3 tháng đầu: Về cảm xúc, cả đôi bạn tình/vợ chồng đều có thể tăng ham muốn tình dục vì không còn lo phải dùng các biện pháp tránh thai nhưng đồng thời cũng nảy sinh tâm lý làm mẹ khiến nhiều phụ nữ ngại quan hệ tình dục. Một số khác cho biết họ nghĩ nhiều đến tình dục hơn, kể cả có trong giấc ngủ. Về thể chất, vú có những thay đổi nhanh nhất và trở nên nhạy cảm hơn về sự dễ chịu cũng như về ngưỡng đau. Cảm giác buồn nôn và mỏi mệt làm giảm hứng khởi tình dục. Lo ngại sẩy thai có thể hạn chế quan hệ tình dục hoặc làm giảm khoái cảm. Cảm giác đỉnh điểm có vẻ như đến chậm...
3 tháng giữa: Nhiều phụ nữ nhìn dễ coi và hấp dẫn hơn vào giai đoạn này do có một gương mặt mới, tươi tỉnh hơn so với 3 tháng đầu. Người chồng có thể sợ làm tổn thương đến thai cho nên cũng nhẹ nhàng, từ tốn hơn trong quan hệ tình dục, nhất là khi thai đã máy (đã có cử động cảm nhận được). Âm đạo phụ nữ cũng trơn ướt hơn, xung huyết hơn ở cả âm đạo và âm vật, vì thế nhiều phụ nữ dễ đạt đỉnh điểm, có người lần đầu tiên có khoái cảm đỉnh điểm hơn 1 lần kể từ khi mang thai. Có tác giả cho rằng, khoái cảm đỉnh điểm có sự khác biệt rất nhiều khi đang mang thai nhưng an toàn và còn tốt cho cả mẹ và thai (vì hormon tạo ra trạng thái sảng khoái sau khi có khoái cực cũng truyền cho thai).
3 tháng cuối:
Phụ nữ chuẩn bị làm mẹ có thể nghĩ rằng cơ thể mình không còn hấp dẫn chồng nữa. Ngược lại, phần đông nam giới vẫn thấy vợ hấp dẫn dù mang thai. Sự trao đổi giữa vợ chồng có ý nghĩa rất quan trọng để có một đời sống tình dục hài hòa, kể cả khi có thai cũng như suốt cuộc đời. Một tư thế tình dục thích hợp ở giai đoạn này là cần thiết nhưng phụ nữ nên nằm nghiêng, nằm úp thìa, nằm cao mông hay nằm trên (ngay từ tuần thứ 16, phụ nữ mang thai đã không nên nằm ngửa trong quan hệ tình dục). Đôi khi có cơn co thắt tử cung khi diễn ra khoái cảm đỉnh điểm nhưng không giống như cơn co trong chuyển dạ và không kéo dài. Nếu quan hệ tình dục vào những ngày sắp đẻ thì có thể có những cơn co tử cung kéo dài khoảng nửa giờ.
Khoái cảm đỉnh điểm khi đang mang thai có thể không đem lại cảm giác thỏa mãn như thông thường, nhất là vào giai đoạn cuối. Khi đầu thai nhi đã ở sâu trong tiểu khung, phụ nữ có thể đau hoặc ra máu ít sau quan hệ tình dục nhưng không báo hiệu điều gì bất thường.
Quan hệ tình dục khi mang thai không phải là tác nhân gây sẩy thai, đẻ non hay chuyển dạ. Tuy nhiên, cần tránh quan hệ tình dục khi mang thai nếu như có tiền sử sẩy thai, đẻ non, đang ra nước, ra máu, có bệnh lây truyền qua đường tình dục (ở bản thân hay ở bạn tình).
Không muốn quan hệ tình dục khi mang thai cũng có thể xem là chuyện hoàn toàn bình thường (mặc dù nhiều phụ nữ lại bộc lộ điều ngược lại) và đối với tuyệt đại đa số phụ nữ mang thai, quan hệ tình dục cũng hoàn toàn an toàn (trừ một số trường hợp).
Quan hệ tình dục sau đẻ, đừng vội...
Một điều cần lưu ý các ông chồng là chỉ khi người phụ nữ đã cảm thấy khỏe khoắn về thể chất và tâm lý.
Trong đại đa số trường hợp, những lần quan hệ tình dục đầu tiên sau đẻ đều chưa thể hoàn toàn dễ dàng cho người phụ nữ, vì vậy người chồng cần biết kiên nhẫn.
Khi chưa hết hẳn sản dịch thì chưa nên có quan hệ tình dục để tránh nguy cơ bị nhiễm khuẩn.
Cũng không nên quan hệ tình dục khi vết khâu tầng sinh môn hay mổ lấy thai chưa lành sẹo hoàn toàn và khi chưa bắt đầu uống thuốc tránh thai. Cần kiêng quan hệ tình dục một thời gian tối thiểu từ 6 tuần sau đẻ.
Sau khi thực hiện những điều kiện thận trọng nói trên thì chuyện quan hệ tình dục trở lại là chuyện khi nào 2 vợ chồng muốn. Những biến đổi về thể chất và cảm xúc sau đẻ làm cho người phụ nữ nghĩ đến nhiều chuyện khác hơn là mong muốn sớm quan hệ tình dục, người chồng cần biết kiên nhẫn, không thúc giục, hãy chờ đến khi người vợ đã thực sự sẵn sàng. Nói chung, nhiều cặp vợ chồng có quan hệ tình dục trở lại 7 - 8 tuần sau đẻ.
Theo BS.Hồng Anh (Sức Khỏe & Đời Sống)