Kinh nguyệt và hội chứng tiền kinh nguyệt

01/05/2015 10:51:22

Kinh nguyệt là sự tiết ra máu và các mảnh nội mạc tử cung ở âm đạo mỗi tháng ở phụ nữ trong tuổi sinh đẻ.

Kinh nguyệt là sự tiết ra máu và các mảnh nội mạc tử cung ở âm đạo mỗi tháng ở phụ nữ trong tuổi sinh đẻ.

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)

Hội chứng tiền kinh nguyệt được đặc trưng bởi một loạt các triệu chứng thể chất và tâm lý xuất hiện trước kỳ kinh. Số liệu thống kê ghi nhận 95% số phụ nữ phải trải qua các triệu chứng PMS tối thiểu là nhẹ, trong số đó có 40% số phụ nữ có các triệu chứng nặng và 5% mất khả năng làm việc vì các triệu chứng này (chẳng hạn rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt, hay PMDD).

Đau bụng kinh là nỗi ám ảnh của phái nữ.

 
Mặc dù các triệu chứng của mỗi người rất khác nhau, nhưng các triệu chứng chung về thể chất bao gồm đau bụng, căng tức bụng dưới, đau đầu hoặc đau nửa đầu, đau lưng, sưng và cương ngực. Các triệu chứng về tâm lý có thể gặp như dễ cáu kỉnh, căng thẳng, trầm cảm, dễ gây gổ, khó chịu, mệt mỏi, mất ngủ, thèm ăn và giảm ham muốn tình dục. PMS rõ ràng có thể gây ra những bực dọc đáng kể về thể chất và tâm lý.

Đến nay các nguyên nhân chính xác của PMS vẫn chưa biết rõ, mặc dù mối liên hệ của nó với giai đoạn hoàng thể của chu kỳ kinh nguyệt cho thấy nhiều khả năng liên quan tới các hormon sinh dục như estrogen và progesterone. Giả thuyết phổ biến hiện nay cho rằng nguyên nhân của PMS chủ yếu là do các ảnh hưởng tương tác của chất dẫn truyền thần kinh của hệ thần kinh trung ương với các hormon sinh dục, do dễ nhận thấy mức độ thay đổi của 5-Hydroxytryptamine (serotonin) khi PMS xảy ra.

Đau bụng do kinh nguyệt

Đau bụng do kinh nguyệt là do sự co thắt nhiều ở lưng dưới và đau bụng dưới, đau nhất vào trước hoặc trong ngày đầu tiên của kỳ kinh. Các triệu chứng khác kết hợp với đau là buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. 60% số phụ nữ ở tuổi thanh niên phải chịu cơn đau nặng do kinh nguyệt ở một số giai đoạn.

Chứng đau nửa đầu do kinh nguyệt

Chứng đau nửa đầu do kinh nguyệt là các cơn đau đầu nặng xuất hiện trước, trong hoặc sau khi hành kinh. Trong số 19% số phụ nữ bị chứng đau nửa đầu, thì 60% có liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt của họ. Chứng đau nửa đầu do kinh nguyệt có triệu chứng giống như chứng đau nửa đầu do nguyên nhân khác nhưng cơn đau thì mạnh hơn, kéo dài hơn và xuất hiện thường xuyên hơn. Tuy chưa rõ nguyên nhân gì gây ra tình trạng này, nhưng nó có thể liên quan đến việc sản xuất quá nhiều prostaglandin trong kỳ kinh nguyệt, hoặc là do việc giảm lượng estrogen.

Ít kinh nguyệt và vô kinh

Nguyên nhân của kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh rất đa dạng. Việc không có kinh có thể do những bất thường về mặt giải phẫu liên quan đến buồng trứng, tuyến yên và vùng dưới đồi. Vô kinh được giải thích bằng một số các nguyên nhân, phổ biến nhất là do căng thẳng, giảm trọng lượng đáng kể (chứng biếng ăn), tập luyện căng thẳng liên tục và trầm cảm.

Biểu hiện của bệnh

Biểu hiện hội chứng tiền kinh nguyệt ở mỗi phụ nữ một khác.

Có trên 150 triệu chứng khác nhau được cho là do hội chứng tiền kinh nguyệt gây nên. Trong số đó, những triệu chứng phổ biến nhất là dễ cáu kỉnh, thay đổi tâm trạng, phù nề, căng tức ngực và thèm ăn. Không có một xét nghiệm chắc chắn nào để xác định hội chứng tiền kinh nguyệt, vì vậy việc chẩn đoán các triệu chứng đó dựa trên việc loại trừ các nguyên nhân khác. Một cách hiệu quả nhất để làm việc này là ghi nhật ký về các triệu chứng của bạn.

Bạn ghi chép tỉ mỉ từng chi tiết rất hữu ích như ngày đầu tiên và ngày cuối cùng của kỳ kinh và bất cứ triệu chứng đáng kể nào xảy ra. Ngoài ra cần ghi lại cả các triệu chứng về thể chất và cảm xúc mà bạn trải qua, cũng như các loại và lượng thức ăn mà bạn ăn khi chuẩn bị có kinh. Để xác định qui luật thành các triệu chứng tiền kinh nguyệt, cần phải ghi nhật ký cho ít nhất 3 chu kỳ kinh nguyệt liên tiếp.

Nếu các triệu chứng của bạn có liên quan tới hội chứng tiền kinh nguyệt, thì các quy luật sau có thể bắt đầu rõ nét:

Các triệu chứng sẽ xảy ra trong 2 tuần dẫn tới kỳ kinh nguyệt và chấm dứt khi có kinh.

Khi hết kinh, bạn không gặp bất kỳ triệu chứng nào trong 7 ngày hoặc hơn.

Các triệu chứng lại bắt đầu lặp lại trong 1-2 tuần cho tới khi kỳ kinh nguyệt.

Nếu các triệu chứng mà bạn trải qua không thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, thì không chắc là do hội chứng tiền kinh nguyệt gây ra.

Nếu các triệu chứng này làm cho bạn khó chịu, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Điều trị

Đối với nhiều phụ nữ, thay đổi lối sống có thể giúp làm giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt. Nhưng phụ thuộc mức độ nặng của triệu chứng, bác sĩ có thể kê đơn cho bạn một hoặc vài loại thuốc. Hiệu quả điều trị phụ thuộc từng cá thể phụ nữ.

Các thuốc kê đơn thường dùng trong điều trị các triệu chứng tiền kinh nguyệt gồm: thuốc chống trầm cảm: Nhóm thuốc ức chế chọn lọc tái hấp thu serotonin (SSRIs) gồm fluoxetine (prozac, sarafem), paroxetine (paxil, pexeva), sertraline (Zoloft)… có hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng; thuốc giảm đau non-steroid (NSAIDs): Sử dụng trước hoặc ngay trước khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt, gồm ibuprofen, naproxen có thể làm giảm khó chịu ở vú và chuột rút; thuốc lợi tiểu: giúp làm giảm tình trạng giữ nước, ví dụ spironolactone (aldactone); thuốc tránh thai: làm ngưng rụng trứng và do vậy có thể làm dịu các triệu chứng tiền kinh nguyệt.

Một số dạng sản phẩm được sử dụng làm giảm các triệu chứng của tiền kinh nguyệt như: Canxi: sử dụng 1,200 mg canxi mỗi ngày trong chế độ ăn hoặc các dạng bổ sung có thể làm giảm các triệu chứng thực thể và tâm thần của PMS.

Magie: 360 mg/ngàylàm giảm triệu chứng cương, đầy hơi.

Vitamin E: 400 UI mỗi ngày giúp làm giảm các triệu chứng PMS do giảm sản xuất prostaglandins- thành phần giống hormon gây chuột rút và cương vú.

Thảo dược: một số loại cây thuốc giúp làm giảm các triệu chứng của PMS như cây vitex, gừng, Evening primrose oil và St. John’s wort…

Thay đổi lối sống

Đôi khi bạn có thể kiểm soát hoặc làm giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt bằng cách thay đổi chế độ ăn, luyện tập như: thay đổi chế độ ăn: chia nhỏ bữa ăn giúp làm giảm cảm giác đầy hơi, đầy bụng; hạn chế muối trong thức ăn làm giảm đầy hơi và ứ dịch; chọn các loại thức ăn giàu carbohydrate như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên vỏ; giàu canxi; tránh uống café, rượu; luyện tập ít nhất 30 phút mỗi ngày: đạp xe, đi bộ, bơi, aerobic giúp cải thiện sức khỏe toàn diện, làm giảm các triệu chứng như trầm cảm, mệt mỏi; giảm stress, ngủ đủ giấc, tập yoga hoặc massage.

Theo Suckhoedoisong.vn