- Vừng đen: Vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ can thận, nhuận ngũ tạng, làm khoẻ gân cốt, đen râu tóc và chống lão hoá. Dân gian thường dùng vừng đen phối hợp với hồ đào nhục và tang thầm lượng bằng nhau, tán nhuyễn rồi chưng với mật ong thành dạng cao lỏng, uống khi bụng đói, mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 2 thìa canh hoặc vừng đen (xát bỏ vỏ, đồ chín) 1 phần phối hợp với lá dâu non (hái lúc mặt trời chưa mọc) 2 phần, hai thứ sấy khô tán mịn, luyện với mật ong thành dạng viên to bằng hạt ngô đồng, uống mỗi ngày 100 viên với nước ấm vào lúc đói.
- Hoài sơn (củ mài): Vị ngọt, tính bình, có công dụng tư thận bổ phế, kiện tỳ ích tinh. Sách Bản thảo chính viết: “Sơn dược năng kiện tỳ bổ hư, tư tinh cố thận, trị chư hư bách tổn, trị ngũ lao thất thương” (Củ mài có khả năng bổ tỳ thận và ích tinh, trị được mọi chưng hư tổn). Sách Bản thảo kinh độc cũng cho rằng hoài sơn “năng bổ thận điền tinh, tinh túc tắc âm cường, mục minh, nhĩ thông”.
Ô tặc ngư (cá mực): Vị mặn, tính bình, có công dụng tư âm dưỡng huyết. Sách Biệt lục cho rằng cá mực có tác dụng “ích khí cường trí”. Sách Y lâm cải thác cũng đã viết : “Ô tặc ngư bổ tâm thông mạch, hoà huyết thanh thận, khứ nhiệt bảo tinh”. Bởi vậy, với đàn ông “mãn kinh” thuộc thể Can thận âm hư, cá mực là thức ăn rất có lợi.
Trai hến: Vị ngọt mặn, tính lạnh, có công dụng tư âm thanh nhiệt, dưỡng can minh mục. Sách Tuỳ tức cư ẩm thực phổ viết: “Bạng nhục (thịt trai) thanh nhiệt tư âm, dưỡng can lương huyết, minh mục định cuồng”. Sách Bản thảo tái tân cũng cho rằng trai hến có khả năng “trị can nhiệt, thận nhược, thanh lương chỉ khát”. Theo dinh dưỡng học hiện đại, trong trai hến có chứa nhiều kẽm nên rất có lợi cho việc phòng chống u phì đại tiền liệt tuyến lành tính, căn bệnh rất hay gặp ở đàn ông trung lão niên.
Tang thầm (quả dâu chín): vị ngọt, tính lạnh, có công dụng bổ can ích thận, tư âm minh mục. Sách Bản thảo kinh sơ viết: “Tang thầm cam hàn, ích huyết nhi trừ nhiệt, vị lương huyết bổ huyết ích âm chi dược. Ngũ tạng giai thuộc âm, ích âm cố lợi ngũ tạng. Thoái nhiệt âm sinh, tắc can tâm vô hoả, thần thanh tắc thông minh nội phát”. Dân gian thường dùng tang thầm dưới dạng ngâm đường để pha nước giải khát, ngâm rượu hoặc chế thành mứt dâu.
Ngoài ra, với thể bệnh này nên trọng dụng một số thực phẩm khác như tổ yến, đậu tương, gạo nếp, đại táo, mộc nhĩ trắng, bá tử nhân, toan táo nhân, nhân sâm, nấm linh chi, đẳng sâm, cam thảo, bách hợp, nhau thai…
Theo Ths Hoàng Khánh Toàn (Sức Khỏe & Đời Sống)