Có một chị vợ lên diễn đàn mạng băn khoăn rằng, tại sao từ hồi em có bầu rồi sinh con đến nay, đứa bé đã gần hai tuổi rồi, chồng nhất định phải dùng "áo mưa" khi giao lưu? Có vấn đề gì không nhỉ? Vợ đã bảo, để em đi đặt vòng cho vợ chồng gần gũi, tự nhiên hơn, nhưng anh ấy tìm mọi cách thoái thác. Uống thuốc cũng không chịu, thật chẳng biết nên hiểu sao nữa.
Người sành sỏi hơn thì phán, anh chồng ấy không đủ tự tin khi đi "chân trần", sợ chưa đến chợ đã hết tiền. Nhiều nam giới phải khoác thêm áo xống cho công cụ nhằm kéo dài thời gian phục vụ bà xã. Thêm thái độ chia sẻ trách nhiệm cho trong việc phòng ngừa sinh con ngoài ý muốn, thì anh ta đáng được bình bầu là người chồng của năm, chứ còn đòi hỏi gì nữa, hả trời?Nhiều người ra vô nêu giả thuyết lẫn đưa lời khuyên cho chị ấy. Khả năng lớn nhất, anh nhà đang đang điều trị bệnh xã hội, không muốn lây lan sang vợ, nên nỗ lực cố gắng bảo vệ vợ con. Thằng nhỏ bị “cảm cúm” nên anh ta mới bắt nó phải đeo khẩu trang thôi. Nhưng cảm cúm gì mà hơn năm chưa hết? Khả năng là đã bị cảm kinh niên dòng HIV rồi!
Hay là chị vợ từng có… tiền sự gì nên chồng phải tìm cách tự bảo vệ bản thân bằng biện pháp ấy? Không ư? Có chắc là chị đọc được suy nghĩ và cảm giác của chồng không mà dám khẳng định như vậy? Nhiều khi chồng chị đã nghi ngờ vợ nhưng chẳng nỡ nói ra, cứ lẳng lặng chọn giải pháp tốt nhất đấy. Lẽ nào vợ chồng mà cũng nghi kỵ nhau tới mức đó? Có chứ, thời buổi này mà, đâu phải cứ vợ chồng là hoàn toàn tin tưởng về độ “sạch”? Phòng ngừa là hay nhất, nhé!
Vậy chị có bày tỏ nỗi lòng của mình về vấn đề “có áo hay không áo” với chồng chưa? Cảm giác băn khoăn bất ổn của chị vợ rõ ràng là hợp tình hợp lý. Thông thường, nam giới luôn thích được “thả rông”. Đằng này, vợ đã bật đèn mà anh ta vẫn khăng khăng, lại cố thuyết phục vợ, thì hẳn là cần suy xét thật rồi…
Chung quy lại, là do chị hết đó! Lo âu bất an, dù chỉ là ngờ ngợ, tại sao không mở miệng hỏi chồng, mà lại đi thắc mắc với thiên hạ thế này? Cuối cùng thì nhận lại một lô một lốc các “thầy dùi”, thêm rối. Hoang mang. Nghi ngờ. Sợ hãi. Tốt nhất, chị hãy nhẹ nhàng và tế nhị hỏi thẳng chồng. Có được câu giải thích thỏa đáng, chẳng hơn sao. Nếu chồng vẫn tiếp tục lòng vòng, thì lại khác rồi. Mà nói đi cũng phải nhìn lại. Vợ chồng với nhau, mà phải nghĩ cách đối phó hoặc bắt bẻ xem, ai phải mở lòng, thành thật và giải thích mọi thứ?Thế nhưng, không ít người lại bảo, đó là bình thường thôi mà. Biện pháp kế hoạch hóa ấy đơn giản, rẻ tiền, dễ áp dụng, tỷ lệ an toàn cao, tại sao lại phải cả nghĩ, mất vui? Muốn hạnh phúc gia đình lung lay bởi những suy diễn vớ vẩn của đàn bà thật sao? Lại có người trách chị vợ vô tình, chồng bấy lâu hẳn đang âm thầm loay hoay với câu chuyện khổ sở dằn vặt nào đấy của riêng anh ấy, mà người đầu ấp tay gối lại chẳng thấu hiểu. Nếu có thể tự giãi bày với vợ, thì anh ta đã không cắn răng chọn cách “dở” nhất mà cánh đàn ông vốn chưa từng ưa dùng thế này…
Một câu chuyện riêng thôi, có đủ khiến chúng ta giật mình ngó lại đời sống vợ chồng của mình? Chốn phòng the ấy, tưởng chừng như người ta phơi bày cùng nhau mọi thứ, đồng điệu sẻ chia tất cả, nhưng hóa ra không phải. Vẫn còn những lăn tăn giấu phía sau sự lẳng lặng ngấm ngầm. Như vài đợt sóng rì rào mà chẳng êm ả, tựa hồ dấu chấm hỏi xen ngang vào mối quan hệ của hai người. Để lâu ngày, những ẩn ức khó hiểu ấy có thể hóa thành vết rạn, khiến cho người ta rời xa nhau mà không chắc người trong cuộc đã hiểu hết lý do. Đôi khi, chỉ vì e dè, là mấy hoài nghi không có cơ sở mà thôi.
Biết quan tâm tới bạn đời hơn, hiểu cả những điều người kia chưa kịp nói, thì hôn nhân và đời sống lứa đôi còn gì tuyệt vời hơn, phải không nào?
Theo Lưu Ly (Phunuonline.com.vn)