Bí quyết đặc biệt để… trường thọ
Người dân gọi xã Chuyên Ngoại (Duy Tiên – Hà Nam) là "làng trường thọ" bởi cả xã có tổng 9.000 nhân khẩu nhưng có đến 1.644 cụ cao tuổi, trong đó các cụ có tuổi từ 80 – 100 là 559 cụ, tròn 100 là 9 cụ và trên 100 tuổi là 4 cụ. Dù tuổi đã cao nhưng trong số đó không ít cụ vẫn làm nhiều việc giúp con cháu hàng ngày. Bên cạnh đó, tại Chuyên Ngoại, các cụ cũng có những bí quyết đặc biệt để sống vui, sống khỏe.
Có mặt tại Chuyên Ngoại những ngày cuối cùng của năm cũ cũng là thời điểm các cụ trong "làng trường thọ" đang chuẩn bị những công việc để đón Tết cùng con cháu. Nhiều cụ vẫn tự tay cùng con cháu gói bánh chưng, giò chả… Với các cụ, đó là việc làm suốt hàng thập kỷ qua, không thể nào bỏ được mỗi dịp Tết đến xuân về.
Cụ Nguyễn Văn Thuần (100 tuổi, trú tại thôn Yên Mỹ) cho biết, bản thân tuy tuổi già nhưng sức khỏe vẫn dẻo dai. Có được điều này là nhờ cụ không phải vướng bận, lo lắng đến con cháu. Con cháu của cụ đều thành công trong công việc, cuộc sống. Giờ tuổi già của cụ chỉ quanh quẩn với vườn tược, xóm làng.
Cụ Thuần cũng bật mí: "Bí quyết sống khỏe, sống vui và siêng năng tập thể dục, thể thao là liều thuốc tốt nhất khi bước vào tuổi 100. Hàng ngày, tôi vẫn đi bộ, tập thể dục quanh làng. Trong lúc đi bộ, tập thể dục, tôi thường ghé thăm nhà các cụ cao tuổi để cùng trò chuyện giúp tinh thần luôn vui tươi".
Phong trào tập thể dục, đi bộ cũng lan tỏa mạnh mẽ và cũng là bí quyết của nhiều cụ cao niên. Đơn cử như trường hợp cụ Nguyễn Thị Nghệ là vợ của cụ Thuần cũng đã bước sang tuổi 100 nhưng cả hai vẫn siêng năng tập thể dục, đi bộ mỗi ngày. Rất nhiều người dân trong thôn Yên Mỹ đều ngưỡng mộ vợ chồng cụ Nguyễn Thị Nghệ khi mỗi ngày các cụ thường đi bộ từ 2 - 3km. Tuy nhiên, đến năm nay, do sức khỏe tuổi già nên 2 cụ chỉ quanh quẩn ở nhà.
Hai vợ chồng cụ Nghệ, cụ Thuần đã gắn bó với nhau hơn 80 năm và cũng từng đó thời gian họ luôn yêu thương, san sẻ và chở che cho nhau. Những cử chỉ quan tâm, chăm sóc của các cụ đã khiến không ít người thấy xúc động. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ đối với con cháu, xóm làng.
Do địa phương nằm sát sông Hồng nên từ nhỏ các cụ già tại "làng trường thọ" đã là các "kình ngư". Lớn lên, gắn liền với đất đai, vườn tược, ruộng đồng nên sức khỏe các cụ luôn dẻo dai. Đến thời điểm hiện tại, bữa ăn hàng ngày của các cụ đều vô cùng đơn giản, thực phẩm chủ yếu do gia đình làm ra.
Tâm hồn thanh thản là điều tuyệt vời nhất
Chia sẻ với PV, ông Phạm Văn Sơn (Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Chuyên Ngoại) cho biết: "Chuyên Ngoại được biết đến là "làng trường thọ", bản thân tôi thấy các cụ ở địa phương đều sống vui, sống khỏe nhờ sự tin yêu của con cháu, xóm làng. Ở đây, nhiều cụ đã trên 100 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh".
Ông Phạm Văn Sơn cũng bật mí, các cụ sống giản dị, ăn uống cũng đơn giản, chỉ là thực phẩm tự cung tự cấp và siêng năng tập thể dục.
Bà Nguyễn Thị Chiến (68 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Yên Mỹ) cho biết, trong thôn có 163 cụ từ 60 đến hơn 100 tuổi. Các cụ đều có cuộc sống vô tư, thoải mái. Đó cũng là bí quyết giúp các cụ trường thọ. Đối với cụ Nguyễn Văn Thuần dù 100 tuổi nhưng ai ốm đau, làng trên xóm dưới có công việc gì cụ đều đến hỏi thăm. Vài năm nay, sức khoẻ các cụ yếu hơn.
Tiếp tục chia sẻ với PV, cụ Thuần cho biết: "Chúng tôi đều sống đơn giản, khoa học, đặc biệt hạn chế bia rượu, thuốc lá, luôn rèn luyện tập thể dục thể thao cũng như tự tạo cho mình tâm trạng vui vẻ, nhẹ nhõm nhất có thể".
Ở tuổi như các cụ, con cháu đều trưởng thành, thành đạt, nhiều cụ đã có chắt nên niềm vui lớn nhất vẫn là hàng ngày được quây quần bên các con, cháu chắt và sống thảnh thơi lúc tuổi già.
Trong khi đó, cụ Đào Thị Thuận (105 tuổi, trú tại thôn Từ Đài) vẫn minh mẫn, khỏe mạnh và sống một mình trong ngôi nhà nhỏ. Dù ở một mình nhưng việc ăn uống, sinh hoạt, cụ đều tự lo được.
Nói về người bạn tuổi già, cụ Lương Thị Nghi (gần 90 tuổi) cho biết: "Cụ Đào Thị Thuận thời còn có sức khỏe vẫn ra đồng cày cấy. Về già, cụ trồng rau, nuôi gà và thường sang hàng xóm trò chuyện. Con cháu có công việc và niềm vui của con cháu, chúng tôi có công việc và niềm vui của chúng tôi, không lụy phiền gì đến nhau cả".
Cụ Nghi cũng cho biết, từ lúc còn trẻ cụ đã hay cười, tính tình vui vẻ, ít giận ai được lâu. Cuộc sống của cụ bình an, làng quê không khí trong lành nên dù chẳng được ăn cao lương mỹ vị bao giờ nhưng cụ vẫn thấy khỏe mạnh, minh mẫn.
Theo Lê Bảo (Gia đình & Xã hội)