Giữa đêm cấp cứu vì tự bơm cả lít nước muối vào "cô bé" trước khi “lâm trận”

05/07/2015 19:53:59

“Cô bé” là khu vực nhạy cảm, cần được vệ sinh sạch sẽ và chăm sóc cẩn thận. Tuy nhiên không phải ai cũng có đủ kiến thức để bảo vệ cơ quan nhạy cảm này được khỏe mạnh.

“Cô bé” là khu vực nhạy cảm, cần được vệ sinh sạch sẽ và chăm sóc cẩn thận. Tuy nhiên không phải ai cũng có đủ kiến thức để bảo vệ cơ quan nhạy cảm này được khỏe mạnh.

Rước bệnh vì… sạch quá

Việc không nhận thức rõ sự nguy hiểm khi sử dụng những “vật thể lạ” đưa vào “vùng kín” khiến nhiều chị em gặp phải cảnh dở khóc dở cười, như chuyện chị Hà Anh bơm trực tiếp nước muối vào “cô bé” là một ví dụ. Mới đây, chị Hà Anh (trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã phải cấp cứu ngay trong đêm tại bệnh viện Đa Khoa Chương Mỹ trong tình trạng sốc nặng do bơm 1.500ml nước muối sinh lý thẳng vào “vùng kín”. Khi tỉnh dậy, bác sĩ hỏi lý do thì nhận được câu trả lời ngượng ngùng từ chị rằng bơm nước muối để vệ sinh cho “cô bé” sạch sẽ, lại giúp tăng khả năng mang thai.
 

Được biết, vợ chồng chị Hà Anh nghe người ta nói rửa “vùng kín” bằng nước muối vừa khử trùng giúp “vùng kín” sạch sẽ, lại giúp trung hòa âm đạo, làm tinh trùng bơi nhanh hơn, có cơ hội gặp trứng và sẽ thụ thai nên mới nghe theo. Vậy là mỗi lần chuẩn bị “lâm trận”, chị lại hì hục chạy vào nhà tắm để rửa “vùng kín” bằng nước muối, khiến cuộc “yêu” bị trì hoãn, vợ chồng chẳng còn hứng thú gì nữa.

Hôm đó, khi đang chuẩn bị “lâm trận” thì chị Hà Anh lại vội vàng vào nhà vệ sinh để chuẩn bị “đạo cụ”. Chờ mãi không thấy vợ đi ra, chồng chị vào gọi thì thấy vợ đã ngất lịm từ lúc nào, bên cạnh là chai nước muối sinh lý và cái xi lanh tiêm to bằng bắp tay. Anh chồng lo lắng liền gọi xe đưa chị đi cấp cứu. Sau lần cấp cứu ấy, chị Hà Anh còn phải điều trị viêm nhiễm phụ khoa do rửa “vùng kín” bằng nước muối, khiến môi trường âm đạo bị mất cân bằng, vi khuẩn dễ dàng tấn công gây bệnh phụ khoa.

Thông thường, chị em chỉ biết do không vệ sinh “vùng kín” nên dễ mắc bệnh phụ khoa. Trên thực tế nhiều người lại mắc bệnh do… quá sạch. Chị Nguyễn Thị Kim Liên (đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội) là một trường hợp như vậy. Có kế hoạch sinh con thứ 2 đã gần 2 năm nay, lại có tiền sử bị viêm nhiễm phụ khoa nên “vùng kín” của chị ra nhiều khí hư và gây ngứa, nhất là vào những ngày hè nắng nóng nên thường đi khám phụ khoa rất kỹ lưỡng, phải uống thuốc, đặt thuốc cả nửa tháng mới khỏi. Sau khi khám chữa bệnh, chị Liên được bác sĩ tư vấn, phải vệ sinh sạch sẽ, nhất là trước và sau khi quan hệ tình dục, “vùng kín” có sạch sẽ, khỏe mạnh mới dễ dàng đậu thai. Vậy là không chỉ theo lời bác sĩ, chị Liên còn sạch sẽ hơn bằng cách dùng băng vệ sinh hàng ngày và thay 3-4 lần /ngày.

Hơn nữa, mỗi lần đi vệ sinh chị đều lấy vòi xịt để rửa “cô bé”. Vào mỗi buổi tối đi tắm, chị đều dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ và thụt rửa vào sâu âm đạo để giúp cho âm đạo sạch hơn. Tuy nhiên không hiểu sao chỉ được một thời gian, bệnh cũ của chị lại tái phát. Lần này, chị không đi khám nữa mà mua thuốc theo đơn thuốc và đặt như lần trước, nhưng bệnh mãi không thuyên giảm. Lúc này đi khám phụ khoa, chị mới tá hỏa khi bác sĩ kết luận bị viêm âm đạo nặng, lan ngược dòng vào trong do thụt rửa quá sâu. Chính vì viêm âm đạo khiến tinh trùng khó gặp được “cô trứng” để kết thân nên vợ chồng chị “cố” mấy cũng không có “tin vui”.

Cách vệ sinh khoa học

Theo bác sĩ sản phụ khoa Nguyễn Thị Tuyết Lữ (nguyên bác sĩ Bệnh viện Bưu Điện), vệ sinh “vùng kín” là việc làm cần thiết và thường xuyên, đòi hỏi các chị em phải tự trau dồi cho mình những kiến thức cần thiết. Viêm nhiễm phụ khoa ở phụ nữ có rất nhiều nguyên nhân, và nhiều người trong số đó mắc bệnh là do chủ quan, phạm những lỗi rất cơ bản khi vệ sinh. Thậm chí, vì sạch quá mà dẫn đến viêm nhiễm phụ khoa cũng có rất nhiều. Với suy nghĩ càng sạch càng tốt, càng rửa nhiều, thụt rửa sâu và dùng các dung dịch vệ sinh có mùi thơm thì “vùng kín” càng trở nên sạch hơn đã khiến, nhiều chị em đã rước họa vào thân khi “cô bé” bị tổn thương, vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm phụ khoa.

Thực ra, âm đạo của phụ nữ chứa nhiều vi khuẩn có lợi giúp tự làm sạch môi trường bên trong, chống lại sự tấn công của các vi khuẩn gây hại từ bên ngoài và cân bằng độ pH, nên việc lạm dụng nước vệ sinh, thụt rửa sâu sẽ làm mất cân bằng môi trường âm đạo, lợi khuẩn bị mất dần mất mòn, tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây hại xâm nhập và phát triển. Khi “vùng kín” đã bị viêm nhiễm, nhiều chị em tiếp tục thụt rửa sâu lại khiến các vi khuẩn gây hại nhiễm ngược dòng vào tử cung và vòi trứng, làm cho quá trình thụ thai trở nên khó khăn, nguy hiểm nhất là dẫn đến vô sinh. Ngoài ra, phụ nữ bị viêm, ngứa và bơm rửa sâu âm đạo làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Như trường hợp của chị Hà Anh nói trên, rửa nước muối, lại bơm sâu vào “vùng kín” không những không có tác dụng tốt mà còn phá vỡ cân bằng môi trường âm đạo dẫn đến khô, không tiết dịch, làm đau rát khi quan hệ tình dục và dễ dàng bị bệnh phụ khoa tấn công. Viêm nhiễm phụ khoa lại tiếp tục bơm sâu nước muối vào âm đạo có thể gây viêm nhiễm sâu, không thể sinh con chứ chưa nói gì đến việc sinh con trai. Ngoài ra, một ngày rửa “vùng kín” quá nhiều lần, lại sử dụng xà phòng, dung dịch tẩy rửa có chất sát trùng cao sẽ làm đau rát âm đạo. Phụ nữ nên chọn chất tẩy rửa vùng kín dịu nhẹ, không có mùi quá sực và không được lạm dụng. Chị em cũng nên rửa vùng kín 2- 3 lần/ngày bằng nước sạch, tuyệt đối không ngâm mình vào chậu rửa để tránh vi khuẩn từ hậu môn tấn công vào âm đạo.

Bác sĩ Tuyết Lữ khuyên chị em nên vệ sinh “vùng kín” sạch sẽ và luôn khô ráo, chọn quần lót khô thoáng và nên thay giặt thường xuyên. Tuyệt đối không thụt rửa âm đạo khi không có hướng dẫn của thầy thuốc, đồng thời không nên đặt băng vệ sinh hằng ngày thường xuyên để tránh gây ẩm ướt vùng kín, khiến vi khuẩn sinh sôi từ băng vệ sinh tấn công lên âm đạo. Vào những ngày “đèn đỏ” càng phải chú ý vệ sinh sạch sẽ, thay băng vệ sinh thường xuyên và không quan hệ tình dục trong thời gian này.

Viêm phụ khoa nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến mang thai ngoài tử cung, vô sinh, ung thư cổ tử cung, dễ gây sẩy thai, trẻ sinh ra có thể bị nhiễm khuẩn, mù lòa… Bởi vậy, chị em nên khám phụ khoa định kỳ 3 tháng một lần để được phát hiện bệnh phụ khoa sớm nhất. Ngoài ra, khi thấy những dấu hiệu như ra nhiều khí hư, khí hư có mùi, đau bụng dưới, kinh nguyệt bất thường, ngứa vùng kín và đau rát khi quan hệ tình dục cần đến các chuyên khoa phụ khoa để được khám chữa kịp thời. Khi uống thuốc và sử dụng thuốc điều trị phụ khoa cần tuân thủ những chỉ dẫn của bác sĩ, trường hợp lây nhiễm bệnh từ bạn tình cần phải điều trị cả hai và tái khám đúng thời gian quy định. Tuyệt đối không sử dụng đơn thuốc một lần cho lần sau, đây cũng là lý do khiến phụ nữ bị nhờn thuốc, gây khó khăn cho những lần điều trị tiếp theo. Chị em cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để bảo vệ sức khỏe sinh sản của mình và bạn tình.
 

Âm đạo có thể xem như một khoang hở của cơ thể thông với bên ngoài. Do đó, sự hiện diện vi khuẩn trong âm đạo là điều tự nhiên. Đặc biệt, có những loại vi khuẩn có lợi cho cơ thể, nhất là nhóm Lactobaccilus, khi phát triển sẽ tạo ra môi trường pH thích hợp cho âm đạo. Dung dịch vệ sinh phụ nữ là một sản phẩm quen thuộc đối với nữ giới và có mặt ở bất cứ đâu từ các cửa hàng tạp hóa cho đến các nhà thuốc.  Nó có tác dụng giúp chị em giữ vệ sinh vùng kín một cách sạch sẽ và khô thoáng. Tuy nhiên, về cách sử dụng cũng như những quan niệm trong quá trình sử dụng sản phẩm này thì còn rất nhiều điều đáng bàn. Nhiều chị em luôn cho rằng nước rửa phụ khoa có thể dùng bất cứ lúc nào, chẳng hạn sau khi tiểu tiện, hoặc những lúc tắm rửa để vùng kín sạch sẽ và không bốc mùi khó chịu. Đây là một quan niệm sai lầm. Việc dùng nước rửa phụ khoa nhiều quá không hề tốt. Nếu như thường xuyên sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ có thể làm xáo trộn môi trường tự nhiên của âm đạo. Bởi nước rửa phụ khoa đều chứa chất sát trùng, giết chết luôn cả vi khuẩn có lợi (Doderlin), khiến không tổng hợp được a-xít lactic, và do đó vùng kín dễ viêm nhiễm hơn.

 
Theo Bảo Anh (Báo Gia Đình & Xã Hội)

Nổi bật