Trái cây rất tốt cho sức khỏe nhưng cũng cần phải ăn với lượng vừa phải và không phải bất cứ ai cũng có thể ăn một cách bừa bãi. Ông Vương, 60 tuổi ở Thiểm Tây, Trung Quốc đã được đưa tới bệnh viện sau khi chân tay ông đột nhiên bị tê liệt. Các bác sĩ kiểm tra xong nhận thấy tình trạng của ông khá nghiêm trọng nên đã lập tức báo cho gia đình ông.
Sau khi tiến hành làm xét nghiệm sâu hơn, họ đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra tình trạng tê liệt cơ thể của ông Vương có liên quan đến thói quen ăn quá nhiều trái cây. Vì tin rằng ăn càng nhiều trái cây càng tốt cho sức khỏe nên trong 1 tuần, ông đã ăn hết 2,5kg chuối và 3kg cam.
Tuy nhiên không ngờ sau đó ông lại phải nhập viện và nguyên nhân chính là do thận của ông Vương hoạt động vốn không tốt, các loại hoa quả ông ăn lại có hàm lượng kali cao, điều này dễ gây thêm tổn hại cho thận khiến cơ quan này không kịp thời loại bỏ kali, từ đó làm tăng kali trong máu. Theo Healthline, trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, điều này có thể gây tê liệt hoặc ngừng tim và gây nguy hiểm cho tính mạng.
Bác sĩ khuyên rằng những người mắc bệnh thận không nên tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều kali như khoai tây, cà chua, chuối, dưa đỏ và nhiều thứ khác để thận không bị làm việc quá sức.
Ăn nhiều trái cây có tốt cho sức khỏe?
Các chuyên gia cho biết, với những người khỏe mạnh, việc ăn nhiều trái cây sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe nếu lượng trái cây đó là một phần của chế độ ăn bình thường.
Tuy nhiên, tiêu thụ nhiều trái cây có thể đi kèm với một số nhược điểm. Tiến sĩ Adam Drewnowski, giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng Sức khỏe Cộng đồng tại Đại học Washington cho biết: “Một lượng trái cây dư thừa có thể khiến bạn bị tiêu chảy.”
Một điều quan trọng bạn cần phải ghi nhớ đó là uống nước ép trái cây hoặc sinh tố trái cây không hiệu quả giống như ăn trái cây nguyên chất. Một số bằng chứng gần đây, bao gồm cả một nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Harvard năm 2013, đã chỉ ra rằng nước trái cây làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Tác giả Lustig cho biết cả hai loại nước uống này đã được loại bỏ các chất xơ không hòa tan giúp hạn chế sự hấp thụ nhanh chóng của đường trong ruột non. Mặc dù một cốc sinh tố có lẽ tốt hơn so với nước trái cây hoặc soda, nhưng vẫn có thể gây ảnh hưởng tới insulin, góp phần vào bệnh lý trao đổi chất.
Theo Huffington Post, chuyên gia dinh dưỡng Beth Warren, đồng thời là tác giả của cuốn Living A Real Life with Real Food khuyên mọi người nên ăn hoa quả khoảng 6 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 3 giờ. Bạn có thể chọn hoa quả khi ăn nhẹ, giữa bữa sáng và bữa trưa, giữa bữa trưa và bữa tối.
Theo Hoàng Dương (Khampha.vn)