Quan trọng hơn là bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và nguy cơ bị vô sinh.
Tác nhân lây truyền qua đường tình dục
Các bệnh lây qua đường tình dục là tình trạng nhiễm khuẩn hoặc bệnh được truyền từ người nọ sang người kia do nhiều tác nhân. Thông thường thì các tác nhân này lây truyền qua hoạt động tình dục (giao hợp qua đường âm đạo, đường miệng hoặc đường hậu môn) không được bảo vệ với người đang mang bệnh. Ngoài ra còn lây qua mẹ truyền cho con khi có thai, khi cho con bú và các dụng cụ tiêm, chích. Các tác nhân gây bệnh rất đa dạng bao gồm: vi khuẩn, virut, liên thể vi khuẩn và virut...; Ký sinh trùng… Hầu hết các bệnh LTQĐTĐ đều làm cơ thể chúng ta trở nên yếu hơn, đặc biệt có thể gây sẩy thai, vô sinh, truyền bệnh từ mẹ sang con, gia tăng nguy cơ ung thư...
Ðiểm mặt bệnh thường gặp
Bệnh lậu
Là một bệnh nhiễm khuẩn, do song cầu gram (-) Neisseriagonorhoeae gây nên. Bệnh thường lây trực tiếp qua quan hệ tình dục không bảo vệ đường âm đạo, hậu môn và sinh dục-miệng. Các bộ phận khác cũng có thể bị nhiễm bệnh như hậu môn-trực tràng, họng, mắt. Hàng năm, trên toàn cầu có khoảng 62 triệu trường hợp mới mắc bệnh lậu, khu vực Đông và Đông Nam Á có 29 triệu trường hợp. Việt Nam, theo ước tính thì có khoảng vài chục ngàn trường hợp mỗi năm. Trẻ sơ sinh có thể bị viêm kết mạc mắt do đẻ qua đường sinh dục người mẹ bị bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở lứa tuổi 15-35. Triệu chứng bệnh lậu ở nam giới sẽ bộc phát ra ngoài sau khi giao hợp 2-5 ngày với các triệu chứng đái dắt, buốt, có mủ đặc màu vàng chảy ra theo. Đau dọc theo niệu đạo mỗi khi đi tiểu tiện, ngứa ngáy ở niệu đạo. Ngứa nhiều ở quy đầu và xung quanh dương vật bị tấy đỏ. Đa số các trường hợp ở nam giới sẽ thấy chất nhày như nhựa chuối chảy ra ở niệu đạo vào sáng sớm, lúc ngủ dậy và khi đi tiểu. Đau rát khi giao hợp, hay bị cường dương, đau rát khi dương vật cương lên. Người bệnh mệt mỏi hoảng hốt, nổi hạch bẹn, có thể kèm theo sốt. Tuy nhiên, cũng có trường hợp không bộc lộ dấu hiệu gì, chính vì thế nên chủ quan không điều trị hoặc điều trị không tích cực dẫn đến mạn tính. Biến chứng của bệnh là viêm mào tinh, viêm tuyến tiền liệt, viêm niệu đạo, viêm túi tinh, viêm ống dẫn tinh. Để chẩn đoán bằng xét nghiệm nước tiểu hoặc dịch tiết xem có song cầu khuẩn (tức vi khuẩn lậu cầu) thì cần điều trị tích cực bằng kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống theo mách bảo, không đúng và không đủ liều sẽ trở thành mạn tính và có thể gây hậu quả vô sinh.
Bệnh rộp sinh dục
Bệnh mụn rộp sinh dục hay còn gọi là Herpes sinh dục là bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục do virut Herpes Simplex gây ra. Các virut này xâm nhập cơ thể qua dịch nhầy, khả năng lây nhiễm qua đường tình dục cao. Biểu hiện của bệnh là những mụn nước nhỏ hay những nốt nhú trên niêm mạc vùng hậu môn hay vùng cơ quan sinh dục (ở âm hộ, dương vật và bìu). Các mụn nước mọc thành chùm có thể tiến triển thành những ổ loét; thường kèm đau (cảm giác bỏng rát, nhoi nhói) và ngứa tại chỗ, càng đau hơn khi bị dính nước tiểu. Các tổn thương cũng có thể không nhìn thấy nếu như phát triển trong âm đạo, thậm chí cả trên cổ tử cung hay trong niệu đạo của nam giới. Nếu bệnh mụn rộp không phát hiện và điều trị kịp thời rất dễ để lại các biến chứng và hậu quả khôn lường. Bệnh rất dễ lây trong đợt bùng phát: ngay khi xuất hiện các dấu hiệu cho đến khi lành sẹo hoàn toàn các tổn thương. Do đó, nên cố gắng tránh hoàn toàn quan hệ tình dục khi có đợt bùng phát. Về điều trị: mụn rộp sinh dục có thể điều trị để hạn chế các đợt bùng phát nhưng không thể làm hết hẳn virut vì virut sẽ ở lại trong cơ thể suốt đời. Dù là bị nhiễm lần đầu hay tái phát thì dùng thuốc chống virut (acyclovir) theo đường toàn thân trong 10 ngày cũng có thể hạn chế được cường độ và thời gian của đợt bùng phát. Nếu phụ nữ đã từng mắc mụn rộp muốn có thai phải đi khám và thông báo với bác sĩ tình trạng bệnh để cần được điều trị theo đúng chuyên khoa, tránh mọi nguy cơ lây nhiễm cho trẻ. Mụn rộp nguyên phát và mụn rộp cổ tử cung thường gây sẩy thai và đẻ non. Trong số những trẻ sinh ra bởi các bà mẹ mắc bệnh mụn rộp thì một nửa sẽ chết hoặc có tổn thương thần kinh
Một số dấu hiệu cần đi khám
Nếu bạn đã quan hệ tình dục không an toàn, cần chú ý các triệu chứng cơ bản của một số bệnh LTQĐTD như sau:
Có dịch bất thường chảy ra từ âm đạo hoặc đầu dương vật.
Hậu môn hoặc cơ quan sinh dục bị ngứa, đau, đỏ, rát hoặc có các nốt, các vết loét bất thường. Các tổn thương này có thể đau hoặc không đau.
Tiểu đau, buốt hoặc rát, hoặc tiểu nhiều hơn bình thường.
Đau bất thường ở vùng bụng dưới mà không liên quan gì tới chu kỳ kinh nguyệt.
Đau khi giao hợp hoặc có ra máu sau quan hệ tình dục…
Khi thấy có một trong những biểu hiện trên, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, xét nghiệm chẩn đoán bệnh chính xác và điều trị đúng. Không được tự ý dùng thuốc, cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ là dùng thuốc đúng liều, đủ thời gian, không bỏ thuốc khi thấy đỡ triệu chứng. Khi dùng hết thuốc, nên đi khám lại để được biết bệnh đã khỏi hẳn hay cần điều trị tiếp.
Theo BS. Nguyễn Kim Dung (Sức Khỏe & Đời Sống)