Theo Đông y, bồ dục vị mặn, tính lạnh không độc, có công hiệu bổ thận, ích tinh, tráng dương chữa thận hư suy yếu tình dục, di mộng tinh...
Cách sơ chế bồ dục: Dùng một ít muối hoặc bột mì rồi xát nhẹ để bồ dục sạch chất nhớt. Rửa sạch bồ dục với nước, chẻ đôi theo chiều dọc rồi lọc bỏ phần gân trắng ở giữa. Sau đó, cho muối vào chà xát lần nữa để loại bỏ hoàn toàn chất nhớt. Nấu một ít nước sôi, thêm một ít gừng đập dập rồi cho bồ dục vào chần khoảng 1-2 phút thì vớt ra. Xắt bồ dục thành miếng khoảng 2-3cm. Không nên xắt quá mỏng vì sẽ làm bồ dục mất đi độ giòn.
Bồ dục xào giá hẹ: 2 quả thận lợn đã sơ chế, 150g giá, 200g bông hẹ. Hành tím, hành lá, đường, nước mắm, muối, bột ngọt, dầu ăn, tiêu xay, dầu hào. Phi thơm hành tỏi, vặn lửa lớn rồi trút thận lợn vào xào nhanh chóng khoảng 1-2 phút. Nêm một ít gia vị gồm: 1 muỗng cà phê dầu ăn; 1 muỗng canh nước mắm; 1/2 muỗng cà phê bột ngọt; 1/2 muỗng canh dầu hào. Trộn đều cho thận lợn thấm gia vị rồi thêm hẹ đã xắt khúc vào, xào nhanh chóng khoảng 2 phút thì thêm giá đỗ, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn. Cuối cùng, thêm hành lá đã xắt khúc vào, đảo đều rồi tắt bếp. Như vậy, món thận lợn xào giá hẹ đã hoàn thành nhanh chóng.
Bồ dục nấu nhục thung dung: Bồ dục 2 quả, đỗ trọng 20g, sinh khương 15g, nhục thung dung 15g, hành 20g, rượu 20ml, dấm 20g, đường trắng 30g, dầu ăn vừa đủ. Làm bồ dục xong để sẵn. Đun 1 lít nước với đỗ trọng, nhục thung dung xào thành dịch đặc, bỏ bã lấy nước để sẵn. Phi thơm gừng hành. Sau đó bỏ bồ dục xào sơ rồi đổ nước thuốc trên vào với đường xào chín (dùng đường tuỳ ý). Công dụng: Bổ khí huyết can thận tráng dương.
Bồ dục và phá cổ chỉ: bồ dục 2 quả, phá cổ chỉ 15g, gừng: 5g, hành 20g, rượu 15g, muối khoáng 6g. Làm bồ dục xong để phá cổ chỉ lên trên, rồi đổ rượu, gừng, hành, muối và 300ml nước. Bỏ vào nồi chưng cách thuỷ khoảng 30 phút. Công dụng: bổ thận tráng dương.
Theo BS. Sơn Minh (Sức Khỏe & Đời Sống)