Trong y học cổ truyền, hải sâm được coi là một vị thuốc bổ thận, tráng dương, ích tinh, nhuận tảo, được dùng để cầm máu, tiêu đờm, chữa thần kinh suy nhược, viêm phế quản, ho, mụn nhọt. Cách chế biến và sử dụng hải sâm như sau:
Hải sâm bắt về, mổ bỏ ruột, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Tốt nhất là loại có màu đen, thịt quánh dính. Dược liệu có vị mặn, tính ấm, thường được dùng dưới dạng nướng giòn, tán nhỏ thành bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 6-10g với nước ấm hoặc rượu. Hải sâm đã được bào chế cùng với 3 loại: rắn hổ mang, cạp nong hay cạp nia và rắn ráo dưới dạng rượu ngâm lấy tên là “Rượu Hải sâm - Tam xà” được dùng làm thuốc bổ, tăng cường sinh lực, mạnh gân xương.
Cháo hải sâm bổ thận ích tinh, trừ hư nhiệt. |
Chữa lao phổi: hải sâm 500g; bạch cập 250g; mai rùa 1 cái, nướng giòn. Tất cả thái nhỏ, sao vàng, tán bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 25g với nước ấm.
Chữa cơ thể nhiệt táo, khối u: hải sâm 30g, mộc nhĩ 30g, thái nhỏ, nhồi vào một khúc ruột già lợn, luộc cho chín nhừ. Ăn trong ngày.
Thuốc bổ khí huyết, hạ huyết áp: hải sâm 50g, thái miếng; tỏi 30g giã nhỏ; gạo 100g vo sạch. Tất cả nấu chín nhừ thành cháo. Ăn một lần trong ngày vào buổi sáng.
Thuốc bổ gan, thận, hạ huyết áp: hải sâm 50g, đỗ trọng 5g, cho vào nồi cùng với nước luộc gà 100ml, ít gừng, hành, muối. Nấu cho nhừ thịt, ăn 1 lần trong ngày.
Chú ý: Tránh nhầm lẫn hải sâm với “Thủy hoài sâm” (cùng được gọi là hải sâm). Một loại nấm men phát triển trong nước chè, được dùng làm nước uống giải khát, bổ dưỡng khá phổ biến trong những năm gần đây ở Việt Nam.
Theo DS Huyền Hoa (Sức Khỏe & Đời Sống)