Không hiểu sao trong những ngày kinh nguyệt tôi lại có nhu cầu cao chuyện vợ chồng, trong khi ông xã tôi lại rất “dị ứng”. Vì chuyện này mà thỉnh thoảng chúng tôi xung đột. Tôi là phụ nữ không ngại thì thôi…
Trước hết, cơ thể quý cô lúc ấy đang trong cơn “bối rối” tiễn đưa kẻ "hồng nhan bạc mệnh" (trứng rụng không được thụ tinh) nên rất mệt mỏi cả vật chất (mất máu, bong tróc niêm mạc, tiêu hao năng lượng...) lẫn tinh thần (ẩm ướt khó chịu, nhất là vấn đề vệ sinh).
Không chỉ thế, chuyện “cửa nẻo” của các cô lúc này cũng đang trong tình trạng bê trễ. Cụ thể cổ tử cung sẽ hé mở (bình thường khép lại) để thoát dịch kinh nguyệt. Tình trạng an ninh bất ổn như thế là cơ hội đục nước béo cò cho những tác nhân có hại như các loại vi khuẩn gây bệnh. Tương tự, lúc này niêm mạc âm đạo cũng lâm cảnh bất ổn, yếu ớt, dễ tổn thương, hoàn toàn không thích hợp cho những cuộc viếng thăm của lang quân. Sự nhạy cảm của thành trong âm đạo còn có thể biến khoái cảm tình dục thành cực hình.
Tất cả bằng chứng trên ngả về hướng có phần can gián việc ăn nằm trong thời gian kinh nguyệt của quý bà, quý cô. Ngoài ra, nói gì thì nói, tình dục trong lúc các cô ở trong trạng thái kém thoải mái nhất thì khó mong một sự viên mãn. Ngay với quý ông, nếu không phải vì sự thúc bách nào đó thì chẳng mấy ai cố cho được, chỉ với vài tiểu tiết như vấn đề vệ sinh cũng đủ khiến nhiều ông lắc đầu. Chưa nói việc này còn có thể gây hại cho chính quý ông (máu kinh có thể chứa vài kẻ nhân thân đáng ngờ quá giang ngược chiều vào cơ thể quý ông).
Kết quả đã rõ, tuy vậy, trong những tình huống bất khả kháng thì cũng không cần quá nín nhịn, miễn là giữ trong giới hạn vừa phải về tần suất hay cường độ. Riêng với những phụ nữ đang mắc bệnh phụ khoa, rối loạn kinh nguyệt nặng (rong kinh, rong huyết) thống kinh, u bướu có liên quan đến hormon), đương nhiên nên phòng bị hay nói cách khác “tránh voi chẳng xấu mặt nào”.
Theo Bs Đỗ Minh Tuấn (Phunuonline.com.vn)