BS. Nguyễn Quang Minh - Phó Trưởng Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, BV Da liễu Trung ương cho biết có đến 90% bệnh nhân ung thư dương vật ở nam giới có tiền sử hẹp bao quy đầu, khoảng 5-10% còn lại có liên quan đến bệnh lý lây nhiễm qua đường tình dục như mào gà, nhiễm HPV...
Khi bị hẹp bao quy đầu khiến quý ông khó khăn trong việc vệ sinh "chỗ ấy". Điều này dẫn đến tình trạng các chất dịch và chất cặn màu trắng ứ đọng, tích trữ dưới da bọc quy đầu dẫn đến viêm quy đầu, viêm đường tiết niệu. Tình trạng viêm nhiễm mãn tính do hẹp bao quy đầu kéo dài là yếu tố dẫn đến nguy cơ bị ung thư dương vật.
Chính vì thế, bệnh lý này cũng nhiều ở những người ngoài 50-60 tuổi, tuy nhiên những năm gần đây bệnh gặp khá nhiều ở người trẻ, dưới 40 tuổi. Mỗi năm, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhân đên khám, điều trị được chẩn đoán ung thư dương vật và hầu hết trong số này có tiền sử hẹp bao quy đầu - bác sĩ Minh nói.
Ung thư dương vật là u ác tính ở nam giới, thường phát sinh trong rãnh quy đầu hoặc trên quy đầu rồi nhanh chóng khiến cho bao quy đầu không kéo lên được nữa. Ung thư di căn theo đường bạch huyết vào các hạch ở bẹn và sau bìu. Các hạch này thường sưng tấy rất to, lúc đầu còn mềm và đau (do nhiễm khuẩn), về sau vừa to, vừa cứng và không di động. Hạch có thể ăn lan ra ngoài da và bị loét. Có khi ăn sâu xuống dưới, vào mạch máu, gây chảy máu nhiều.
Có rất nhiều dấu hiệu nguy cơ để nghĩ đến ung thư dương vật. Đó là có tình trạng viêm, sưng khi bị hẹp bao quy đầu; bỗng dưng sờ thấy cục ở ngay dưới quy đầu, chạm vào có thể gây chảy máu, hoặc có sùi, loét ở vùng quy đầu cần cảnh giác; xuất hiện vùng da sẫm màu bất thường khác màu da ở dương vật; hay bất cứ dấu hiệu gì thấy nghi ngờ, mọi người cần bỏ qua mặc cảm và đi khám sớm.
Ngoài ra, nam giới cần chú ý vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ; xử lý tình trạng chít hẹp bao quy đầu từ sớm và nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các bệnh lý toàn thân, cũng như bệnh lý dương vật sớm để được điều trị kịp thời.
Từ nguyên nhân 90% do bệnh lý hẹp bao quy đầu của bệnh ung thư dương vật, bác sĩ Minh khuyến cáo các bậc cha mẹ kiểm tra bao quy đầu cho trẻ từ khi còn nhỏ, nếu có hẹp bao quy đầu nên xử trí càng sớm càng tốt. Thông thường trẻ sơ sinh bị hẹp bao quy đầu sinh lý khi mới đẻ nhưng việc vệ sinh kém hoặc thủ thuật lộn tách bao quy đầu không đúng có thể dẫn đến hẹp bao quy đầu bệnh lý.
Để phòng tránh hẹp bao quy đầu cho trẻ trai, giới chuyên môn khuyến cáo cha mẹ có thể thực hiện nong nhẹ nhàng bao quy đầu bằng tay về phía gốc dương vật, mỗi ngày và dần dần thường làm khi trẻ đang tắm trong chậu nước hoặc sau khi tắm cho trẻ nằm ngửa trên giường. Việc này phải được làm hàng ngày bằng cách lộn nhẹ nhàng ra và rửa bằng nước sạch.
Những trường hợp trẻ ở tuổi dậy thì (14-15 tuổi hoặc sớm hơn) nếu không tự lộn được bao quy đầu nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, điều trị, phòng tránh nguy cơ ung thư "cậu nhỏ" và ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này.
Theo Hòa Thuận (Tiền Phong)