy", nếu vợ thiếu đi sự tế nhị, phối hợp, động viên chồng, lại tạo sức ép sẽ khiến tình trạng càng trầm trọng hơn. ảnh minh họa |
BS Nguyễn Thế Lương, Giám đốc Trung tâm Nam khoa Andos (Hà Nội) - người trực tiếp điều trị cho Nam kể lại, lúc này, anh phải mời người nhà của bệnh nhân ra ngoài để trao đổi riêng với Nam. Cuối cùng bác sĩ phát hiện, thực tế người chồng mỗi ngày về nhà chỉ việc đối phó với vợ đã rất khó khăn, mệt mỏi.
Câu chuyện của anh chồng trẻ bị cô vợ vô tư, mạnh bạo “bán đứng” ở phòng khám khiến BS Nguyễn Thế Lương suy nghĩ mãi. Hóa ra, khi thấy chồng yếu sinh lý, thay vì tế nhị cùng nghĩ cách chữa trị, Quỳnh lại “tố” với mẹ chồng, chị chồng… Có lần, trong bữa liên hoan với đại gia đình, Quỳnh còn "buôn": "Anh ấy có mỗi cái việc đó còn làm không nên hồn” khiến Nam chỉ muốn chui xuống hố.
“Tôi mất khá nhiều thời gian để điều trị tâm lý, thuốc thang cho Nam. Đồng thời cũng phải có “bài” tâm lý với Quỳnh. Nhiều lúc phải trao đổi từng chút một. Nam bị tác động tâm lý rất nặng nề, rối loạn cương do vợ quá mạnh mẽ. Vợ càng mạnh mẽ, đòi hỏi, Nam càng sợ hãi, áp lực. Do đó, có khi tôi trò chuyện với vợ bệnh nhân còn nhiều hơn cả với bệnh nhân”, BS Nguyễn Thế Lương chia sẻ.
Với ca này, một tháng sau khi đến gặp bác sĩ, kết quả vẫn chưa khả quan. BS Nguyễn Thế Lương băn khoăn lắm. Gọi hai vợ chồng đến trao đổi lại, bác sĩ mới vỡ lẽ. Có những hôm chồng đang chuẩn bị thì vợ lại sốt sắng: “Thế nào, đã sẵn sàng chưa?”. Chồng lại càng áp lực, lại “không ra gì”. Vì thế về sau bác sĩ phải trao đổi nhiều hơn với người vợ để bớt tạo áp lực lên chồng. Hơn 3 tháng sau, mọi việc bắt đầu cải thiện dần, sau 7 tháng người vợ có bầu. Hôm người chồng quay lại khám thì vợ gọi điện khoe bác sĩ: “Dạo này tốt rồi đấy bác sĩ ơi”.
Vợ không hợp tác, chồng càng yếu hơn
Một nghiên cứu cách đây không lâu tại Hà Nội và TPHCM cho thấy, tỉ lệ bệnh nhân mắc xuất tinh sớm ở đàn ông Việt Nam là 31%, tức là cứ 3 quý ông thì có một ông “dính”. Điều đáng lưu ý là có tới 90% bệnh nhân xuất tinh sớm không đi khám. Còn đối với các trường hợp rối loạn cương dương, hiện chưa phát hiện nguyên nhân, nhiều người đổ lỗi cho tâm lý. Tuy nhiên thực chất 90% do thực thể, 10% do tâm lý. Dù vậy, đa phần đều cần tư vấn về tâm lý, nếu không việc điều trị sẽ thất bại. Nhiều bệnh nhân luôn sẵn tâm lý một lần “ngã ngựa” thì lần sau cố gắng tốt hơn nhưng càng "cố" càng khó khăn, cũng vì vợ không hợp tác, lại vô tình gây áp lực như trường hợp bệnh nhân Nam trên đây.
Bên cạnh đó, kiến thức về sức khỏe sinh sản của nam giới hiện còn kém hơn phụ nữ, cũng như ý thức đi viện khám của nam giới còn hạn chế. Nhiều người thay vì đi gặp bác sĩ lại tin tưởng tuyệt đối vào lời rỉ tai, truyền miệng của các quý ông khác trên bàn nhậu. Chỉ khi nào thực sự không còn cách nào khác, họ mới đi khám. Hoặc đi trong tình trạng “cưỡng bức” của vợ, tức không phải do các ông chồng chủ động mà từ chính nhu cầu, mong muốn của các bà vợ.
“Có người vợ đưa chồng đến khám rồi chốt ở ngoài cửa để “canh chừng”. Có ông chồng được vợ mua phiếu, đặt lịch bác sĩ, đến nơi chỉ đi đi lại lại, không dám bước vào phòng. Lại có ông được vợ đưa đến viện khám chỉ chờ vợ đi xong là cũng “chuồn”. Có ông bị rối loạn cương dương 6 - 7 năm không chịu đi khám. Đến lúc đặt lịch khám cho chồng là vợ; hộ tống chồng đi khám cũng vợ; gọi điện cho bác sĩ để kiểm tra “Chồng em đến chưa?”, “Kết quả như thế nào…” đều là người vợ chủ động, còn ông chồng thì mất tích”, BS Nguyễn Thế Lương kể.
Theo bác sĩ Nam khoa này, vấn đề bản lĩnh đàn ông nhiều khi rất nhạy cảm. Nếu vợ thiếu đi sự tế nhị, phối hợp, động viên chồng, lại tạo sức ép sẽ khiến tình trạng càng trầm trọng hơn. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, một số nước trên thế giới đã hướng những nghiên cứu khoa học cũng như điều trị rối loạn cương dương, rối loạn xuất tinh vào đối tác của quý ông, thay vì chỉ tập trung chữa cho bản thân nam giới. Bởi suy cho cùng, phụ nữ thông minh, tế nhị trong câu chuyện nhạy cảm này cũng còn vì quyền lợi, lợi ích lâu dài của chính họ nữa.
Theo nhiều bác sĩ Nam khoa, không có một công thức chung nào để điều trị rối loạn cương dương hay rối loạn xuất tinh. Mỗi bệnh nhân có một hướng điều trị khác nhau. Do đó, tuyệt đối bệnh nhân không tự ý mua thuốc, dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, việc điều trị các bệnh nam khoa tiến triển tích cực hay không phụ thuộc rất lớn vào yếu tố tâm lý, sự cảm thông, hợp tác của nửa còn lại (vợ/bạn tình). |