Các triệu chứng tim mạch có thể xuất hiện khi “yêu”
Trong lúc quan hệ tình dục, tim đập nhanh hơn và mạnh hơn, da bạn sẽ đỏ lên và ẩm hơn. Đó là những biểu hiện bình thường, không phải triệu chứng của tăng gánh nặng cho tim.
Tuy nhiên, đối với người bệnh tim mạch có thể gặp các triệu chứng của cơn đau thắt ngực (tương tự đau ngực do bệnh mạch vành). Những triệu chứng đau thắt ngực cho thấy tim bạn đang phải hoạt động quá tải bao gồm: Cảm giác nặng, đau, tức ở hàm, cổ, tay, ngực, hoặc bụng; khó thở rõ rệt; nhịp tim rất nhanh hoặc không đều...
Nếu gặp bất kì triệu chứng nào kể trên khi đang quan hệ tình dục, hãy nói cho bạn tình biết. Giảm các hoạt động, cần nghỉ ngơi và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Viên nitroglycerin, ngậm dưới lưỡi hoặc loại xịt dưới lưỡi cách nhau mỗi 12-15 phút, có thể có tác dụng. Khi các triệu chứng mất đi, bạn có thể tiếp tục quan hệ tình dục.
Nếu thuốc không làm giảm triệu chứng, hoặc triệu chứng lại xuất hiện khi tiếp tục quan hệ tình dục, hãy ngừng lại và đi khám bác sĩ.
Vai trò của bạn tình
Bệnh nhân tim mạch thường không phải là người duy nhất phải đối đầu với bệnh tật. Vợ hoặc chồng, hay người yêu của họ cũng có thể lo lắng hay trầm cảm. Những suy nghĩ của vợ cũng như của chồng hoặc ngược lại có thể làm tăng sức ép lên quan hệ giữa hai người. Cả hai cùng phải quan tâm, tôn trọng và cố gắng thấu hiểu, chia sẻ những tâm tư của người kia.
Thông thường thì người vợ (chồng) sẽ băn khoăn, lo lắng về nguy cơ xuất hiện triệu chứng trong lúc đang sinh hoạt tình dục. Nếu vợ/chồng đã gặp vấn đề trong sinh hoạt tình dục trước khi phát bệnh tim, sự việc có thể càng tồi tệ hơn sau một cơn đau tim hay phẫu thuật tim. Hãy cùng trao đổi những suy nghĩ, các căn nguyên của vấn đề, và cùng nhau đưa ra hướng giải quyết. Những vấn đề không được giải quyết có thể dẫn tới các hậu quả nặng nề hơn về thể chất, tâm lý, xã hội. Cả hai cùng nhau trao đổi về nhu cầu tình dục và các mối lo ngại sẽ đương đầu tốt hơn với bệnh tật. Sự gần gũi và thẳng thắn sẽ giúp cả hai sớm bắt đầu lại đời sống tình dục và có cảm giác dễ chịu hơn. Hai người cũng có thể trò chuyện với nhân viên y tế về những lo lắng chung.
Cần làm gì duy trì đời sống tình dục?
Duy trì những thói quen giữ gìn sức khoẻ như ăn uống điều độ, tập thể dục, nghỉ ngơi, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tập thể dục giúp người bệnh cảm thấy khoẻ mạnh và tự tin hơn. Các hoạt động thể chất bao gồm đi bộ, chạy bộ, bơi, đạp xe, và khiêu vũ có thể giúp giảm nguy cơ tăng nhịp tim, khó thở, hay đau ngực trong lúc quan hệ tình dục.
Nếu đang hút thuốc lá, hãy ngừng hút ngay.
Người bệnh có thể cảm thấy dễ tổn thương sau một biến cố tim mạch và cảm xúc có thể thay đổi nhanh chóng, thoắt vui thoắt buồn, dễ sung sướng, dễ cáu giận. Những biến đổi xúc cảm đột ngột ấy chỉ là tạm thời. Cả hai cần kiên nhẫn với nhau. Sự hài hước và lạc quan sẽ giúp ích trong trường hợp này.
Tránh vội vã sinh hoạt tình dục chỉ để chứng tỏ mọi việc đã “hoàn toàn trở lại bình thường”. Phần lớn mọi người đều phải điều chỉnh đời sống tình dục sau đợt bệnh tim. Hãy quay trở lại một cách từ từ và để mọi chuyện diễn tiến tự nhiên.
Lựa chọn thời điểm cả hai đều cảm thấy thoải mái và thư giãn.
Đừng quan hệ tình dục quá sớm sau khi ăn, hãy đợi hai hoặc ba tiếng đồng hồ để bạn có thời gian tiêu hoá thức ăn. Tương tự những hoạt động thể chất khác, việc tiêu hoá thức ăn cũng đòi hỏi được cấp máu, và tim bạn sẽ phải hoạt động nhiều hơn.
Uống thuốc theo đơn của bác sĩ trước khi quan hệ tình dục.
Sau một đợt bệnh tim, hầu như mọi người sẽ không thay đổi các tư thế quan hệ tình dục hay những động tác kích thích. Tuy nhiên, có thể thay đổi đôi chút sẽ tốt hơn. Lấy ví dụ, người có bệnh tim mạch sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi nằm dưới. Tuy nhiên với tư thế này, vết rạch da sau phẫu thuật tim có thể gây khó chịu cho hai bạn. Trong trường hợp ấy, hãy nằm nghiêng người. Tư thế này giúp giảm áp lực đè lên thành ngực và giúp người bệnh dễ thở hơn.
Nếu khó thở, hai người sẽ ưa thích tư thế ngồi trên ghế, quay mặt vào nhau. Tốt nhất là chọn ghế có chân đế rộng và đủ thấp để cả hai đều có thể thả chân thoải mái trên sàn nhà...
Nên ”bắt đầu” khi nào sau biến cố tim mạch?
Việc duy trì quan hệ tình dục sẽ giúp hai bên cảm thấy gần gũi nhau hơn. Nó giúp khơi gợi lại những cảm xúc dịu dàng và lãng mạn. Sau một cơn đau tim hay phẫu thuật tim, quan hệ tình dục đúng mực sẽ giúp giải toả stress và giúp người bệnh thấy tự tin hơn, tin yêu vào cuộc sống hơn và vững vàng hơn trong cuộc chiến đấu chống bệnh tật tim mạch.
Khi đã hồi phục sau một cơn đau tim, người bệnh sẽ hay để ý hơn về nhịp tim, nhịp thở, cũng như tình trạng căng cơ. Điều này hoàn toàn bình thường, đừng lo lắng gì cả.
Những cử chỉ ôm ấp hay vuốt ve bạn tình mà không nhằm mục đích đạt cực khoái, các bạn vẫn có cảm giác được yêu thương và che chở mà không phải gắng sức thể lực quá nhiều. Khi tự tin hơn, bạn sẽ thấy thư giãn hơn với bản thân và với bạn tình của mình.
Hoạt động giao hợp đòi hỏi nhiều năng lượng hơn đôi chút. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn đợi đến khi sức khoẻ khá lên. Đa số bắt đầu lại chuyện giao hợp khoảng 4 đến 6 tuần sau cơn đau ngực. Những bệnh nhân không có biến chứng có thể sớm hơn, sau 7 đến 10 ngày. Đối với phẫu thuật tim mạch, khoảng thời gian này thường là 2 đến 3 tuần. Theo ước tính, nếu bạn có thể đi bộ lên 3 tầng thang gác một cách bình thường, bạn có thể trở lại hoạt động tình dục một cách từ từ và bình thường. Nhiều người duy trì thói quen tình dục như trước. Tuy nhiên, một số có giảm sút hoạt động tình dục, có thể do lo lắng, do trầm cảm, hay giảm ham muốn. Cách chăm sóc và tư vấn y tế, cùng với thời gian, sẽ giúp giải quyết vấn đề này.
Thuốc điều trị có ảnh hưởng đến đời sống tình dục?
Rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh tim có thể ảnh hưởng tới ham muốn và hành vi tình dục của người bệnh: Thuốc hạ huyết áp; thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm; một vài loại thuốc chống đau, co thắt ngực; thuốc chống loạn nhịp tim...
Những thuốc trên có thể tác động tới hành vi và chức năng tình dục. Nam giới có thể gặp rối loạn cương (bất lực), xuất tinh sớm hoặc không thể xuất tinh. Nữ giới có thể giảm tiết dịch âm đạo, đau đớn khi giao hợp. Một số phụ nữ không thể có hưng phấn, hoặc không thể đạt được cực khoái (rối loạn khoái cảm).
Tuy nhiên, các biến đổi trên có thể do một nguyên nhân nào đó khác ngoài thuốc. Nếu gặp phải hiện tượng này bệnh nhân không nên vội vàng dừng thuốc mà hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về chuyện này và luôn phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của việc dùng thuốc. Bác sĩ sẽ điều chỉnh về loại thuốc hay liều dùng giúp bệnh nhân giải quyết vấn đề trên.
Theo PGS. TS. Phạm Mạnh Hùng (Sức Khỏe & Đời Sống)