Nhung hươu chứa 52,5% protid; 2,5% lipid; chất keo (keratin); 34% muối khoáng gồm canxi và amoni dưới dạng photphat, carbonat, sắt, magiê, chất đạm và một chất nội tiết tố (hormon) gọi là lộc nhung tinh. Nhung hươu có tên thuốc là lộc nhung, có vị ngọt, mặn, tính ấm, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, trợ dương, ích khí, cường tinh, chữa suy nhược thần kinh, yếu sinh lý, liệt dương, di tinh, đau lưng, mồ hôi trộm...
Theo Tây y, nhung hươu giúp tăng sức mạnh cơ bắp, sảng khoái tinh thần, vết thương mau lành, ăn ngủ tốt, lợi niệu và tăng nhu động dạ dày-ruột, chuyển hóa tốt protid và glucid, tạo huyết, bổ tim… dùng chữa các chứng bệnh do thận dương không đủ. Nam giới liệt dương, đái són, váng đầu, ù tai, đau lưng, mỏi gối, trẻ em chậm lớn, chậm biết đi, phụ nữ kinh nguyệt ra quá nhiều, chảy máu tử cung, bạch đới. Những người còn trẻ, sức khỏe bình thường, dùng phải có chỉ định của bác sĩ.
Nhung hươu nấu với nấm hương, bắp cải: nhung hươu 2g, nấm hương 150g, bắp cải 250g, rượu trắng 20g, mỡ lợn, gia vị, gừng, bột lọc, nước đủ dùng. Nhung hươu ngâm vào rượu trắng. Nấm hương ngâm nở, rửa sạch. Bắp cải thái nhỏ, rửa sạch. Cho nước, gia vị, rượu ngâm nhung hươu vào đun sôi, khi nước đặc cho bắp cải, nấm hương và cho 1 ít bột lọc nước đến khi sền sệt là dùng được. Món ăn này có tác dụng ôn thận, trợ dương.
Nhung hươu, cật dê: Nhung hươu 30g, hạt tơ hồng 50g, hồi hương 15g, quả cật dê 1 đôi. Cật dê rửa sạch, nấu chín xay nhỏ. Các dược liệu trên nghiền nát, cho tất cả trộn đều làm thành viên. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 viên với rượu hâm nóng hoặc nước sôi pha muối
Tim lợn hầm nhục thung dung, nhung hươu: tim lợn 200g, nhục thung dung 20g, nhung hươu 15g, rượu, gia vị, gừng đủ dùng. Tim lợn rửa sạch, thái miếng, chần qua nước sôi. Hai vị thuốc trên cho vào túi vải buộc kín. Cho tất cả các thứ trên vào nồi, đổ nước, hầm trong vòng 40 phút, sau đó nêm gia vị vào là dùng được. Mỗi ngày ăn 1 lần. Những người bị suy tim, thận lạnh dẫn tới loãng tinh nên dùng món ăn này.
Theo Bs Đào Sơn (Sức Khỏe & Đời Sống)