Ngứa vùng sinh dục – hậu môn

29/08/2017 15:52:00

Tôi thường xuyên bị ngứa vùng sinh dục, hậu môn, đã điều trị nhưng không khỏi. Vậy tôi xin hỏi, nguyên nhân và cách điều trị bệnh trên?

Tôi thường xuyên bị ngứa vùng sinh dục, hậu môn, đã điều trị nhưng không khỏi. Vậy tôi xin hỏi, nguyên nhân và cách điều trị bệnh trên?

Ngứa là do phản ứng của xung thần kinh khi bị kích thích bởi chất trung gian chủ yếu là histamin, và một số chất khác như bradykinin, neurotensin, secreconin… Khi các dưỡng bào dưới da bị kích thích bởi một tác nhân nào đó, nó tiết ra các hóa chất trung gian kể trên, đa số là histamin; histamin được giải phóng liên kết với những thụ quan đặc biệt trên đầu mút dây thần kinh, tạo ra cảm giác ngứa ngáy và làm vùng da quanh đó bị đỏ lên. Cảm giác này truyền lên não, não thu nhận và xử lý thông tin, ngay lập tức sẽ hình thành phản xạ trả lời kích thích, thông thường đó là phản xạ dùng tay gãi hoặc cọ sát vào vùng bị ngứa.

Ngứa vùng sinh dục – hậu môn
 

Về nguyên nhân, ngứa vùng hậu môn sinh dục có thể là ngứa khu trú tại vùng này hoặc kèm theo ngứa toàn thân. Ngứa có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh khác nhau; chẳng hạn do một số bệnh ngoài da vùng sinh dục hậu môn như: côn trùng đốt, mày đay, nấm da, viêm da thần kinh, viêm da dị ứng, trong viêm da do tiếp xúc với xà phòng, với nước hoa hay cả với nước để tắm, quần; bệnh do ký sinh trùng như: ghẻ ngứa, giun kim, chấy rận, ghẻ, bệnh do viêm nhiễm đường sinh dục gây khí hư như nhiễm Trichomonas vaginalis, nhiễm nấm Candida albicans… Ngoài ra còn có thể ngứa do tâm lý, thường thấy ở những bệnh nhân bị bệnh lo âu hay trầm cảm…

Về điều trị, ngứa vùng hậu môn sinh dục chỉ là một triệu chứng, không phải là một bệnh; cho nên tùy theo nguyên nhân mà có cách điều trị thích hợp; bên cạnh điều trị nguyên nhân gây bệnh, điều trị triệu chứng ngứa là rất quan trọng, hơn nữa không phải lúc nào ngứa cũng tìm ra nguyên nhân. Để điều trị triệu chứng ngứa, thật tốt, trước tiên bệnh nhân cần tránh ăn đồ ăn cay, thức ăn thuộc nhóm dễ gây dị ứng như: bò gà, tôm, cua, cá biển, sò, hến…, các thức uống như rượu, cà phê, tránh thuốc lá. Cần tránh táo bón bằng cách ăn nhiều rau, trái cây, uống nhiều nước, tăng cường vận động. Cần vệ sinh kỹ vùng hậu môn sinh dục sau khi tiểu tiện, cần rửa bằng nước sạch, để tránh phân, nước tiểu dính lại, vì đây cũng là  nguyên nhân gây ngứa. Với nữ sau mỗi lần đi tiểu cần phải dùng giấy vệ sinh thấm sạch; cần thay đồ lót hàng ngày, không mặc đồ lót quá chật. Với nam, khi không cần thiết không cần mặc đồ lót, nên chọn đồ cotton thay cho đồ nylon; tránh đi xe đạp hoặc cưỡi trâu, bò, ngựa vì có thể ngây ngứa vùng hậu môn sinh dục.

Về sử dụng thuốc, có thể dùng các thuốc chống ngứa thông thường để bôi tại chỗ, tuy nhiên trước khi dùng cần được chỉ định của thầy thuốc nhất là nhóm thuốc có corticoid như eumovat, flucinar…  Khi ngứa có thể uống 1 viên kháng histamin như Aerius 5mg hay Loratadine 10mg, liều dùng 1 viên duy nhất trong ngày, hoặc Cetirizin 10mg vào buổi tối.

Theo BS. CKI. Trần Quốc Long (Sức Khỏe & Đời Sống)

Nổi bật