Tình trạng này báo hiệu bệnh lý tiềm ẩn. Người bệnh có thể bị đau hay rát cùng với tiết mủ trong các trường hợp nhiễm trùng cục bộ. Số lượng mủ tiết ra ở dương vật có thể thay đổi từ ít đến nhiều.
Dấu hiệu chảy mủ dương vật thường gặp ở nam giới là do viêm niệu đạo bởi tác động của vi khuẩn, vi nấm, trong đó vi khuẩn chiếm tỷ lệ cao hơn cả như: E.coli, tụ cầu da (S. epidermidis), tụ cầu hoại sinh (S. saprophyticus)… Tình trạng dương vật ra mủ do viêm niệu đạo nếu không được điều trị có thể gây ra các biến chứng như viêm niệu đạo mạn tính, vi khuẩn gây bệnh có thể lan sâu vào toàn bộ niệu đạo và rất dễ tái phát, gây viêm tuyến tiền liệt. Hơn nữa, dương vật chảy mủ có thể dẫn đến viêm lan sang các bộ phận khác như ống dẫn tinh, mào tinh hoàn. Nếu viêm cả hai mào tinh hoàn sẽ ảnh hưởng khả năng sinh sản ở nam giới. Tình trạng chảy mủ dương vật kéo dài có thể khiến cho niệu đạo viêm kéo dài tạo thành nhiều túi mủ nhỏ hoặc một túi mủ lớn bao quanh niệu đạo. Tổn thương sau khi lành sẹo, lòng niệu đạo sẽ bị co hẹp lại làm cho người bệnh gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiểu tiện (khó tiểu hoặc bí tiểu).
Dương vật tiết mủ còn do bệnh lậu. Nếu trước đó có quan hệ tình dục không an toàn thì hiện tượng tiểu cấp, tiểu buốt, đau nhức dương vật và dương vật chảy mủ phần lớn là do nhiễm vi khuẩn lậu. Bệnh này là do một loại song cầu khuẩn có tên là Neisseria gonorrhoeae gây ra và lây lan chủ yếu qua đường tình dục. Sau 2-7 ngày nhiễm bệnh, 80% nam giới sẽ có các triệu chứng rõ rệt như: Đầu dương vật đỏ và chảy mủ hoặc dịch nhầy, màu vàng hoặc màu xám. Đồng thời, lỗ niệu đạo sưng đỏ, vùng da quy đầu bị sưng tấy. Đau tức dương vật do vi khuẩn lậu xâm nhập niệu đạo, tuyến tiền liệt, nang tinh hoàn gây ra tình trạng đau. Người bệnh đi tiểu nhiều lần, đặc biệt là vào ban đêm do viêm nhiễm làm niệu đạo co bóp nhiều hơn. Khi đi tiểu có cảm giác nóng rát ở đường niệu đạo, đau tức hoặc đau buốt. Thậm chí một số trường hợp còn đau bụng dưới, đau khi xuất tinh. Ngoài ra, có thể xuất hiện một số triệu chứng khác đi kèm như: đau khi quan hệ, nổi hạch bẹn, cơ thể mệt mỏi, sốt cao, sốt phát ban, đau lưng, đau bụng dưới...
Dấu hiệu dương vật tiết mủ còn có thể do viêm nhiễm bàng quang, viêm hoặc áp-xe tuyến tiền liệt, viêm mủ bể thận…
Khi thấy dương vật chảy mủ bất thường, nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời, tránh gây biến chứng. Việc giữ vệ sinh sạch sẽ cho niệu đạo và vùng kín là điều quan trọng, nên tránh quan hệ tình dục với nhiều bạn tình. Vì dương vật tiết mủ có thể liên quan bệnh lây truyền qua đường tình dục nên hãy đưa bạn tình của mình đi khám cùng để cùng điều trị.
Theo BS. Đinh Mạnh Trí (Sức Khỏe & Đời Sống)